Chiều 8/11, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận các báo cáo tư pháp và công tác phòng, chống tham nhũng.
Đề cập đến nạn tham nhũng vặt, đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.Hà Nội nhìn nhận, tham nhũng vặt có hình thức rất đa dạng và ngày càng tinh vi như gây phiền hà, cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đến nơi đến chốn, giải quyết không khách quan, không theo hướng tháo gỡ mà theo cách bóp chặt, thậm chí là hù dọa.
"Với cách làm đó, người dân và doanh nghiệp (DN) phải đi lại nhiều lần, đòi hỏi phải quà cáp biếu xén, nhiều vụ việc còn đòi hỏi phí bôi trơn và đáng sợ khi việc này ngày càng trở nên phổ biến, có thể gặp ở trên mọi lĩnh vực như: Khám chữa bệnh, làm các thủ tục về hải quan, xây dựng, tư vấn đất đai, các kỳ thi tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, làm luận văn, luận án, phong học hàm, học vị, các kỳ thi âm nhạc, nghệ thuật...", đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.
"Họ lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách pháp luật, tranh thủ sự thiếu hiểu biết pháp luật của công dân, tận dụng tối đa vị trí công tác đang nắm giữ để đòi hỏi lót tay, bôi trơn", đại biểu Đoàn Hà Nội nói thêm và cho rằng, tình trạng tham nhũng vặt với các "vòi bạch tuộc" đeo đẳng, bắm chặt đã gây bức xúc cho người dân và DN, làm chùn bước các nhà đầu tư và đã làm cho các hoạt động xã hội bị chậm lại, thậm chí làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ được coi là công bộc của nhân dân.
Trong buổi chất vấn vừa qua, Tổng TTCP cũng đã thừa nhận có sự nhũng nhiễu, gây phiền hà trong việc thực thi công vụ trong 1 số bộ phận cán bộ đảng viên đối với người dân.
Trước thực trạng trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí chia sẻ mong muốn của cử tri, của nhân dân là Đảng, Nhà nước cần tập trung hơn nữa việc chống "tham nhũng vặt", chống tiêu cực trong xã hội.
Đại biểu cũng đánh giá cao nỗ lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống tội phạm góp phần ổn định xã hội của các cơ quan như Thanh tra Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an…cho thấy sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt, nghiêm minh của các cơ quan pháp luật từ khâu điều tra, xét xử, thi hành án trong các vụ tham nhũng lớn, nhất là vụ Việt Á trong thời gian qua đã gây rúng động xã hội.
"Tuy nhiên, hoạt động phòng chống tham nhũng vặt, tiêu cực có vẻ chưa được nhiều", đại biểu nói và dẫn số liệu năm 2022 xử lý 177 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp là "quá khiêm tốn so với thực tế đang diễn ra".
Nhìn nhận chống tham nhũng vặt là rất khó, vì tính phổ biến và đôi khi là rất mơ hồ, có khi chính người bị nhũng nhiễu chấp nhận cho qua cho nên rất khó. Song, đại biểu cho rằng, việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ có thể làm được khi có sự vào cuộc của cả xã hội, đặc biệt là của quần chúng nhân dân. "Vì vậy cần phổ biến kiến thức học luật nhiều hơn, rộng hơn cho nhân dân, để nhân dân hiểu được pháp luật mà tham gia tự tin hơn, hiệu quả hơn. Chỉ khi nhân dân vào cuộc nói ra, phát hiện ra thì công tác pctn vặt mới hiệu quả", đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng cần phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan, nhất là cơ quan dân cử như HĐND các cấp, kể cả các tổ chức xã hội như MTTTQ VN các cấp. Cùng với đó, Chính phủ và các cấp ban ngành tổ chức cần xem việc chống tam nhũng vặt là việc quan trọng, cần rà soát lại nhiều hơn để phát hiện, ngăn chặn cho được tham nhũng vặt. "Hi vọng công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta sẽ bước sang một trang mới tốt hơn đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân", đại biểu Nguyễn Anh Trí kết lại phần thảo luận tại hội trường của mình.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến lĩnh vực thanh tra, sáng 5/11, đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh nêu vấn đề, hiện nay tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong thực hiện các thủ tục hành chính đang có xu hướng gia tăng mạnh, nhất là trong quan hệ giao dịch, lĩnh vực xây dựng, đất đai, kinh doanh.
"Hiện tượng tham nhũng vặt đã và đang làm xói mòn lòng tin của người dân", ông Phương nói và cho rằng, những công cụ kiểm soát hành chính như kiểm tra, thanh tra, giám sát hiện nay chưa đủ điều kiện để kịp thời phát hiện và xử lý.
rả lời chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong bày tỏ đồng ý với nhận định của đại biểu và cho rằng hiện nay "đúng là vẫn còn có thực trạng cán bộ gây phiền hà".
"Phổ biến là cố tình kéo dài thời gian trả lời người dân hoặc là trả lời chung chung chưa sát với công việc nhiệm vụ được giao, để người dân đi lại nhiều lần, thậm chí có trường hợp vòi vĩnh bằng nhiều mẹo mực khác nhau để vụ lợi cá nhân", ông Phong cho hay.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng, về công tác cải cách hành chính ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn chưa đạt yêu cầu, thủ tục còn rườm rà gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. "Qua thanh tra phát hiện vẫn còn hiện tượng mọt số bộ ngành còn giấy phép con", ông Phong nhấn mạnh.