ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Thái Bình).
“5 triệu hộ kinh doanh cá thể là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng vặt”
Trước những ý kiến bày tò sự băn khoăn khi đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp liệu có khiên cưỡng? Hay hộ kinh doanh có thui chột khi được chính danh trong Luật Doanh nghiệp?... ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho biết, hộ kinh doanh thực chất là sự pha trộn giữa hai loại hình cá nhân kinh doanh như doanh nghiệp tư nhân và nhóm người kinh doanh tương tự như công ty nhưng với cơ cấu sơ khai nhất.
Về bản chất kinh tế, pháp lý và thực tiễn, các hộ kinh doanh ở nước ta trước hết là các hộ kinh doanh có đăng ký chính là một loại hình doanh nghiệp nhưng lại chưa được coi là doanh nghiệp và nhiều hộ kinh doanh hiện tại đã có quy mô và số lao động được sử dụng thậm chí còn lớn hơn cả các công ty, đó là một trong những khiếm khuyết lớn nhất cho hệ thống pháp luật hiện hành về doanh nghiệp.
“Việc không đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp đã để lại một hậu quả pháp lý, trong khi quyền và nghĩa vụ của công ty tư nhân của các cá nhân kinh doanh đóng góp chưa đầy 10% GDP được quy định trong Luật Doanh nghiệp, còn quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh nơi sinh kế của hàng chục triệu người đóng góp trên 30% GDP của đất nước mà bản chất cũng chính là doanh nghiệp lại chỉ được chế định trong một Nghị định do Chính phủ ban hành”, ĐBQH Vũ Tiến Lộc nói.
Theo ông Lộc, quy định hộ kinh doanh chỉ được hoạt động trong phạm vi địa phương là quận, huyện nơi đăng ký và bị hàng loạt các hạn chế về quyền kinh doanh là trái với nguyên tắc hiến định. Đó là việc hạn chế quyền tự do kinh doanh của công dân chỉ có thể được quy định trong văn bản do Quốc hội ban hành.
Ngoài ra, việc đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp là phù hợp với bản chất kinh tế và pháp lý của hộ kinh doanh và cũng là bảo đảm quyền bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp khác.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sẽ không làm thay đổi kết cấu và quan niệm hiện nay của Luật Doanh nghiệp về vấn đề này.
Còn về phía quản lý nhà nước, ông Lộc cho hay, đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp cũng không phát sinh thêm chi phí và bộ máy vì vẫn duy trì phân cấp quản lý hộ kinh doanh như hiện nay. Thu ngân sách nhà nước lại có thể tăng thêm khi các hộ kinh doanh hoạt động bài bản hơn, minh bạch hơn thì sẽ giảm thiểu sự thỏa thuận thuế giữa hộ kinh doanh và cán bộ thuế, giảm được sự nhũng nhiễu và tham nhũng vặt. Quản trị của hộ kinh doanh cũng sẽ được tăng cường kỷ luật hóa sẽ là động lực để các hộ kinh doanh hoạt động bài bản, chuyên nghiệp hơn và hiệu quả hơn.
ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Thái Bình).
Trước đó, ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cũng từng nêu ra thực trạng là trong số 5 triệu hộ kinh doanh, chỉ có 1,7 triệu hộ đóng thuế môn bài, còn lại 3,3 triệu hộ không đóng bất kỳ khoản thuế, phí nào.
“Thực tế, người ta vẫn phải đóng nhưng ở chỗ nào đó mà người ta vẫn nộp. Qua điều tra tôi thấy chỉ một quán hàng nước thôi vẫn phải nộp hàng tháng, việc này đề nghị Chính phủ nên quan tâm. Tôi nghĩ là để người ta thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ như là doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp nhỏ, chỉ có điều là chúng ta định nghĩa và khái niệm của chúng ta đối với họ như thế nào”, đại biểu Thân nói.
Từ đây, ĐBQH Nguyễn Văn Thân đề xuất: “Ở các nước, đã kinh doanh thì phải nộp thuế. Chỉ là nộp như thế nào, cách thức ra làm sao, khác với doanh nghiệp như thế nào? Việc này chúng ta hoàn toàn có thể làm được, tôi nghĩ chúng ta đã để lọt một nguồn thu rất lớn.
Tôi hỏi một cô bán hàng nước và thuốc lá thì cô ấy nói là đóng 1,5 triệu đồng/tháng tất cả các khoản, tôi tính trung bình mỗi hộ đóng 1 triệu nhân với 12 tháng và nhân với 3,3 triệu hộ thì được 39.600 tỷ đồng trong một năm, nguồn đó chúng ta không thu được và nếu chúng ta định nghĩa tốt phần đó chúng ta sẽ thu được”.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre).
Trong khi đó, ở một góc nhìn khác, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết: “Ở ngoài dư luận nói rất đáng buồn, mọi người bảo bây giờ ép một bà bán nước chè thành công ty. Nói như thế có vẻ hơi khiên cưỡng, hơi thái quá, không nên. Chúng ta làm việc là Nhà nước quản lý, phải có luật và ở đây quản lý theo luật là chúng ta tạo điều kiện cho cả người dân, tạo điều kiện cho kinh doanh và Nhà nước cũng có thu, chứ Nhà nước không tận thu. Nếu các đồng chí làm luật này mà để tận thu thì tôi nghĩ không nên, chúng ta phải suy nghĩ được cả hai bên là doanh nghiệp phát triển, nhân dân có nguồn thu, xã hội ổn định, phát triển, như thế là tốt”.
Nhà hàng doanh thu tiền tỷ vẫn ngại “đầu đội sổ sách, tay quờ hóa đơn”
Nêu quan điểm về vấn đề chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, hộ kinh doanh, dù gọi là kinh doanh hộ hay doanh nghiệp, bản chất vẫn là một nghề nghiệp kinh doanh. Còn nó ở quy mô ở công ty cổ phần, công ty TNHH MTV hoặc nhiều thành viên là một câu chuyện khác. Nhưng bản chất vẫn là kinh doanh, mà đã kinh doanh thì người ta gọi tất cả là doanh nghiệp.
“Tại sao các hộ kinh doanh cho dù rất lớn, thậm chí ở Hà Nội có những hộ kinh doanh có chuỗi nhà hàng hàng năm thu tiền tỷ nhưng người ta không muốn làm công ty là bởi vì người ta thấy thủ tục quá rườm rà và người ta làm như thế người ta vẫn có ăn, vẫn thu nhập lớn, người ta không thích ngang lưng thì cắp chứng từ, đầu đội sổ sách, tay quờ hóa đơn”, đại biểu Nhưỡng phân tích.
Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì dự án Luật là Bộ KHĐT cần nghiên cứu để giảm bớt thủ tục, phải có Nghị định hướng dẫn chi tiết, đầy đủ và phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương phải rà soát, đánh giá lại quy mô của hệ thống gần 5 triệu hộ kinh doanh.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM.
Nhìn nhận vấn đề từ góc độ xây dựng chính sách, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM, thành viên Ban Soạn thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đã đưa ra phân tích của mình trong một hội thảo gần đây.
Theo ông Hiếu, sự ra đời của hộ kinh doanh ở Việt Nam có lý do đặc thù. Khi Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty ra đời năm 1990, các doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định. Những nhóm người kinh doanh dưới vốn pháp định hoạt động theo nghị định của Hội đồng Bộ trưởng với tên gọi là hộ kinh doanh. Trước đó, hình thức kinh doanh này được gọi là hộ cá thể, theo Nghị định số 27/1988/HĐQT.
“Có thể thấy, hộ kinh doanh cũng là một hình thức kinh doanh như doanh nghiệp, được người dân lựa chọn, nhưng quản lý nhà nước lại khá lúng túng với hình thức này, luôn muốn đẩy các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp 2014 có yêu cầu hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên 10 lao động trở lên phải thành lập doanh nghiệp”, ông Phan Đức Hiếu nhận xét.
Theo ông Hiếu, đây là một quy định có tính ép buộc hành chính, dù vẫn để dư địa cho người dân lựa chọn hoạt động theo hình thức hộ kinh doanh.
“Điều chúng tôi quan tâm là với cách quy định này, nguồn lực của hộ kinh doanh bị lãng phí nếu họ tuân thủ đúng quy định. Ngược lại, rủi ro kinh doanh của họ rất lớn. Đây là lý do chúng tôi sửa nội dung này trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) theo hướng thừa nhận hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh, nghĩa là thừa nhận vai trò, vị trí quan trọng của khu vực này với nền kinh tế, trả lại quyền kinh doanh cho các hộ, để họ lớn hơn nếu muốn”, ông Phan Đức Hiếu chia sẻ.
Điều này có nghĩa là các hộ kinh doanh tỷ đô từng được coi là biểu hiện của cách thức kinh doanh trá hình sẽ được thừa nhận, bên cạnh các hình thức doanh nghiệp khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.