Dân Việt

Trung Quốc, Ấn Độ đã thay đổi chính sách với các giống biến đổi gen như thế nào?

P.V 09/11/2022 09:53 GMT+7
Lợi ích kinh tế và lợi ích sinh học (kháng thuốc trừ cỏ, kháng sâu) của cây trồng biến đổi gen đang tạo ra sự thay đổi chính sách rõ nét ở nhiều quốc gia chỉ trong thời gian ngắn, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Kenya,...

Cuối tháng 8 vừa qua, trên tạp chí “Cây trồng và thực phẩm biến đổi gen” (GM Crops and Food), TS. Graham Brookes thuộc Viện nghiên cứu PG Economic (Vương quốc Anh) đã công bố nghiên cứu về tác động của việc sử dụng cây trồng biến đổi gen ở cấp độ thu nhập nông hộ và sản xuất nông nghiệp từ năm 1996 - 2020.

Nghiên cứu chỉ ra những lợi ích kinh tế nổi bật ở cấp độ nông hộ dành cho nông dân. Cụ thể, tổng thu nhập tích luỹ gia tăng khi trồng cây biến đổi gen là 261,3 triệu USD, tương đương với mức tăng khoảng 112 USD/ha gieo trồng. Riêng năm 2020, mức thu nhập gia tăng mà nông dân trồng cây biến đổi gen thu về là 18,8 triệu USD (tương đương với mức tăng 103 USD/ha).

Ở cấp độ toàn cầu, lợi ích về năng suất và sản lượng của cây trồng biến đổi gen đã đóng góp quan trọng vào việc duy trì tính bền vững và thúc đẩy tăng trưởng sản lượng những cây trồng quan trọng. Thế giới đã có thêm 300 triệu tấn ngô và 595 triệu tấn đậu tương từ giữa những năm 1990 cho tới nay.

Chỉ tính riêng năm 2020, trên 4 loại cây trồng chính, công nghệ biến đổi gen đã tạo ra thêm 85 triệu tấn đậu tương, ngô, bông, cải dầu. Nếu không có công nghệ này, ước tính nông dân sẽ phải cần thêm 23,4 triệu hecta đất nông nghiệp để có thể đạt được mức sản lượng gia tăng tương đương.

Trung Quốc, Ấn Độ đã thay đổi chính sách với các giống biến đổi gen như thế nào? - Ảnh 1.

Vùng trồng ngô biến đổi gen ở xã Đức Bác, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc. Ông Hoàng Trọng Ngãi, ở thôn Dương Thọ, xã Đức Bác (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) khẳng định, quy trình canh tác ngô biến đổi gen không khác gì các giống ngô thường nhưng năng suất thì vượt trội. Ảnh: K.N.

Lợi ích kinh tế và lợi ích sinh học (kháng thuốc trừ cỏ, kháng sâu) của cây trồng biến đổi gen đang tạo ra sự thay đổi chính sách rõ nét ở nhiều quốc gia chỉ trong thời gian ngắn.

Để khắc phục tình trạng leo thang giá của nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi, đầu năm nay Kenya đã cho phép nhập khẩu ngô vàng với hàm lượng biến đổi gen tối thiểu. Tới đầu tháng 10 vừa qua, Tổng thống William Ruto đã thông báo dỡ bỏ lệnh cấm đối với các giống cây trồng và cho phép nhập khẩu thực phẩm, thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc từ thực vật biến đổi gen sau 10 năm.

Tháng 4 năm nay, hãng Bloomberg cũng đưa tin nông dân châu Âu chuyển sang mua thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc từ cây trồng biến đổi gen nhiều hơn từ Hoa Kỳ và Nam Mỹ sau khi cuộc chiến của Nga tại Ukraina cắt đứt các lô hàng ngô nhập khẩu từ quốc gia này.

Đặc biệt, tháng 6 vừa qua, Ủy ban phê duyệt giống cây trồng quốc gia Trung Quốc đã ban hành 2 tiêu chuẩn nhằm tạo cơ sở cho việc canh tác cây trồng biến đổi gen ở quốc gia này. Đây là mảnh ghép pháp lý còn thiếu liên quan đến các quy định cho phép canh tác thương mại hóa ngô và đậu tương biến đổi gene tại Trung Quốc. 

Trong khi đó, quá trình cho phép canh tác thương mại đối với bông và cải mù tạt biến đổi gen của Ấn Độ gần như không còn gặp trở ngại gì, chỉ đợi việc phê duyệt theo hình thức từ Hội đồng Thẩm định Kỹ thuật Di truyền (Genetic Engineering Appraisal Committee - GEAC).

Trung Quốc, Ấn Độ đã thay đổi chính sách với các giống biến đổi gen như thế nào? - Ảnh 2.

Lợi ích về năng suất và sản lượng của cây trồng biến đổi gen đã đóng góp quan trọng vào việc duy trì tính bền vững và thúc đẩy tăng trưởng sản lượng những cây trồng quan trọng. Ảnh: CLA.

Thực tế, Việt Nam cũng sớm có định hướng phát triển cây trồng công nghệ sinh học nói chung và cây trồng biến đổi gen; gần đây nhất là Quyết định 429/QĐ-TTg ban hành tháng 3/2021 phê duyệt Đề án phát triển công nghệ sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030. 

Cùng với đó, hệ thống pháp lý cho việc sử dụng và canh tác cây trồng biến đổi gen được hoàn thiện từ năm 2014 và được đánh giá là khoa học, tiên tiến trên thế giới.

Với hành lang này, ngô biến đổi gen được cấp phép canh tác thương mại từ năm 2015. Đến năm 2021, diện tích canh tác ngô công nghệ sinh học khoảng 180.000 hecta, chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích trồng ngô cả nước. 

Kết quả đánh giá việc canh tác ngô biến đổi gen ở nước ta tiến hành năm 2019 - 2020 cho thấy, năng suất của các giống ngô biến đổi gen với các tính trạng kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ cao hơn so với các giống ngô lai thường từ 15,2 - 30%. Lợi nhuận cũng tăng 196 - 330 USD/ha (tương đương 4,5 - 7,6 triệu đồng/ha). Đáng chú ý, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cũng giảm đáng kể: với thuốc trừ cỏ là 26% và thuốc trừ sâu là 78%.

Tuy vậy, việc thực thi các quy định pháp lý liên quan tới cây trồng biến đổi gen những năm gần đây khá chậm trễ và không nhất quán. Điều này làm giảm khả năng tiếp cận của nông dân với các giống cây mang tính trạng cải tiến thế hệ mới, trong khi Việt Nam phải bỏ ra một lượng ngoại tệ lớn nhập ngô biến đổi gen để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Là người đầu tiên ứng dụng trồng ngô biến đổi gen ở Vĩnh Phúc, ông Hoàng Trọng Ngãi, ở thôn Dương Thọ, xã Đức Bác (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) khẳng định, quy trình canh tác ngô biến đổi gen không khác gì các giống ngô thường nhưng năng suất thì vượt trội.

"Chi phí vật tư sản xuất như giống, phân bón cơ bản không khác giống ngô thường nhưng có khác là trồng ngô biến đổi gen chúng tôi giảm đáng kể số lần phun thuốc trừ sâu và giảm đáng kể sâu bệnh. Do không phải phun thuốc nên sức khỏe của nông dân ít bị ảnh hưởng, giảm tác động đến môi trường" – ông Ngãi nói.

Như gia đình ông Ngãi, với 2,7ha trồng 2 vụ ngô, một vụ lúa, nhờ ứng dụng giống ngô mới, ông giảm đáng kể công chăm sóc, tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay của ông Ngãi và những người trồng ngô ở Đức Bác là thiếu nguồn giống mới, nhất là lịch thời vụ nhiều khi rất sát sao.

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), chúng ta cần chuyển đổi một phần diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây thức ăn chăn nuôi trong đó có ngô (ngô hạt và ngô sinh khối). Tuy nhiên, để làm được điều này phải có chính sách thu gom, tích tụ ruộng đất. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuê đất, liên kết với nông dân để phát triển vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu của ngành chăn nuôi.

"Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần chú trọng phát triển ngô chất lượng cao, ngô biến đổi gen GMO cho năng suất vượt trội nhằm từng bước đáp ứng được yêu cầu về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi", ông Chinh khẳng định.