UBND TP.HCM ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 trên địa bàn hành phố.
Trong kế hoạch nêu rõ, phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố nhằm phục vụ và phát triển nông nghiệp theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Phát triển nông nghiệp hữu cơ ở quy mô doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp. Qua đó, nhằm tạo ra thực phẩm hữu cơ có giá trị gia tăng cao và từng bước tăng dần tỷ lệ sản phẩm hữu cơ được chứng nhận. Phát triển nông nghiệp hữu cơ, huy động sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 của TP.HCM nhằm mục tiêu chung là nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố, gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển đa dạng sinh học, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ.
UBND TP.HCM dự kiến đến năm 2025 sẽ xác định được vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên một số đối tượng cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp với điều kiện của thành phố. Diện tích sản xuất trồng trọt hữu cơ (rau, xoài) đạt khoảng 50 - 60 ha; tổng đàn heo hữu cơ đạt 1.800 - 2.000 con; diện tích nuôi tôm hữu cơ đạt khoảng 10 - 15 ha. Đồng thời hình thành 2 - 3 chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Dự kiến đến năm 2030, diện tích sản xuất trồng trọt hữu cơ (rau, xoài) đạt khoảng 60 - 80 ha; tổng đàn heo hữu cơ đạt 2.000 - 2.500 con; diện tích nuôi tôm hữu cơ đạt khoảng 15 - 20 ha. Hình thành 4 - 5 chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Để thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn TP.HCM, ngay từ đầu UBND thành phố đã chú trọng đến công tác đào tạo, tập huấn và tuyên truyền.
UBND thành phố thực hiện thông tin, tuyên truyền về nông nghiệp hữu cơ trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về sản phẩm hữu cơ. Thông qua các bài phóng sự, hội nghị, hội thảo để đưa thông tin về nông nghiệp hữu cơ đến gần hơn với cộng đồng. Tuyên truyền, hướng dẫn các chính sách, quy định pháp luật, tiêu chuẩn kỹ thuật về nông nghiệp hữu cơ, nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong việc sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh về thực hiện nghiêm ngặt quy trình canh tác, giám sát, chứng nhận sản phẩm hữu cơ.
Phối hợp với các viện, trường, chuyên gia trong và ngoài nước tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật có đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hữu cơ. Hợp tác đào tạo chuyên gia chuyên sâu về nông nghiệp hữu cơ. Tập huấn cho doanh nghiệp, người sản xuất về kiến thức và các tiêu chí sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho từng đối tượng cây trồng, vật nuôi cụ thể. Lồng phép nội dung về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong các cơ sở dạy nghề, trường trung cấp, cao đẳng thuộc lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.
Về công tác hỗ trợ kinh phí phát triển nông nghiệp hữu cơ, UBND TP.HCM ưu tiên kinh phí khoa học, khuyến nông để thực hiện các đề tài nghiên cứu, dự án khuyến nông. Đặc biệt về giống kháng sâu bệnh, sản xuất phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc thú y thảo mộc. Ưu tiên cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ, hoặc vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, được hưởng các chính sách khuyến khích đầu tư đối với nông nghiệp nông thôn.
UBND thành phố thực hiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, HTX, trang trại, hộ sản xuất nông nghiệp hữu cơ kinh phí xác định vùng đủ điều kiện sản xuất hữu cơ (khảo sát địa hình, phân tích đất nước) chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ.
Đối với công tác xúc tiến thương mại, UBND TP.HCM tiến hành công bố danh sách, địa chỉ các vùng có đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại thành phố trên các phương tiện thông tin truyền thông. Qua đó kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư sản xuất tại thành phố. Đồng thời, xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm hữu cơ gắn với quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đẩy mạnh hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ tham gia các hội chợ triển lãm, sàn giao dịch trong và ngoài nước nhằm kết nối thị trường, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. UBND thành phố cũng thường, xuyên cập nhật những đơn vị sản xuất nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận. Từ đó thông tin thị trường trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm hữu cơ.