Nuôi tôm công nghệ cao ở Hiệp Phước, Nhà Bè: Điểm sáng trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị

Bạch Dương Thứ ba, ngày 08/11/2022 14:00 PM (GMT+7)
Nhờ đầu tư công nghệ hiện đại, mô hình nuôi tôm ở xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè (TP.HCM) đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, kiểm soát tốt dịch bệnh, thân thiện môi trường ở địa phương.
Bình luận 0
Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị tại TP.HCM: Hiệp Phước làm giàu nhờ nuôi tôm - Ảnh 1.

Nuôi tôm công nghệ cao tại Hiệp Phước, Nhà Bè. Ảnh: P.V

Chuyển hướng sang thế mạnh nuôi tôm

Với mục tiêu khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực  (heo, bò sữa, rau, hoa cây kiểng, tôm nước lợ, cá cảnh), TP.HCM đã có nhiều chương trình hỗ trợ. Theo Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 14/5/2016, Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND ngày 7/12/ 2017 và Quyết định số 655/QĐ-UBND ngày 12/2/2018 quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 – 2020: doanh nghiệp, HTX, THT, hộ nông dân khi tham gia vay vốn từ tổ chức tín dụng để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sẽ được ngân sách thành phố hỗ trợ lãi vay, cụ thể như sau:

Ngân sách Thành phố hỗ trợ 100% lãi suất: Đầu tư xây dựng cơ bản, mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Thời hạn hỗ trợ lãi vay: không vượt quá 05 năm trên một phương án.

Ngân sách Thành phố hỗ trợ 60-80% lãi suất: để đầu tư mua giống, vật tư, nhiên liệu, thức ăn, trả công cho người lao động phục vụ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Thời hạn hỗ trợ lãi vay: không vượt quá 36 tháng trên một phương án.

Trong điều kiện riêng, huyện Nhà Bè đã triển khai thành công các chương trình hỗ trợ từ TP.  Huyện Nhà Bè (TP.HCM) nằm gần cửa sông, tiếp giáp với biển nên nguồn nước ngọt dành cho sinh hoạt và sản xuất của huyện rất khan hiếm. Vào mùa khô thường xuyên thiếu nước ngọt nên nông dân trồng lúa không có năng suất cao. Nhờ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, xã Hiệp Phước đã mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

Tôm thẻ chân trắng là loài thủy sản có giá trị kinh tế nhờ cho tỷ lệ thịt cao (66% - 68%) và giá thành rẻ hơn tôm sú nên đầu ra khá ổn định, dù là xuất khẩu hay tiêu thụ thị trường nội địa. Tôm thẻ chân trắng có thời gian nuôi ngắn, tốc độ tăng trưởng nhanh, năng suất sau gần 3 tháng nuôi đạt quy cỡ thương phẩm với trọng lượng 20 - 30g/con, tùy điều kiện ao và cách quản lý.

Tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi có lợi thế ở các vùng ven biển, trong đó có huyện Nhà Bè. Mật độ nuôi cao, sức đề kháng tốt, thích nghi với môi trường khắc nghiệt so với một số loài tôm khác, như chịu đựng được môi trường có oxy thấp (thấp hơn 0,8ppm, tôm vẫn sống được nhiều giờ), nhiệt độ cao từ 24 – 32oC.

"Nâng cấp" vùng nguyên liệu tôm

Các chuyên gia cho rằng, Nhà Bè đã có vùng nguyên liệu nuôi tôm, một số mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã đáp ứng chất lượng xuất khẩu. Đây là bước khởi đầu tốt, nhưng muốn đưa con tôm Hiệp Phước ra thế giới cần phải "nâng cấp" vùng nguyên liệu tôm bằng công nghệ 4.0 để có "farm tôm" chất lượng cao giới thiệu với doanh nghiệp nước ngoài. Phải liên kết được với nhà máy chế biến để cho ra tôm thành phẩm trước khi xuất khẩu.

Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị tại TP.HCM: Hiệp Phước làm giàu nhờ nuôi tôm - Ảnh 3.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: PV

Theo ước tính, toàn xã hiện có 223 hộ nuôi tôm với 234 ha mặt nước, trong đó mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên diện tích hơn 50 ha. Trong đó, đáng chú ý là cách nuôi tôm thẻ sáng tạo, cần mẫn của hộ anh Phạm Thanh Tịnh.

Anh Tịnh cho biết: "Mình gắn bó với nghề nuôi tôm ở vùng đất Hiệp Phước đã hơn 10 năm nay rồi. Nghề nuôi tôm thẻ chân trắng cũng lắm thăng trầm, có những vụ tôm trúng mùa được giá, có vụ tôm bị dịch bệnh hành hoành khiến người nuôi lỗ trắng tay".

Tuy nhiên, từ khi anh Tịnh khám phá hình thức trải bạt cho ao nuôi tôm, dịch bệnh hạn chế mà hiệu quả kinh tế lại tăng cao. Anh Tịnh giải thích: "Nuôi tôm trên bạt thì nguồn nước sạch sẽ hơn, các tạp chất độc hại tích tụ trong lòng đất không thấm vào con tôm gây bệnh được".

Trước đây, anh Tịnh nuôi tôm ao đất phải tốn công cải tạo, vệ sinh đất cẩn thận. Với ao trải bạt, công việc dọn dẹp diễn ra rất nhanh, rút nước ra rồi xả nước vào là cho nuôi tôm được ngay.

Anh Tịnh tiết lộ: "Với ao đất, mình nuôi tôm một năm chỉ từ 1-2 vụ, còn ao trải bạt có thể nuôi 3-4 vụ liên tiếp. Hiện diện tích ao nuôi tôm của mình khoảng 2ha, trong đó có 4 ao nuôi, 6 ao lắng, 1 ao ươm giống. Sản lượng bình quân từ 15-20 tấn/ha/năm".

Với sản lượng bình quân như vậy, mỗi năm anh Tịnh bán tôm nguyên liệu ra thị trường với tổng doanh thu trên 2 tỷ đồng, thu lời ít nhất 1 tỷ đồng.

Với những HTX và các mô hình hộ nuôi tôm theo hướng bền vững, thân thiện môi trường như trên, xã Hiệp Phước đang trở thành một điển hình trong phát triển kinh tế dựa trên những thế mạnh của địa phương, là điểm sáng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị tại TP.HCM.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem