Ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM đã bàn giao Nguyễn Tấn Nhật (SN 2001, quê Quảng Nam, ngụ quận Gò Vấp) cùng hồ sơ, tang vật cho Phòng CSHS Công an TP.HCM điều tra về hành vi trộm cắp tài sản.
Tại cơ quan công an, Nhật khai khoảng 3h ngày 27/10, nghi phạm đã điều khiển xe máy từ nhà trọ ở phường 5, quận Gò Vấp để trộm cắp. Khi đi, Nhật mang theo ba lô có kìm và quần áo. Đến đường Chu văn An thì Nhật thay đồ mặc áo xe ôm công nghệ Be và quần jean.
Sau đó, Nhật chạy xe đến công ty TNHH Giá Kho Group rồi để xe máy bên ngoài, leo vào trong nhà dùng kìm bẻ khóa kho tại tầng trệt, lấy trộm 36 ĐTDĐ iPhone, 2 laptop.
Trộm được số tài sản trên, Nhật thay quần áo, sau đó đem số iPhone và laptop cất vào thùng xốp, cất giữ tại nhà trọ.
Cảnh sát đã thu hồi các tang vật và vật chứng liên quan vụ trộm tài sản. Vụ việc vẫn đang được Công an TP.HCM tiếp tục điều tra làm rõ.
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, hành vi của đối tượng Nhật trong vụ án này đã có dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội trộm cắp tài sản nên có thể cơ quan điều tra sẽ sớm khởi tố vụ án để xử lý theo quy định.
Pháp luật bảo vệ quyền sở hữu tài sản của mọi tổ chức, cá nhân. Bởi vậy hành vi lén lút để chiếm đoạt tài sản của cá nhân, tổ chức là hành vi vi phạm pháp luật, người lén lút chiếm đoạt tài sản không thuộc sở hữu của mình, đó là hành vi trộm cắp tài sản.
Nếu tài sản trị giá từ 2 triệu đồng trở lên, người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội "Trộm cắp tài sản" theo quy định tại điều 173 Bộ luật hình sự 2015.
Theo ông Cường, nếu bị chứng minh có tội, tùy thuộc vào tính chất của vụ án, tùy thuộc vào giá trị của tài sản mà đối tượng Nhật trong vụ án này có thể phải đối mặt với khung hình phạt khác nhau.
Cụ thể, trường hợp hành vi được xác định là phạm tội có tổ chức hoặc tài sản trị giá từ 50 đến dưới 200 triệu đồng, đối tượng có thể bị phạt tù từ 2 đến 7 năm.
Trường hợp trị giá tài sản từ 200 đến 500 triệu đồng, hình phạt có thể từ 7 đến 15 năm. Hình phạt sẽ tăng nặng hơn nếu tài sản trị giá trên 500 triệu đồng.
Ngoài ra, vị chuyên gia cho rằng, trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ số tài sản mà Nhật trộm được đã bán cho ai chưa? Nếu đã bán, những người mua có biết tài sản do phạm tội mà có hay không?
Nếu những người mua không biết đây là tài sản do trộm cắp mà có nhưng vẫn cố tình mua bán, tiêu thụ, hành vi này có thể xử lý hình sự.
Còn nếu không biết, hoặc người mua bị đối tượng trộm cắp gian dối về nguồn gốc, từ đó tin đây là hàng hóa hợp pháp và mua lại, hành vi này không bị xử lý hình sự.
Ông Cường nêu quan điểm, trong vụ án này, sau khi thu giữ được tài sản, cơ quan điều tra sẽ tiến hành định giá tài sản để xác định giá trị thiệt hại, làm cơ sở để quy trách nhiệm pháp lý cho đối tượng. Sau khi thực hiện đầy đủ các thủ tục, có thể trả lại tài sản cho người bị hại.