Tại cuộc họp, đại diện các doanh nghiệp (DN) thừa nhận, "vướng mắc pháp lý" là lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh, mà nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng hiểu rằng, việc giải quyết "vướng mắc pháp lý" cần phải có thời gian, mà giải pháp lớn nhất, có tính quyết định nhất là thực hiện đúng mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022. Đó là: "Đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất".
Do vậy trong 19 tháng tới đây, trong lúc chờ Luật Đất đai và một số luật liên quan (mới) có hiệu lực (dự kiến ngày 01/07/2024), các DN và HoREA đề nghị Chính phủ khẩn trương xem xét ban hành ngay trong tháng 11/2022 này 2 dự thảo nghị định quan trọng.
Đó là "dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng" và "dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai", để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể của các dự án đô thị, nhà ở.
Trong đó, sửa đổi Nghị định 100/2015/NĐ-CP và Nghị định 49/2021/NĐ-CP để tháo gỡ các "vướng mắc" về thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quỹ đất để tăng nguồn cung nhà ở xã hội.
Đồng thời, sửa đổi Nghị định 31/2021/NĐ-CP để tháo gỡ vướng mắc về "thẩm định sự phù hợp của dự án đầu tư với các quy hoạch và cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị được quyền đầu tư xây dựng, kinh doanh các công trình y tế, giáo dục, công viên vui chơi giải trí, công viên chuyên đề trong chính dự án của mình.
Đề nghị "gỡ" thủ tục hành chính, nới room tín dụng…
Tại hội nghị với Chính phủ và Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp BĐS ở TP.HCM và khu vực phía Nam cũng đề xuất nhiều vấn đề quan trọng.
Trước hết, hiện nay thủ tục hành chính rắc rối, phức tạp, thiếu đồng bộ, liên thông làm kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục hành chính đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại (mất khoảng 3-5 năm), thậm chí làm mất cơ hội kinh doanh và tăng chi phí đầu tư của doanh nghiệp.
Nguyên nhân của vướng mắc này là do một số quy định pháp luật thiếu đồng bộ, thống nhất, nhưng cũng có nguyên nhân do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý trong một số cán bộ công chức dẫn đến đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, không dám đề xuất, không dám quyết định.
"Do vậy, đi đôi với việc xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất thì các DN đã đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng "quy trình chuẩn" về thủ tục đầu tư dự án đô thị, nhà ở thương mại theo Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 29/08/2022 của Thủ tướng Chính phủ", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nói.
Các DN đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank được Ngân hàng Nhà nước chỉ định cho đối tượng hưởng chính sách vay ưu đãi với lãi suất 4,8%/năm để mua, thuê mua nhà ở xã hội…
Các DN cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập "Ban công tác đặc biệt" hoặc "Tổ công tác đặc biệt" để tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp và dự án điển hình.
"Việc này sẽ làm tiền lệ để giải quyết các trường hợp tương tự, tạo niềm tin cho DN và thị trường, trong đó có 64 dự án tại TP.HCM theo chủ trương "không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự", ông Châu chia sẻ.
Đặc biệt, thực hiện thu hồi triệt để tài sản Nhà nước bị thất thoát do tham nhũng, tiêu cực, để các DN liên quan chịu trách nhiệm nộp nghĩa vụ tài chính bao gồm cả nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có) vào ngân sách nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để cho dự án được tiếp tục triển khai.
Các DN cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương ban hành "quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ để tách thành dự án độc lập" đối với các diện tích đất do Nhà nước quản lý (đất công) nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại theo quy định tại khoản 13 Điều 1 Nghị định 148/2021/NĐ-CP để tháo gỡ "ách tắc" của các dự án và tăng nguồn cung nhà ở.
Nhiều DN cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thí điểm áp dụng tương tự Nghị quyết 42/2017/NQ-QH14 của Quốc hội cho phép doanh nghiệp chủ đầu tư được "chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất" để tạo điều kiện tái khởi động các dự án "trùm mền" giúp làm tăng nguồn cung nhà ở.
Đặc biệt, các DN đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương thực hiện xác định tiền sử dụng đất đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại đã "tạm nộp tiền sử dụng đất" hoặc đang được "rà soát xác định tiền sử dụng đất bổ sung" để cho DN hoàn thành nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước để tháo gỡ khó khăn về thanh khoản cho DN, đồng thời để người mua nhà sớm được cấp giấy chứng nhận (sổ hồng).
Ngoài ra, các DN đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét nới trần (room) tín dụng thêm khoảng từ 1% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế; đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét cho phép nhà đầu tư cá nhân không phải là "nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp" được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỷ lệ nhất định.
2 cuộc họp đã tác động tích cực
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo tổ chức hai cuộc họp về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản vào buổi sáng ngày 08/11/2022.
Cuộc họp tại TP.HCM do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì cùng với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, đại diện Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM và 19 Chủ tịch, Tổng Giám đốc tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản của TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cùng thời điểm, cuộc họp tại Hà Nội do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cùng với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị với sự tham dự của khoảng 15 Chủ tịch, Tổng Giám đốc tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản.
Thông tin về hai cuộc họp trên đây đã tác động rất tích cực làm tăng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và các nhà đầu tư. Điều này đã thể hiện trên số lượng truy cập về chủ đề này của các trang báo điện tử, mạng xã hội tăng vọt lên đến hàng trăm nghìn lượt kể từ chiều ngày 07/11/2022.
Đặc biệt đã tác động rất tích cực đến thị trường chứng khoán với điểm nhấn là cuối phiên ngày 08/11/2022 đã chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm điểm và quay đầu tăng nhẹ 6,46 điểm % đến cuối phiên sáng 09/11/2022 sắc xanh tiếp tục đà tăng nhẹ 8,97 điểm %…