Theo thông tin từ Liên đoàn Lao động TP.HCM, tính đến cuối tháng 10/2022, toàn thành phố có 143 doanh nghiệp bị ảnh hưởng kinh tế kéo theo khoảng 26.000 lao động không đảm bảo công việc. Trong đó, các công nhân bị ảnh hưởng ở nhiều mức độ khác nhau như: Không có hàng để làm tăng ca, chỉ duy trì 40h làm việc mỗi tuần làm việc luân phiên, phải tạm ngừng đi làm nhưng vẫn được duy trì hợp đồng lao động, hưởng lương chờ việc. Và nặng nề nề nhất là bị cắt hợp đồng lao động, rơi vào cảnh mất việc.
Trưa 8/11, chúng tôi có mặt tại một khu trọ trên đường An Dương Vương (quận 8, TP.HCM). Đây là khu vực thuê trọ của rất nhiều công nhân làm việc tại các công ty nhựa xung quanh.
Theo ghi nhận, hầu hết các cánh cửa đều khép hờ, có người ở nhà. Đây là hình ảnh hiếm hoi so với nhiều năm trước. Bởi vào thời điểm những tháng cuối năm, hầu hết các công nhân đều cặm cụi sáng đêm ở công ty để tăng ca, kiếm thêm thu nhập lo toan dịp tết. Vậy mà năm nay, người thì nằm nghỉ ngơi chờ tối đi bán hàng dạo, người thì hì hục bên chiếc máy may để làm những món hàng gia công thêm.
Trao đổi với chúng tôi, chị L.T.Q (40 tuổi, quê sóc trăng) cho biết, chị làm việc tại Công ty nhựa Chợ Lớn đã 7 năm. Trước đây, công việc đều đặn, tăng ca thường xuyên nên thu nhập cũng ổn định. Từ năm ngoái tới nay, khi dịch bệnh ập xuống, công ty gặp khó khăn nên đơn hàng giảm dần. Công nhân vì thế mà bị ảnh hưởng, thời gian đi làm phải cắt giảm.
"Hiện nay, mỗi tuần chúng tôi chỉ đi làm 4 ngày, từ thứ 2 đến thứ 5. Tổng thu nhập chỉ khoảng 4 triệu/tháng. Với số tiền này, tôi chỉ lo đủ tiền ăn uống, thuê trọ, điện nước... chứ không có dư để gửi về quê nuôi hai con ăn học, lo cho gia đình. Vì quá nhiều gánh nặng trên vai nên anh em công nhân mỗi người tìm thêm một việc để làm. Tôi cũng tìm nhiều công việc khác nhau để làm, kiếm thêm tăng thu nhập. Hiện tại, tôi đang cùng em dâu nhận hàng về may thêm", chị L.T.Q nói.
Theo chị Q, công việc làm thêm này cũng bấp bênh, không ổn định, khi thì có hàng làm nhưng cũng có lúc cả tuần không có. Đồng thời, mức thu nhập kiếm thêm này rất hạn chế dù bỏ nhiều thời gian, công sức. Tuy nhiên, vì không có cách nào khác nên chị buộc phải cố gắng.
"Có những ngày ngồi may xong đứng dậy không nổi, sống lưng đau thắt. Những lúc ấy muốn buông xuôi hết, bỏ về quê cho rồi… nhưng nghĩ đi nghĩ lại, về quê cũng chẳng biết làm gì để kiếm tiền nuôi con nên lại dặn lòng cố gắng, cố gắng", chị Q buồn rầu chia sẻ.
Ở gần phòng trọ chị Q, chị L.K.N (25 tuổi, quê Kiên Giang), công nhân Công ty TNHH 3Q Vina (quận 8) cho biết, dù chưa rơi vào hoàn cảnh bị cắt hợp đồng lao động, nhưng với mức lương cơ bản (không tăng ca) khiến gia đình chị cũng như hàng ngàn lao động khác gặp khó khăn.
"Vợ chồng tôi đều làm công nhân, thu nhập hơn 10 triệu/tháng. Ngoài tiền ăn uống, thuê trọ, thuốc men… thì còn tiền ăn học cho con. Với mức thu nhập này, chúng tôi phải cực kỳ tiết kiệm, nhiều tháng qua không dám mua sắm gì cho con chứ đừng nói cho bản thân".
Nhận được thông báo sẽ phải kết thúc hợp đồng lao động với công ty vào đầu tháng 12/2022, chị T.T (công nhân Công ty TNHH Tỷ Hùng, quận Bình Tân) buồn không muốn ăn, muốn ngủ suốt nhiều ngày. Chị cho biết, bản thân đã gắn bó với công ty nhiều năm, đã thuần thục công việc và thu nhập cũng ở mức ổn định. Đến nay, công ty gặp khó khăn, không có đơn hàng nên công nhân cũng phải chấp nhận.
"Công ty báo cho chúng tôi thông tin chính thức vào cuối tháng 10, trong tháng 11/2022, chúng tôi vẫn đi làm bình thường. Từ tháng 12/2022 trở đi, chúng tôi phải chia tay công ty, chia tay đồng nghiệp… dù không ai mong muốn. Hàng trăm nỗi lo về cơm áo gạo tiền đè nặng nên ngoài giờ làm việc trong tháng cuối cùng này, chúng tôi cũng lo trăm phương ngàn kế để tìm công việc mới", chị T.T nói.
Tương tự, chị L.T.T.T (35 tuổi, quê Phú Yên) cũng gắn bó với công ty hơn 9 năm nên khi nhận được tin sẽ phải nghỉ việc, chị khá sốc. Dù vậy, cả năm nay do đơn hàng của công ty ít, công nhân chỉ làm việc đủ 8 tiếng/ngày nên không đủ tiền trang trải cuộc sống, chị T đã lấy chả cá, giò chả ở quê vào để bán thêm.
Cứ sau giờ làm, chị T ra vỉa hè ngồi bán đến hơn 6h tối thì về. Mỗi ngày, thu nhập bán thêm của chị cũng chỉ giao động từ 50 - 100 ngàn đồng, đủ để có thêm tiền đi chợ. Nhưng cũng có những ngày ế ẩm, chị T không bán được đồng nào.
"Giờ phải ráng, kiếm được đồng nào tốt đồng đó, chứ không kiếm thêm được là không biết xoay xở ra sao luôn. Chồng tôi thì làm phụ hồ, thu nhập bấp bênh ngày có ngày không. Gia đình tôi hiện có hai vợ chồng, một đứa con và hai đứa cháu. Chi phí kiếm được tháng đủ tháng không", chị T cho biết.
Hỏi về tương lai sau khi kết thúc công việc tại Công ty Tỷ Hùng, chị T lắc đầu, tặc lưỡi vì không biết sẽ như thế nào. Chị dự định sẽ lấy thêm hàng để bán cả ngày, nếu ổn, chị sẽ bán tiếp chờ qua tết rồi đi xin việc.
"Còn nếu không ổn cũng không biết sẽ ra sao, vì giờ cuối năm các công ty không tuyển, mà có thì cũng chỉ tuyển thời vụ...", chị T buồn xo.
Vợ chồng anh N.V.T (công nhân Công ty Tỷ Hùng) cho biết, những ngày gần đây, cứ sau giờ làm là hai vợ chồng lại chạy xe tới chợ Tân Bình để khảo sát, so sánh giá mặt hàng quần áo trẻ em. Vợ chồng anh dự tính sẽ "khởi nghiệp" ngay sau khi thất nghiệp. Dù chưa có kinh nghiệm bán hàng, chưa sử dụng thuần thục các trang bán hàng trên xã hội, nhưng anh T cho biết sẽ học hỏi và cố gắng từng ngày.
"Giờ phải tự thân vận động, cố gắng bằng mọi cách để xoay xở thôi chứ biết làm sao được. Hy vọng với số vốn nhỏ, số tiền công ty hỗ trợ sau khi cắt hợp đồng, chúng tôi sẽ khởi nghiệp may mắn để có chi phí trang trải, lo tiền vé xe về tết", anh T tâm sự.