Dân Việt

Bệnh viện xuống cấp giữa lòng thành phố (bài 2): Bệnh viện xấu nhất thành phố

Bạch Dương 11/11/2022 07:00 GMT+7
"Có lẽ ở TP.HCM, Bệnh viện Tâm thần là xấu nhất. Rất tội người bệnh", ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ.
Bệnh viện xuống cấp giữa lòng thành phố (bài 2): Bệnh viện xấu nhất thành phố - Ảnh 1.

Cơ sở 1 Bệnh viện Tâm thần nằm ngay quận 5 nhưng cũ nát, không có bãi gửi xe. Ảnh: B.D

"Rất tội người bệnh"

Dù nằm ngay tại trung tâm thành phố (quận 5), cơ sở chính của Bệnh viện Tâm thần TP.HCM lại vô cùng cũ kỹ, chật hẹp với các tường bị rêu mốc. Tại khu khám và điều trị bệnh, sàn lót gạch và lớp sơn tường có nhiều mảng bám đen, bẩn theo thời gian… Bên trong, bệnh viện chỉ như một căn nhà cấp bốn xuống cấp, phòng ốc ẩm thấp gây ra cảm giác tù túng, thấp thỏm lo sợ khi ngồi chờ.

Đáng nói hơn, hệ thống nhà vệ sinh của bệnh viện cũng không được cải tạo, vẫn xây dựng theo kiểu cũ với bệ ngồi xổm. Tường nhà nơi đây đóng các mảng rêu xanh khiến nhiều người liên tưởng đến các nhà thương thời xưa. Tình trạng xuống cấp này gây ám ảnh, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của bệnh nhân mỗi khi nhắc đến bệnh viện này.

Cơ sở này có diện tích khoảng 1.700 m2, quy mô 50 giường bệnh nội trú, chủ yếu khám ngoại trú, là cơ sở thực hành của trường y khoa, chỉ đạo tuyến và chăm sóc sức tâm thần cộng đồng cho toàn thành phố.

Thực tế, Bệnh viện Tâm thần từ lâu đã "nổi tiếng" xuống cấp, thậm chí không có cả bãi gửi xe. Người dân khi đến khám phải gửi xe ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới rồi đi bộ sang. Bên trong, phòng khám, nhà thuốc lộ rõ những mảng tường bong tróc, cũ kỹ.

Bệnh viện xuống cấp giữa lòng thành phố (bài 2): Bệnh viện xấu nhất thành phố - Ảnh 3.

Bệnh viện xuống cấp giữa lòng thành phố (bài 2): Bệnh viện xấu nhất thành phố - Ảnh 4.

Khu khám bệnh bong tróc, ẩm mốc, cũ kỹ. Ảnh: B.D

Bệnh viện Tâm thần cơ sở 1 và Bệnh nhiệt đới TP.HCM (Bệnh viện Chợ Quán cũ) là những bệnh viện lâu đời nhất Sài Gòn. Theo lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần, cơ sở 1 của bệnh viện có quy mô 50 giường bệnh cấp cứu, một ngày khám và điều trị cho hơn 600 bệnh nhân ngoại trú. Khi bệnh nhân được điều trị cấp cứu ổn định sẽ chuyển về cơ sở 2 Lê Minh Xuân an dưỡng, điều trị lâu dài.

Cơ sở 2 có quy mô 250 giường, nhưng phải tiếp nhận hơn 500 bệnh nhân - gấp đôi công suất thiết kế, nên bị quá tải nặng. Ngoài ra, bệnh viện còn có một cơ sở điều trị cho trẻ em tại quận Phú Nhuận.

Về mặt nhân sự, Bệnh viện Tâm thần có gần 480 viên chức, người lao động, bao gồm khoảng 90 bác sĩ và hơn 100 điều dưỡng. Với số lượng nhân viên y tế như vậy mà phải phục vụ 600 lượt khám ngoại trú mỗi ngày là rất "căng".

Bệnh viện xuống cấp giữa lòng thành phố (bài 2): Bệnh viện xấu nhất thành phố - Ảnh 5.

Khu điều trị nội trú Bệnh viện Tâm thần. Ảnh: B.D

"Bệnh nhân tâm thần rất đặc thù, một người đi khám bệnh có ít nhất 1-2 người nhà theo. Nói 600 lượt khám bệnh nhưng thực tế trong một diện tích rất nhỏ có thể lên đến 1.200-1.800 người, khiến bệnh viện trở nên rất chật chội", lãnh đạo bệnh viện phân tích.

Trong hội nghị sơ kết 9 tháng vừa qua, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, có lẽ Bệnh viện Tâm thần là xấu nhất trong các bệnh viện trên địa bàn. Ở các tỉnh thành khác, bệnh viện tâm thần thường rộng và đẹp.

"Rất tội người bệnh tâm thần", ông Thượng nói và kiến nghị thành phố cho phép triển khai dự án xây dựng mới Bệnh viện Tâm thần có quy mô 1.000 giường.

Bệnh viện xuống cấp giữa lòng thành phố (bài 2): Bệnh viện xấu nhất thành phố - Ảnh 6.

Một góc khu khám bệnh của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: B.D

10 năm, bệnh viện 160 năm tuổi vẫn chờ khu khám bệnh mới

Nằm kế Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM được thành lập năm 1862 (tên cũ là Bệnh viện Chợ Quán). Đây là bệnh viện tuyến cuối của khu vực phía Nam với chức năng tiếp nhận, chữa trị bệnh truyền nhiễm nhưng cơ sở đã xuống cấp trầm trọng sau nhiều năm hoạt động.

Mỗi ngày, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận khoảng 2.000-3.000 người bệnh và thường xuyên bị quá tải. Không gian chật chội là nguy cơ làm tăng khả năng lây nhiễm các loại bệnh. Khoa Khám bệnh là một toà nhà rất cũ, luôn chật chội với hàng trăm bệnh nhân đến khám mỗi ngày.

Bệnh viện xuống cấp giữa lòng thành phố (bài 2): Bệnh viện xấu nhất thành phố - Ảnh 7.

Khu khám bệnh là một toà nhà rất cũ, xuống cấp suốt 10 năm nay. Ảnh: B.D

Năm 2011, UBND TP chấp thuận cho bệnh viện triển khai dự án xây dựng mới khối Khoa Khám bệnh. Tuy nhiên do vướng trong điều chỉnh quy hoạch nên đến nay vẫn chưa được xây dựng.

"Khi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM kỷ niệm 150 năm thành lập đã có quy hoạch xây mới khu khám bệnh và khu cấp cứu. Tháng 11 tới đây, Bệnh viện sẽ kỷ niệm thành lập 160 năm, nhưng giờ quy hoạch vẫn treo", bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện trình bày với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hồi tháng 6/2022.

10 năm qua, niềm hy vọng vào một khu khám bệnh khang trang hơn vẫn ở trên giấy. Trong dịch Covid-19, đây được xem là pháo đài của TP khi tiếp nhận những ca Covid-19 nặng nhất, nguy kịch nhất trước khi các Trung tâm Hồi sức được thiết lập.

Bệnh viện xuống cấp giữa lòng thành phố (bài 2): Bệnh viện xấu nhất thành phố - Ảnh 8.

Khu lưu trú cho người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Ảnh: B.D

Không chỉ khu khám bệnh xuống cấp, khu nhà lưu trú của người nhà bệnh nhân nằm khuất phía sau bệnh viện cũng rất chật hẹp. Diện tích khu nhà rất nhỏ nên hàng chục chiếc giường gấp được kê thêm một cách tạm bợ ở phía ngoài, những miếng bạt kéo lên để che mưa nắng.

Hiện nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cũng là cơ sở duy nhất ở TP.HCM thu dung, cách ly và điều trị bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ.

Bài cuối: Cần giải pháp giải quyết tận gốc