Trải lòng khi gửi bài thơ tiễn biệt nhà văn Lê Lựu đến Dân Việt, nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến cho biết, trong văn đàn Việt Nam thời hiện đại, có 3 nhà văn anh yêu thích và trân quý, đó là nhà văn Lê Lựu, Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh. Văn chương của họ không chỉ gắn với ký ức niên thiếu của anh mà còn truyền cho anh rất nhiều cảm hứng. Tuy nhiên, trong số 3 nhà văn kể trên thì người anh có nhiều kỷ niệm hơn cả là nhà văn Lê Lựu.
"Thời tôi là cộng tác viên của báo Văn nghệ Quân đội thì may mắn được gặp nhà văn Lê Lựu. Thời đó, tôi là một nhà văn trẻ hay viết truyện ngắn gửi đến báo cộng tác, còn nhà văn Lê Lựu lúc đó là một "cây đại thụ" của làng văn thường xuyên cộng tác với báo. Trong những lần tham gia trại sáng tác văn học, tôi được gặp gỡ và trò chuyện với nhà văn Lê Lựu. Nhà văn Lê Lựu thường trò chuyện sôi nổi và chân tình với tôi về mặt bút pháp văn chương, thủ pháp sáng tác truyện ngắn. Ông chỉ cho tôi cách xây dựng nhân vật, nghệ thuật bố cục tác phẩm… Sau này, tôi với ông thỉnh thoảng cũng trò chuyện.
Trong mắt tôi, nhà văn Lê Lựu là một người rất mộc mạc, dễ gần và thích uống rượu. Vì thế mà trong bài thơ tôi có viết "Thôi ông cứ uống rượu say/Mỗi xuân, mỗi giỗ, mỗi ngày nhớ ông". Đó là tôi muốn nhắc đến một kỷ niệm với ông. Trong bài thơ này, "Cành Lê trái Lựu rụng rời đường Thu" là chơi chữ, "Làng Văn, xóm Khổ sương mù/Xác xơ những chuyến đò đưa phim trường" cũng là chơi chữ.
Những bộ phim để đời dựa trên tác phẩm văn học của ông vừa là một thời xa vắng, vừa là một thời xao xác. Bài thơ tôi viết với thủ pháp ẩn dụ, muốn gói gém lại cả cuộc đời của Lê Lựu. Tất cả những chi tiết đó như để tóm lược lại cuộc đời ông. Bài thơ như một lời tiễn biệt, cũng là một lời chúc của tôi gửi đến nhà văn mà tôi vô cùng trân quý. Chúc ông về cõi mới sẽ hạnh phúc hơn, an vui hơn", nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến bộc bạch.
Nhạc sỹ "Bà tôi" còn cho biết, anh là người rất chịu khó đọc tác phẩm của Lê Lựu cũng như xem các phim dựng từ tác phẩm văn học của ông. Trong đó, anh thích nhất là tác phẩm "Thời xa vắng" của Lê Lựu, kể cả điện ảnh cũng chỉ thích xem phim này.
"Tác phẩm này gây rất nhiều ấn tượng đối với tôi. Tuổi niên thiếu của tôi cũng trải qua một ít của chiến tranh vì thế khi đọc tác phẩm này tôi thấy có sự gần gũi, tương đồng. Thế hệ 7x của chúng tôi là trải qua một ít của chiến tranh, trải qua một ít của thời bao cấp và một ít của thời đổi mới.
Tác phẩm "Thời xa vắng" của nhà văn Lê Lựu đã không chỉ gợi nên cái thời của ông mà cả thời của chúng tôi nữa. Rất vô tình là cách đây khoảng 3 tháng tôi đã xem lại một cách rất kỹ lưỡng bộ phim "Thời xa vắng" và cảm thấy rất xúc động với từng thước phim. Tất cả những hình tượng, từ nhân vật chính đến nhân vật cô gái đều rất đặc trưng của thời kỳ chiến tranh và bao cấp", nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến tâm sự thêm.
Dưới đây là nguyên văn bài thơ của nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến:
Xa thời xa vắng
(Thơ vĩnh biệt nhà văn Lê Lựu)
"Thời xa vắng, khuất bóng rồi
Cành Lê trái Lựu rụng rời đường Thu
Làng Văn, xóm Khổ sương mù
Xác xơ những chuyến đò đưa phim trường
Xác xơ cả những vở tuồng
Anh hùng đứng khóc cuối đường mây bay
Thôi ông cứ uống rượu say
Mỗi xuân, mỗi giỗ, mỗi ngày nhớ ông!".