Chiều 9/11, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết, nhà văn Lê Lựu đã qua đời ở tuổi 81 tại nhà riêng ở Tân Châu, Khoái Châu, Hưng Yên sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật.
Sức khỏe nhà văn Lê Lựu suy yếu từ năm 2006, ông thường xuyên phải ra vào bệnh viện. Ông từng chia sẻ: "Tôi bị tai biến mạch máu não, lần này là lần thứ năm, rồi bệnh tiểu đường, bệnh tim, bệnh gout, phổi, tụy, thận, tiền liệt tuyến... tất cả là 14 bệnh".
Nhà văn Lê Lựu sinh năm 1942 tại Khoái Châu, Hưng Yên. Ông là người sáng tác những tác phẩm kinh điển trong văn học Việt Nam như: "Mở rừng", "Đại tá không biết đùa", "Sóng ở đáy sông", "Chuyện làng Cuội", "Một thời lầm lạc", "Thời xa vắng"... Trong đó, hai tác phẩm được chuyển thành phim và đuợc công chúng biết đến rộng rãi là "Sóng ở đáy sông" và "Thời xa vắng".
Xuất thân từ người nông dân, cả đời nhà văn Lê Lựu dành sự trăn trở cho đề tài nông nghiệp – nông thôn – nông dân. Cũng bởi vậy, những nhân vật của ông ghi dấu trong tâm khảm của nhiều thế hệ độc giả. Ông từng đoạt giải Nhì cuộc thi Truyện ngắn của báo Văn nghệ với truyện ngắn "Người cầm súng" năm 1968; Giải A Hội nhà văn Việt Nam năm 1990 cho tiểu thuyết "Thời xa vắng".
Tháng 2/2014, nhà văn Lê Lựu thành lập Quỹ Văn học Lê Lựu. Đây được coi là Quỹ văn học đầu tiên mang tên một nhà văn còn đương đại nhằm khích lệ sáng tác của thế hệ nhà văn trẻ.
Sự qua đời của nhà văn Lê Lựu để lại nhiều thương tiếc cho hậu thế. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều viết: "Với "Thời xa vắng", Lê Lựu đã thay đổi đời sống văn học Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ trước. Tư tưởng của "Thời xa vắng" đã bẻ một bước ngoặt của văn học Việt Nam kể từ 1954.
Lê Lựu là nhà văn Việt Nam đầu tiên đến Mỹ sau chiến tranh. Ông chính là sứ giả hoà bình Việt Nam đầu tiên, người phá băng đầu tiên trong quan hệ Việt - Mỹ để cùng các nhà văn cựu binh Việt Nam và Mỹ kêu gọi Chính phủ Mỹ phá bỏ cấm vận và bình thường hoá quan hệ với Việt Nam.
Lê Lựu đã sáng tạo ra những nhân vật còn sống mãi với người đọc Việt Nam như Giang Minh Sài. Và Lê Lựu cũng là một nhân vật đặc biệt của nền văn học Việt Nam. Xin cúi đầu tiễn biệt ông!".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.