Theo đó, tại cuộc họp này rất nhiều cử tri của quận Hải Châu, quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang... đã đặt nhiều câu hỏi và đề nghị các cấp chính quyền Đà Nẵng trả lời liên quan đến việc ngập úng lịch sử xảy ra vào ngày 14/10 vừa qua.
Trận mưa lịch sử 500 năm mới xuất hiện
Trong đó, các cử tri nêu câu hỏi về việc hệ thống thoát nước của Đà Nẵng được đầu tư ra sao, nguyên nhân từ đâu khiến một thành phố biển lại ngập úng toàn diện như vừa qua...
Trả lời câu hỏi của các cử tri, ông Phùng Phú Phong - Giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng đã có thông tin sơ bộ về hệ thống thoát nước của thành phố.
Ông Phong cho biết, hệ thống thoát nước Đà Nẵng dài hơn 1.800km, trong đó có 30km kênh mương hở. Thực tế hệ thống thoát nước của thành phố được xây dựng từ lâu với 40km được xây dựng trước năm 1994 bằng đá hộc. Sau năm 1995, hệ thống thoát nước được đầu tư mạnh mẽ hơn.
"Nguyên nhân gây ngập úng lịch sử vừa qua đầu tiên là do trận mưa lịch sử với lưu lượng 780mm, trận mưa lịch sử 500 năm qua mới có. Bên cạnh đó, việc người dân đậy, chặn các nắp cống để tránh mùi hôi khiến dòng chảy bị cản trở...", ông Phong nói.
Giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cho biết, thời gian tới thành phố sẽ hoàn chỉnh quy trình về việc để cộng đồng dân cư cùng giám sát vấn đề thoát nước, xử lý nước thải.
"Trước mắt, sở sẽ kiểm soát chặt chẽ hoạt động xây dựng ngăn chặn tình trạng đổ chất thải xây dựng vào hệ thống thoát nước thành phố. Bên cạnh đó, sẽ thực hiện việc xây dựng hố ga ngăn mùi để tránh tình trạng bịt cống như hiện nay và triển khai đồng bộ kế hoạch khơi thông hệ thống thoát nước toàn thành phố", ông Phong cho hay.
Liên quan đến ý kiến của cử tri Bùi Xuân Sơn, phường Hòa Khê (quận Thanh Khê) kiến nghị về việc trong trận mưa ngập úng lịch sử vừa qua nhà của các hộ dân ở đường Trần Xuân Lê bị ngập lên tới hơn 3m, ông Phùng Phú Phong cho biết, thành phố đang tính phương kế lâu dài.
"Khu vực đường Trần Xuân Lê bị ngập sâu bởi cao trình rất thấp, trũng. Qua kiểm tra thì lượng bùn dưới cống không đáng kể nhưng vẫn bị ngập sâu. Hiện thành phố đã có phương án lâu dài, giao cho Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng phối hợp với đơn vị tư vấn lên phương án làm dự án căn cơ lâu dài, xử lý triệt để", ông Phong thông tin.
Giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cho biết thêm, trong trận mưa lịch sử vừa, toàn thành phố bị ngập. Tuy nhiên sau trận mưa nước cơ bản rút nhanh chỉ còn một số khu vực trũng thấp ngập lâu hơn. Về việc này, thời gian đến thành phố sẽ đầu tư thêm các dự án để khắc phục. Hiện trong đề án quy hoạch chung của thành phố đã lưu ý đến việc thoát nước, biến đổi khí hậu.
Còn ông Nguyễn Văn Duy, Phó chủ tịch UBND quận Hải Châu thông tin, riêng địa bàn quận này, hàng năm đều tổ chức khơi thông cống rãnh trước mùa mưa.
"Hàng năm, quận đều tổ chức đấu thầu để tổ chức nạo vét kênh mương cống rãnh. Trong năm 2022, kế hoạch nạo vét đã xong trước cơn bão số 4. Trên địa bàn quận có việc người dân chặn, đậy nắp cống để chống mùi hôi. Tuy nhiên, đến trước mùa mưa đều khơi thông nhưng vừa qua cơn mưa quá lớn nên xảy ra ngập nặng...", ông Duy nói.
Nhiều biện pháp để khắc phục ngập úng
Liên quan đến việc ngập úng lịch sử vừa qua, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho rằng bởi 3 nguyên nhân chính.
"Nguyên nhân đầu tiên là do biến đổi khí hậu, lượng mưa quá lớn, chưa từng có. Bên cạnh đó, cũng do hệ thống hạ tầng một số nơi chưa đồng bộ, cùng với đó là một số dự án chưa được triển khai chưa khớp nối được. Hiện chính quyền thành phố đã và đang tập trung, quyết liệt triển khai các biện pháp, lên các phương án nhằm khắc phục triệt để, không để xảy ra ngập úng trên địa bàn thành phố", ông Chinh nhấn mạnh.
Trước ý kiến của cử tri và câu trả lời của các đơn vị thuộc UBND TP.Đà Nẵng, ông Lương Nguyễn Minh Triết - Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng đã yêu cầu UBND TP.Đà Nẵng lưu ý nhiều nội dung để khắc phục tình trạng ngập úng vừa qua.
Trong đó, ông Triết yêu cầu UBND TP.Đà Nẵng chỉ đạo cho rà soát lại kế hoạch thoát nước giai đoạn 2019 - 2025 phù hợp với đề án quy hoạch chung. Bên cạnh đó, đề nghị UBND TP.Đà Nẵng rà soát lại việc phân cấp quản lý hạ tầng thoát nước.
"Không nhất thiết phải phân cấp cứng nhắc, ai làm tốt nhất thì giao cho họ. Đồng thời, xem lại việc bố trí ngân sách có đủ nguồn lực không. Ngoài ra, cần tuyên truyền đến người dân về vệ sinh phải thường xuyên khơi thông cống rãnh trước nhà mình và khu vực mình sống", ông Triết nói.
Ngoài ra, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng cũng lưu ý UBND TP.Đà Nẵng trong quá trình xây dựng cá dự án nên có cảnh báo lập bản đồ ngập úng và cần có phương án cứu hộ cứu nạn.
"Cần phải có phương án cứu hộ cứu nạn trong lúc ngập úng. Vừa qua nếu mưa thêm không biết sẽ xảy ra những hậu quả gì nữa. Đồng thời, cũng cần có phương án chống sạt lở nhìn từ bài học sạt lở nghiêm trọng của nghĩa trang Hòa Sơn vừa qua thì rõ", ông Triết nhấn mạnh.