Báo cáo tiếp thu, giải trình trước khi Quốc hội bấm nút, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, các chỉ tiêu này đã được Chính phủ cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng.
Mục tiêu CPI bình quân năm 2023 khoảng 4,5% để thực hiện mục tiêu tổng quát tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cũng như tình hình thực tiễn và các dự báo trong nước, quốc tế, ông Thanh nói.
Tại nghị quyết, Quốc hội nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện tốt.
Như, theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường thế giới, khu vực, trong nước, kịp thời nhận biết rủi ro để có đối sách phù hợp, điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định nền tảng vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế hợp lý, hiệu quả.
"Tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng trong mọi tình huống; kiểm soát chặt chẽ lạm phát, điều hành chủ động, linh hoạt công cụ lãi suất, tỷ giá, phù hợp và sát thực với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.
Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tăng cường kỷ luật tài chính, chống thất thu, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; rà soát để sớm đưa các nguồn lực chưa khai thác hiệu quả vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội", Quốc hội yêu cầu.
Nhiệm vụ tiếp theo được nêu tại nghị quyết là, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Triển khai quyết liệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài.
Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng, tăng cường minh bạch, khắc phục triệt để hiệu quả tình trạng "sở hữu chéo", cho vay không tài sản bảo đảm không đúng quy định hoặc tài sản bảo đảm được định giá không đúng giá trị, cho vay các doanh nghiệp "nội bộ", "sân sau".
Giải pháp khác được nêu tại nghị quyết là kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập trong các cơ chế, chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ, an toàn, lành mạnh, bền vững và hội nhập, bảo đảm hoạt động thông suốt, lành mạnh, chất lượng các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; mở rộng, nâng cao chất lượng thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ.
Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng; phấn đấu thặng dư thương mại bền vững.
Công khai, minh bạch trong điều hành giá cả hàng hóa, dịch vụ; tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành chặt chẽ việc điều chỉnh giá các hàng hóa quan trọng, dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước định giá, nhất là giá điện, xăng dầu, hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác góp phần hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đời sống Nhân dân và kiểm soát lạm phát.
Đồng thời, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, thao túng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với các nguyên, vật liệu quan trọng và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đề cập trong nghị quyết còn có, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ; củng cố, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, phát huy hơn nữa tính chủ động sáng tạo của ngân sách địa phương.
Triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tránh trục lợi.
Đẩy nhanh phê duyệt quyết định đầu tư, bảo đảm hoàn thiện các thủ tục, điều kiện cần thiết để sớm thực hiện và giải ngân các nhiệm vụ, dự án sử dụng vốn của Chương trình.
Trong quá trình thực hiện, rà soát nội dung trong Chương trình không còn phù hợp với tình hình thực tế, kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh phù hợp. Tập trung thực hiện hiệu quả 03 chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm theo yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội.
Nghiên cứu mở rộng hơn không gian chính sách tài khóa gắn với hiệu quả đầu tư công; có các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội.
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, phân tán nguồn lực và mất nhiều thủ tục hành chính - nghị quyết nêu rõ.
Yêu cầu của Quốc hội còn là khẩn trương thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch; phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước tham gia vào các dự án quan trọng.
Đồng thời, phấn đấu hoàn thành việc phê duyệt các quy hoạch còn lại trong hệ thống quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch trong năm 2023; rà soát để giải quyết các vướng mắc trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương.
Triển khai có hiệu quả công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghiên cứu xây dựng và thể chế hóa cơ chế điều phối, kết nối phát triển vùng giai đoạn 2021 - 2030, sớm tạo ra các vùng động lực mới, cực tăng trưởng mới.
Nhiệm vụ đặt ra cho năm sau còn là, bảo đảm tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) sau khi được phê duyệt.
Nghị quyết nêu rõ, xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, có khả năng kết nối khu vực, bảo đảm vận hành hệ thống truyền tải điện an toàn, hiệu quả. Tập trung tháo gỡ khó khăn để đưa các dự án nguồn điện lớn có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện đi vào vận hành như Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nghi Sơn 2, Duyên Hải 2, Vân Phong 1...
Triệt để xử lý các dự án "treo", dự án chậm tiến độ; bảo đảm lợi ích của người dân trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất, không để xảy ra khiếu kiện, phát sinh thành điểm nóng về an ninh, trật tự.
Quốc hội còn yêu cầu triển khai các giải pháp để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; xây dựng cơ chế, chính sách cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, sớm khắc phục tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc.
Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung về cải cách tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, mức lương cho người nghỉ hưu trước năm 1995 và đối tượng người có công; tăng đầu tư cho giáo dục; bổ sung nội dung liên quan đến sửa đổi hộ chiếu, các chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo Nghị quyết giám sát của Quốc hội.
Ủy ban Thường vu Quốc hội báo cáo: Các nội dung trên sẽ được xem xét, bổ sung trong các nghị quyết về ngân sách nhà nước; nghị quyết giám sát chuyên đề về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; và nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Do vậy, xin Quốc hội không bổ sung các nội dung trên vào dự thảo nghị quyết.