Thực hiện theo chỉ đạo của UBND thành phố, huyện Củ Chi tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Nhờ thế mạnh về nông nghiệp, nên phần lớn các sản phẩm tham gia OCOP của huyện Củ Chi là những sản phẩm liên quan đến nông sản.
Củ Chi được đánh giá là một trong những địa phương tham gia chương trình OCOP hiệu quả, có nhiều sản phẩm được OCOP cấp thành phố.
Qua 10 tháng đầu năm 2022, UBND huyện Củ Chi đã có đánh giá về công tác triển khai chương trình OCOP, trên địa bàn huyện. Theo đó, trên địa bàn huyện có 13 sản phẩm đang đề nghị thành phố đánh giá từ 3 sao trở lên gồm: chả lụa, chả gân, chả quế của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Duyên (thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi); rượu Linh Chi 30 độ, rượu Linh Chi 40 độ, Nấm Linh Chi đỏ của hộ kinh doanh cơ sở sản xuất Rượu – Nấm sạch Ngọc Trường Phát (xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi); khoai lang sấy hỗn hợp (sweet potato chips), hạt sen sấy, chuối sấy (banana chips), khoai môn sấy (taro sticks), khoai lang sấy (sweet potato sticks), mít sấy, củ quả trái cây thập cẩm sấy của Công ty TNHH chế biến thực phẩm Huynh Đệ Tề Hùng (xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi).
Tính đến nay, trên địa bàn huyện Củ Chi có 7 sản phẩm được công nhận hạng 4 sao. Công ty TNHH Đạt Butter có 2 sản phẩm gồm: bơ đậu phộng mịn và bơ đậu phộng hạt. Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt có 5 sản phẩm gồm: bột rau má không đường, bột tía tô, bột diếp cá, bột lá sen, bột chùm ngây. Có 1 sản phẩm đề nghị Trung ương công nhận 5 sao là sản phẩm bột rau má có đường (Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt).
Phòng Kinh tế huyện Củ Chi đã phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố tổ chức tập huấn Chương trình OCOP năm 2022. Đồng thời triển khai Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025, cho cán bộ, công chức UBND các xã, thị trấn, đại diện các đơn vị đăng ký đánh giá sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện.
Qua 10 tháng triển khai chương trình OCOP, UBND huyện Củ Chi đã có những nhận xét về khó khăn và thuận lợi. Về mặt thuận lợi, UBND huyện Củ Chi đánh giá công tác tuyên truyền, phổ biến về chương trình OCOP được tổ chức đa dạng với nhiều hình thức.
Chương trình được sự quan tâm của đa số người nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Nhận thức của người dân về lợi ích của chương trình ngày càng được nâng lên. Người dân trên địa bàn huyện đã nắm khá rõ những cơ chế chính sách đang thực hiện áp dụng cho chương trình OCOP.
Bên cạnh đó chương trình cũng gặp nhiều khó khăn trong lúc triển khai. Điển hình như nhận thức của người dân về nguồn gốc sản phẩm, dịch vụ OCOP chưa đầy đủ. Tỷ lệ sử dụng nguyên liệu, lao động tại địa phương chưa đảm bảo theo quy định. Một số đơn vị ít quan tâm đến việc triển khai chương trình trên địa bàn. Nhân sự phụ trách chương trình OCOP tại các phòng chuyên môn huyện, xã, thị trấn kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi, gây khó khăn trong việc nắm bắt, triển khai thực hiện chương trình.
Một số đơn vị chưa tham dự đầy đủ các buổi tập huấn chương trình OCOP năm 2022, do đó gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Một số đơn vị chọn sản phẩm đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP, nhưng chủ thể không muốn tham gia chương trình OCOP. Do đó thực hiện hồ sơ kéo dài, còn mang tính hình thức, chưa đạt yêu cầu theo quy định. Năm 2022 do Trung tâm Tư vấn Hỗ trợ nông nghiệp thành phố chỉ được duyệt kinh phí hỗ trợ 3 đơn vị trên địa bàn huyện Củ Chi, nên ảnh hưởng đến việc hỗ trợ phát triển sản phẩm chứng nhận OCOP.
Trong thời gian tới, UBND huyện Củ Chi chủ trương tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về vai trò, vị trí và tầm quan trọng chương trình OCOP. Tuyên truyền cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP về lợi ích của việc triển khai chương trình OCOP, quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP để mọi doanh nghiệp, HTX, cơ sở trên địa bàn biết và tham gia. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các chủ thể có những sản phẩm mang tính truyền thống, đặc sản của địa phương hiểu và có động lực tham gia chương trình.
Huyện sẽ chú trọng công tác nâng cao năng lực quản lý, hoạt động của các chủ thể tham gia vào chương trình OCOP (gồm các chủ thể đã có sản phẩm công nhận OCOP và các chủ thể có sản phẩm tiềm năng tham gia vào chương trình OCOP). Hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất có sản phẩm tham gia OCOP tiềm năng tham gia chương trình, phát triển sản phẩm, tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm. Hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP. Thực hiện công tác tiếp nhận, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm. Lập danh sách và tổng hợp kết quả tiếp nhận sản phẩm, tham mưu việc tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện.