Dân Việt

Bộ Xây dựng: Đánh thuế bất động sản nhằm hạn chế đầu cơ nhà đất

Thái Nguyễn 10/11/2022 19:21 GMT+7
Bộ Xây dựng đề xuất hoàn thiện chính sách thuế phù hợp với bất động sản nhằm góp phần khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà đất, bảo đảm nguồn thu ngân sách của nhà nước.

Bộ Xây dựng đề xuất phương án nhằm hạn chế đầu cơ đất đai

Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển và quản lý nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thuế phù hợp với thực tế thị trường bất động sản nhằm góp phần khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất, đảm bảo động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách nhà nước, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Bộ Xây dựng: Đánh thuế bất động sản nhằm hạn chế đầu cơ nhà đất - Ảnh 1.

Bộ Xây dựng đề xuất đánh thuế bất động sản nhằm hạn chế đầu cơ nhà đất (Ảnh: TN)

Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản bảo đảm đồng bộ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh. Cùng với đó tiếp tục xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai, hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản.

Theo đó, đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 năm 2023.

Ngoài ra, cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các dự án nhà ở, bất động sản để hỗ trợ, tăng nguồn cung cho thị trường.

Bộ xây dựng cho rằng cần kiểm soát tốt hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường tín dụng, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanhnghiệp đảm bảo ổn định, an toàn hệ thống, tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá... Cùng với đó, cần nghiên cứu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khơi thông dòng vốn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư bất động sản triển khai thực hiện, hoàn thành dự án dở dang, tạo nguồn cung và đẩy mạnh phát triển thị trường.

Bộ Xây dựng cũng kiến nghị cần nghiên cứu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện các thủ tục giao đất, cho thuê đất, tính tiền sử dụng đất để tạo điều kiện cho các dự án bất động sản triển khai thực hiện; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất đặc biệt là đối với các công trình du lịch, lưu trú (condotel, officetel...).

Ngoài ra, xử lý dứt điểm đối với các dự án bất động sản đang triển khai thực hiện bị tạm dừng từ nhiều năm trước do liên quan đến sử dụng quỹ "đất công", cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hoặc rà soát thủ tục pháp lý để để tăng nguồn cung nhà ở và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án.

Bộ Xây dựng nhận định giao dịch bất động sản chưa minh bạch

Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản trong 9 tháng đầu năm 2022 tiếp tục gặp khó khăn trong việc huy động các nguồn vốn và khan hiếm về nguồn cung.

Giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở vẫn ở mức cao hơn thu nhập người dân. Điều này khiến cho người lao động thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp càng khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở.

Bộ Xây dựng nhấn mạnh giao dịch bất động sản chưa minh bạch, hiện tượng "hai giá", kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế trong hoạt động mua bán bất động sản khá phổ biến.

Bộ Xây dựng: Đánh thuế bất động sản nhằm hạn chế đầu cơ nhà đất - Ảnh 2.

Bộ Xây dựng nhận định giao dịch bất động sản còn hiện tượng "hai giá" (Ảnh: TN)

Bộ Xây dựng cũng cho biết tình trạng nguồn cung bất động sản suy giảm, cơ cấu bất hợp lý, nguồn cung bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch đang quá dư thừa trong khi thị trường lại thiếu trầm trọng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá phù hợp, phân khúc bình dân.

Con số nguồn cung trên thị trường trong 9 tháng năm 2022 cũng rất đáng báo động khi cả nước chỉ có 63 dự án nhà ở thương mại được hoàn thành với quy mô khoảng 14.948 căn hộ, bằng 50,4% nguồn cung cùng kỳ năm 2021.

Ngược lại, số dự án nhà ở thương mại dở dang, đang triển khai lại có xu hướng tăng lên với khoảng 1.102 dự án, trong đó có 302.616 căn hộ, số lượng dự án dở dang, bằng 156,7% cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh đó, có 104 dự án được chấp thuận đầu tư, bằng 51% năm 2021 và 193 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, bằng 76% cùng kỳ năm 2021.

Số dự án nhà ở thương mại hoàn thành trên cả nước giảm sâu, trong khi dự án dở dang tăng mạnh cũng cho thấy thị trường bất động sản đang rất khó khăn, nhiều chủ đầu tư buộc phải thi công cầm chừng, tạm dừng thi công vì đói vốn.