Dân Việt

TP.HCM: Bỏ trồng mía, chuyển sang đầu tư các loại cây, con chủ lực, tăng hiệu quả kinh tế

Trần Đáng 12/11/2022 07:38 GMT+7
Với Quyết định 1589/QĐ-UBND đã được ban hành về Chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019 - 2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đến năm 2025, TP.HCM sẽ không còn đất trồng mía.

Cụ thể, về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp với chuyển đổi diện tích cây trồng hiệu quả thấp sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn, đối với cây mía, đến năm 2025, diện tích canh tác mía không còn.

TP.HCM: Tác động chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp xóa đất mía vào năm 2025 - Ảnh 1.

Để chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, ông dân xã Lê Minh Xuân đã chuyển đất mía sang trồng cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Trần Đáng

Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp với hiệu quả kinh tế cao

Trong đó, diện tích canh tác mía giảm chuyển sang trồng mai là 150ha, bắp sinh khối 100ha, cây dược liệu và cây trồng khác là 50ha.

Không những thế, đối với cây lúa, định hướng năm 2025, diện tích trồng lúa giảm còn 1.000ha. Số diện tích đất trồng lúa này chỉ ở huyện Củ Chi và Bình Chánh.  Về cây cao su, định hướng năm 2025, diện tích canh tác cao su giảm còn 1.500ha.

Theo UBND TP, sẽ tập trung chuyển đổi mạnh đất trồng lúa, mía hiệu quả thấp sang phát triển 6 loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của ngành nông nghiệp TP theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, gồm: Rau, hoa cây kiểng, bò sữa (con giống, sữa), heo (con giống, thịt), tôm nước lợ (cá cảnh xác định là nhóm sản phẩm có tiềm năng), ngoài ra phát triển thêm cây dược liệu, tôm càng xanh, thuỷ đặc sản.

Để đạt mục tiêu này, UBND TP giao cho Sở NNPTNT TP rà soát, điều chỉnh, xây dựng chính sách, quy hoạch, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh chuyển dịch, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.

Xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp

Theo đó, Sở NNPTNT TP chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực HTX nông nghiệp trên địa bàn TP giai đoạn 2019 - 2025. Thu hút cán bộ trẻ về làm việc cho HTX nông nghiệp.

TP.HCM: Tác động chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp xóa đất mía vào năm 2025 - Ảnh 3.

Tại huyện Củ Chi, nhiều diện tích đất vẫn còn dùng trồng mì mặc dù huyện này đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Ảnh: Trần Đáng

Đồng thời, quy định rõ điều kiện cam kết của hợp tác xã khi được hỗ trợ theo chính sách này (đảm bảo điều kiện làm việc, chế độ thưởng khi cán bộ trẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao,...). Cũ thể, mức hỗ trợ gấp 3 lần mức lương tối thiểu vùng I; đối tượng hỗ trợ: Giám đốc, Phó giám đốc HTX.  

Đề xuất chính sách khuyến khích hộ nông dân tham gia liên kết, trở thành thành viên của hợp tác xã. Mức hỗ trợ tối đa không quá 20 triệu đồng/thành viên. Quy định đây là tài sản không chia của hợp tác xã.

Đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển dịch sản xuất nông nghiệp, như: Chuyển đổi diện tích đất sản xuất muối và sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp sang nuôi trồng thủy sản, ngân sách TP hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư hạ tầng ban đầu (ao đào, ao nổi, lót bạt,...) nhưng không quá 70 triệu đồng/ha; chuyển đổi đất trồng cây hiệu quả thấp (lúa, mía, cao su) sang trồng cây có hiệu quả cao hơn (rau, hoa, bắp, cỏ chăn nuôi), ngân sách TP hỗ trợ 100% kinh phí cải tạo hạ tầng sản xuất trong vụ đầu tiên, nhưng không quá 30 triệu đồng/ha.

Cùng với đó, đề xuất các cơ chế chính sách phát triển nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp TP…