Theo thống kê của Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho thấy từ đầu năm tới nay đã có 562.400 người lao động bị giảm giờ làm; 31.370 người lao động bị mất việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động; 31.012 người lao động nghỉ không lương... tại 441 doanh nghiệp.
Số lao động mất việc chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp lớn ở TP. Hồ Chí Minh; Bình Dương; Đồng Nai; Hải Phòng...
Sau 2 tháng chạy vạy nộp gần chục bộ hồ sơ để xin việc nhưng anh Nguyễn Văn Nam (Hải Bối, Hà Nội) vẫn chưa thể xin việc. Anh Nam cho biết, từ đầu năm tới nay công ty anh liên tục làm ăn thua lỗ, đơn hàng giảm mạnh vì thế thu nhập của anh cũng giảm theo. Trước đây thu nhập của anh được 13 triệu đồng, nhưng tới thời điểm trước khi nghỉ việc lương anh còn có 6 triệu đồng.
"Lương thấp, lương 2 vợ chồng không đủ trả tiền nhà trọ, nuôi hai con ăn học nên tôi nghỉ việc với hy vọng tìm được công việc mới tốt hơn. Vậy nhưng công việc khó khăn, tìm mãi không được việc", anh Nam nói.
Anh Nam cũng đã nhờ bạn bè giới thiệu việc, nhưng bạn bè anh đều cho biết, các công ty nơi họ làm việc cũng đang hạn chế tuyển dụng. Nhiều công ty đơn hàng giảm, thu nhập lao động cũng giảm theo.
Không chỉ tại Hà Nội, tại TP. Hồ Chí Minh tình trạng lao động khó xin việc làm mới và bị buộc nghỉ việc cũng đang gia tăng. Thông tin 1.400 lao động của Công ty TNHH Việt Nam Samho bị cho nghỉ việc từ đầu tháng 12/2022 một lần nữa khiến nhiều lao động sắp rơi vào cảnh khốn đốn.
Theo báo cáo, nguyên nhân là do Công ty TNHH Việt Nam Samho gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đối tác cắt giảm đơn hàng. Trước đó, đầu năm 2022, công ty này đã tuyển hơn 1.000 lao động và đã phải chi một khoản tiền lớn để hỗ trợ lao động vào làm việc. Tuy vậy, làm việc chưa được bao lâu thì nay phải nghỉ việc vì lý do bất khả kháng.
Trước đó, Công ty TNHH Tỷ Hùng (TPHCM) buộc cho nghỉ việc 1.200 công nhân. Lý do là đối tác nhập khẩu của công ty này (chuyên sản xuất giày thể thao xuất khẩu, thị trường chủ yếu là EU) đang gặp khó khăn, chịu nhiều thiệt hại bởi tình hình kinh tế không mấy khả quan, nên không ký kết các đơn hàng mới.
Thống kê của Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Long An cũng cho thấy, đã có hơn 4.100 công nhân lao động tại hơn 17 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc giảm giờ làm việc.
Thống kê tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, có 25 địa phương, đơn vị, ngành báo cáo có người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, đời sống. Theo đó, 441 doanh nghiệp chịu tác động. Đáng chú ý, có 562.400 người lao động bị giảm giờ làm; 31.370 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động; 31.012 người lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc...
Trước thực trạng trên, ông Tào Bằng Huy - Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho biết: “Chúng tôi đang đề nghị Sở LĐTBXH các địa phương báo cáo về tình hình doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm”.
Cùng với đó, Cục Việc làm cũng nhắc nhở Sở LĐTBXH các địa phương lưu ý hướng dẫn doanh nghiệp cho người lao động nghỉ việc thực hiện đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các sở phải hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động về vấn đề này, đảm bảo quyền lợi của họ. Ngoài ra, Cục Việc làm yêu cầu các Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường kết nối, giới thiệu việc làm cho những lao động mất việc.
Trước thực trạng thị trường lao động có những diễn biến mới, nhiều chuyên gia cho rằng cần có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo sản xuất và giúp lao động bám trụ với thị trường lao động.
Ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng Cục Việc (Bộ LĐTBXH) cho rằng trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, việc việc các doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, nhiều người lao động mất việc là điều khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, ông Trung cũng nhận định, thị trường lao động vừa bước qua 2 năm khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sức khỏe vẫn còn rất yếu. Nay nếu phải đối mặt tiếp với các cuộc khủng hoảng thì sẽ rất bất lợi.
Trước thực tế này, ông Trung khuyến nghị: "Doanh nghiệp cần chủ động tìm nguồn hàng để bố trí việc làm đều đặn cho người lao động. Bên cạnh đó, doanh nghiệp và cả lao động cũng phải chủ động nâng cao kỹ năng nghề qua đào tạo nghề để thích ứng tốt hơn với thị trường lao động. Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh doanh".
Cũng theo ông Trung nếu làm tốt điều này các doanh nghiệp và cả người lao động sẽ bước qua được khó khăn, chờ đợi cơ hội phục hồi đê vươn lên mạnh mẽ hơn.
"Với các doanh nghiệp bắt buộc phải cắt giảm lao động, cần tuân thủ quy trình cắt giảm nhân sự theo đúng luật pháp. Các tổ chức công đoàn, lao động cần phải vào cuộc hỗ trợ lao động về cả chế độ tiền lương, phúc lợi, bảo hiểm thất nghiệp...", ông Trung nói.
Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động) cho rằng trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, người lao động nên chủ động nâng cao kỹ năng nghề cũng như hiểu biết pháp luật để khi có vấn đề kịp thời xử lý.
"Người lao động nên biết rõ quyền, trách nhiệm của mình, đặc biệt chính sách bảo hiểm thất nghiệp để nếu bị mất việc làm có thể xử lý hoặc theo dõi trong quá trình xử lý", ông Quảng nói.
Để tìm việc làm, lao động có thể tìm tới các Trung tâm dịch vụ việc làm công trong cả nước để được sắp xếp, bố trí việc làm. Cũng trong thời gian này, các chuyên gia kiến nghị các trung tâm dịch vụ việc làm cần nâng cao hơn nữa chất lượng tư vấn, giới thiệu, giải quyết việc làm cho lao động mất việc và tư vấn cho doanh nghiệp giải quyết chính sách cho người lao động.