Trà Vinh: Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Mục tiêu mới trong đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông nghiệp tại Trà Vinh
Thùy Anh
Thứ sáu, ngày 11/11/2022 06:00 AM (GMT+7)
Đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn là một trong những ưu tiên trong các hoạt động nhằm nâng cao kỹ năng chất lượng nguồn nhân lực, từ đó tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Trà Vinh.
Bà Huỳnh Thị Thu, 45 tuổi - ấp Rạch Đập, xã Nhị Long (Huyện Càn Long, Trà Vinh) là một trong số hàng chục phụ nữ ở xã được tạo điều kiện học nghề mây tre đan. Sau học nghề, chị giới thiệu việc làm tại một hợp tác xã trên địa bàn gần đó.
Chị Thu chia sẻ: "Sau học nghề chúng tôi được giới thiệu mang sản phẩm mây tre đan về nhà làm. Thu nhập tuy không cao nhưng ổn định, mỗi tháng cũng được 2,5 -3 triệu đồng".
Tương tự anh Nguyễn Văn Nên, 30 tuổi huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) cũng là một trong số nhiều nông dân được hưởng lợi từ chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Năm 2018 anh được tạo điều kiện cho tham dự lớp học nghề xây dựng. Sau 3 tháng học nghề sơ cấp, anh Nên đã học những kỹ năng cơ bản như xây gạch, ốp gạch... "Trước đây tôi chỉ đi làm thuê, chủ yếu bốc vác, hoặc ai thuê gì làm đó. Thu nhập thấp, lại không ổn định. Từ ngày có nghề thợ xây, tôi xin vào làm cho tổ hợp xây dựng. Công việc đều, tiền công cũng rất cao. Mỗi ngày cũng được 350-400 nghìn đồng", anh Nên nói.
Nhờ được đào tạo nghề mà nhiều lao động có hoàn cảnh khó khăn, lao động nghèo đã có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Đây cũng là mục tiêu quan trọng của tỉnh Trà Vinh. Theo đó, mục tiêu chung là hỗ trợ đào tạo hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp để họ trở thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng lực lượng lao động nông thôn có kiến thức, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mới.
Mục tiêu đào tạo nghề cho hơn 900 nghìn lao động làm nông nghiệp
Đầu tháng 10 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện nội dung Quyết định số 3685/QĐ-BNN-KTHT ngày 29/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2022 - 2025.
Sau 10 năm triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh Trà Vinh đã tổ chức đào tạo nghề cho trên 15.000 lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã đạt trên 55%. Trong đó đào tạo và cấp chứng chỉ nghề nông nghiệp cho hơn 12.000 lao động nông thôn.
Đào tạo nhưng không cấp chứng chỉ nghề cho lao động nông thôn và giải quyết việc làm ổn định sau khi hoàn thành khoá đào tạo nghề cho 2.804 lượt lao động.
Mục tiêu là nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề và hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Góp phần nâng tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo trên 55%, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn khoảng 20%; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Tập trung đào tạo cho lao động nông thôn để thực hiện hiệu quả tiêu chí về lao động trong Bộ tiêu chí nông thôn mới và các hợp phần của các chương trình giai đoạn 2021 - 2025 (hợp phần du lịch nông nghiệp, nông thôn, Ocop, chuyển đổi số và phát triển kinh tế nông thôn…).
Thực hiện đào tạo nhằm an sinh xã hội và phát triển kinh tế xã hội vùng nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và chuyển đổi số trong nông nghiệp; đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp; chuyển một bộ phận lao động nông thôn sang làm nông nghiệp dịch vụ, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu, đem lại thêm công ăn việc làm, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét hơn về chuyển đổi nghề nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân lao động nông nghiệp.
Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2022 -2025 sẽ đào tạo nghề cho 910.400 lao động nông thôn làm nông nghiệp, trong đó tập trung đào tạo để nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, bao gồm: Đào tạo trên 17.764 người nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý các hợp tác xã nông nghiệp để đảm bảo mục tiêu "80% giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề" theo Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ; đào tạo cho 892.636 lao động nông thôn tham gia các vùng nguyên liệu; lao động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh đó, ưu tiên đào tạo nghề cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp nhằm giảm nghèo bền vững. Tiến hành đào tạo thí điểm để đưa lao động nông nghiệp đi xuất khẩu lao động theo diện hợp đồng. Thực hiện tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người tham gia công tác quản lý, giảng dạy nghề nông nghiệp.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Kế hoạch đề ra chỉ tiêu đào tạo 910.400 lao động nông thôn trình độ sơ cấp và thường xuyên, trong đó giao chỉ tiêu đào tạo cho các địa phương tổ chức thực hiện: 898.947 người; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan đoàn thể đặt hàng các cơ sở đào tạo nghề có đủ điều kiện và năng lực để tổ chức thực hiện cho 11.453 người.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.