Ngày 12/11, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ban hành kết luận vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, nhận hối lộ…" xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) và các đơn vị liên quan.
C03 chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị truy tố 36 bị can, trong đó có nhiều cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và cựu lãnh đạo AIC.
Theo kết luận điều tra, Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người thành lập Công ty AIC. Bà chỉ đạo nhiều thuộc cấp thông đồng, móc ngoặc với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, các công ty "quân xanh" để đảm bảo cho AIC được trúng thầu. Bà Nhàn cũng đã trực tiếp và chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ cho ông Trần Đình Thành - cựu Bí thư tỉnh Đồng Nai 14,5 tỷ đồng, ông Đinh Quốc Thái - cựu Chủ tịch UBND tỉnh 14,5 tỷ đồng và cựu Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ 14,8 tỷ đồng.
Cụ thể, để Công ty AIC và các công ty: Công ty BMS, Công ty Thành An Hà Nội, Công ty TNT do AIC chỉ định được tham gia, trúng thầu các gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai với giá của Công ty AIC đưa ra, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã thiết lập quan hệ với Trần Đình Thành, Bí thư Tỉnh uỷ; Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai; Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở KHĐT để chỉ đạo, tạo điều kiện cho Công ty AIC được trúng thầu 16 gói thầu Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.
Sau khi tạo được quan hệ với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, được Trần Đình Thành giới thiệu với Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, chủ đầu tư, Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo Hoàng Thị Thuý Nga, Trần Mạnh Hà, Phó Tổng giám đốc và nhân viên dưới quyền thông đồng, cấu kết với chủ đầu tư để tạo điều kiện cho Công ty AIC và các công ty do AIC chỉ định trúng thầu thông qua các đơn vị tư vấn đưa cấu hình kỹ thuật và giá vào các gói thầu.
Căn cứ thông tin do chủ đầu tư cung cấp, Nhàn chỉ đạo Hoàng Thị Thuý Nga giao nhân viên kỹ thuật, các phòng ban chức năng chuẩn bị hồ sơ, hàng hoá, chuẩn bị uỷ quyền, cam kết bảo hành của hãng cho Công ty AIC, công ty do AIC chỉ định trúng thầu, các công ty làm "quân xanh" để đáp ứng yêu cầu mời thầu của chủ đầu tư. Thông đồng với các đơn vị tư vấn lập danh mục, thẩm định giá, báo giá để đưa vào danh mục cấu hình kỹ thuật thiết bị và giá do AIC đưa ra. Sử dụng các công ty trực thuộc AIC, thông đồng với các công ty đối tác để thiết lập "quân xanh", đảm bảo cho AIC và các Công ty AIC chỉ định (Công ty BMS, Thành An Hà Nội, TNT) trúng thầu.
Cụ thể, năm 2003, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã tiếp cận và đặt mối quan hệ với Trần Đình Thành khi ông này đang là Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai trong các lần công tác tại Hà Nội. Đến năm 2007, trước khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng Bệnh viên Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Nhàn đã đến gặp ông Thành tại phòng tiếp khách của Bí thư Tỉnh uỷ và nhờ ông Thành mời các lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành ăn trưa cùng để giới thiệu Công ty AIC của Nhàn và nhờ lãnh đạo của tỉnh quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện tham gia các dự án tại tỉnh. Nhàn giới thiệu Hoàng Thị Thuý Nga, thời điểm đó là Trưởng ban quản lý Dự án 1 của AIC với Trần Đình Thành. Sau đó, Nhàn và Nga đã nhiều lần gặp gỡ đề nghị tạo điều kiện để Công ty AIC tham gia đấu thầu và trúng các gói thầu mua sắm thiết bị tại Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.
Đến năm 2010, khi Bệnh viện chuẩn bị thực hiện các thủ tục để bổ sung danh mục trang thiết bị y tế vào Dự án, Bồ Ngọc Thu báo cáo Trần Đình Thành về việc khó khăn trong nguồn vốn bố trí cho phần thiết bị bổ sung. Thành gọi điện thoại cho Nhàn đề nghị hỗ trợ giúp Đồng Nai xin vốn Trung ương hỗ trợ cho dự án Bệnh viện và được Nhàn đồng ý.
Trước khi UBND tỉnh ra Quyết định bổ sung chi phí trang thiết bị y tế vào Dự án (tháng 7/2010), Hoàng Thị Thuý Nga đến gặp và mời ông Thành ăn cơm trưa, ông Thành đã điện thoại cho Phan Huy Anh Vũ ăn cơm cùng, giới thiệu và giao Vũ tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu các gói thiết bị cho Dự án do Công ty AIC là một công ty lớn, có nhiều mối quan hệ với các ban, ngành ở Trung ương, có công xin vốn cho tỉnh.
Đầu năm 2013, khi Bệnh viện được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận cho thuê đơn vị tư vấn điều chỉnh danh mục cho phù hợp với tình hình thực tế, thông qua giới thiệu của Nhàn, Vũ đã chỉ định Công ty Mediconsult do Nguyễn Thị Dung, TGĐ ký hợp đồng thực hiện tư vấn điều chỉnh danh mục thiết bị y tế chuyên môn, lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu. Hoàng Thị Thuý Nga chỉ đạo Hoàng Thế Quỳnh, nhóm trưởng cùng Nguyễn Tiến Thu và Nguyễn Quang Minh, nhân viên AIC phối hợp với Vũ Quang Ngọc, Phó Giám đốc và các nhân viên khác của Công ty Mediconsult làm việc với các phòng, ban của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để từ đó đề xuất các cấp phê duyệt điều chỉnh Dự án. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Đồng Nai ra Quyết định số 4277/QĐ-UBND ngày 26/12/2013 điều chỉnh danh mục thiết bị y tế, Quyết định phê duyệt các kế hoạch đấu thầu.
Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt danh mục thiết bị y tế và các kế hoạch đấu thầu, Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Hoàng Thị Thuý Nga chỉ đạo Hoàng Thế Quỳnh, Nguyễn Tiến Thu, Nguyễn Quang Minh liên hệ các hãng, các đơn vị cung cấp để thu thập thông tin, giá sản phẩm đầu vào, lợi nhuận dự kiến, làm cơ sở cho Nhàn, Nga phê duyệt giá đầu ra bán vào Bệnh viện để nhóm kỹ thuật lập các báo giá gửi các Công ty Báo giá, Công ty Thẩm định giá.
Nhàn là người đề nghị Vũ giới thiệu Nga với Nguyễn Công Tiến, TGĐ Công ty thẩm định giá Thế hệ mới để cung cấp các báo giá để thẩm định theo giá định hướng của Công ty AIC. Nga chỉ đạo nhân viên của Ban 1 lập báo giá, trong đó gói thầu số 07, 52, 56 do các công ty của Nhàn ký báo giá (công ty trong hệ sinh thái của AIC), các gói thầu còn lại các báo giá do Hoàng Thế Quỳnh và nhân viên AIC làm sẵn, chuyển cho các công ty Cát Vân Sa, BMS và Tạ Thiên Ân ký khống. Toàn bộ các báo giá làm căn cứ thẩm định giá đều nâng khống lên theo chỉ đạo của Nhàn và Nga từ 1,3 - 2 lần so với giá đầu vào (tài liệu, dữ liệu trích xuất từ ổ cứng máy tính Hoàng Thế Quỳnh). Từ đó, căn cứ Chứng thư thẩm định giá, Phan Huy Anh Vũ, đại diện chủ đầu tư ký phê duyệt dự toán các gói thầu theo giá đã được Công ty AIC thông đồng với đơn vị thẩm định nâng giá, sử dụng làm căn cứ duyệt và phê duyệt hồ sơ mời thầu.
Quá trình tham gia đấu thầu, Nhàn chỉ đạo Đỗ Văn Sơn, Kế toán trưởng và Lê Thị Hương, Kế toán Công ty AIC điều chỉnh các thông tin trên Báo cáo tài chính 4 năm (2010, 2011, 2012 và 2013), tăng hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, tăng vốn chủ sở hữu so với Báo cáo tài chính thực tế đã nộp tại Cục Thuế Hà Nội để Nhàn ký, đưa vào hồ sơ dự thầu, đảm bảo Công ty AIC đủ năng lực tham gia đấu thầu theo quy định của hồ sơ mời thầu.
Đồng thời, Nhàn chỉ đạo Hoàng Thị Thuý Nga; Lê Chí Tuân, Trưởng phòng Nghiệp vụ đấu thầu Công ty AIC; Lưu Văn Phương, Hoàng Thế Quỳnh, Nguyễn Quang Minh, Nguyễn Tiến Thu, Nguyễn Tấn Sỹ, nhân viên AIC mua hồ sơ mời thầu, lập hồ sơ dự thầu cho đủ số lượng theo quy định. Thực tế chỉ các công ty được xác định trúng thầu như Công ty AIC, BMS, Thành An Hà Nội và TNT thì bộ phận lập hồ sơ đưa uỷ quyền bán hàng, bảo hành của hãng vào hồ sơ để đảm bảo trúng thầu, còn các công ty làm "quân xanh" thì nhân viên Công ty AIC làm hồ sơ dự thầu không có giấy uỷ quyền của hãng, bảo hành để không đủ điều kiện trúng thầu.
Từ những chiêu trò "làm xiếc" đấu thầu trên, Công ty AIC và các công ty do AIC chỉ định tham gia 16 gói thầu và trúng toàn bộ 16 gói, gồm 1 gói hệ thống khí y tế và 15 gói thiết bị y tế với tổng giá trị hơn 665 tỷ đồng. Trong đó, Công ty AIC đứng tên trúng thầu 12 gói thầu với tổng trị giá hơn 477 tỷ đồng. Còn 4 gói thầu, tránh để việc Công ty AIC đứng tên trúng tất cả các gói thầu tham gia, Nhàn chỉ đạo Nga liên hệ để nhân viên AIC lập hồ sơ cho Công ty Thành An Hà Nội trúng 2 gói thầu với tổng giá trị theo hợp đồng hơn 96 tỷ đồng; Công ty BMS trúng gói thầu có giá trị theo hợp đồng 49,33 tỷ đồng; Công ty TNT trúng gói thầu trị giá theo hợp đồng hơn 42 tỷ đồng. Sau khi trúng thầu được chủ đầu tư thanh toán, các công ty trên chuyển lại tiền cho Công ty AIC, toàn bộ hoạt động giao hàng, quản lý Dự án đều do nhân viên của Công ty AIC thực hiện.
Cơ quan điều tra còn cho rằng để đối phó với hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra, xác minh của các cơ quan chức năng, bà Nhàn đã yêu cầu nhân viên, lãnh đạo chủ chốt xuất cảnh khỏi Việt Nam, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ.
Tuy nhiên, căn cứ kết quả thu thập tài liệu, các sổ ghi chép, phục hồi trích xuất dữ liệu, lời khai của các cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và các bị can, C03 kết luận đủ cơ sở xác định bà Nhàn là chủ mưu, cầm đầu và chịu trách nhiệm chính trong vụ án.
"Hiện Nhàn đang bỏ trốn, không hợp tác, vì vậy cần xử lý nghiêm khắc", C03 nêu quan điểm trong kết luận điều tra.
Chiều 11/11, Cơ quan điều tra Bộ Công an cho biết đã truy nã toàn quốc, truy nã quốc tế với bà Nhàn đồng thời kêu gọi ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng và đảm bảo quyền tự bào chữa.
Trong vụ án này, ngoài bà Nhàn thì có 7 người khác cũng đang bỏ trốn, trong đó có Phó tổng giám đốc và Kế toán trưởng của AIC cùng lãnh đạo một số doanh nghiệp. Tất cả những người này cũng bị cơ quan điều tra đề nghị truy tố.
C03 phát đi thông báo, nếu những người này không ra trình diện hoặc đầu thú thì "coi như từ bỏ quyền tự bào chữa và sẽ bị điều tra, truy tố và xét xử".