Dân Việt

TP.HCM nghiên cứu chính sách hỗ trợ vay vốn ngân hàng theo hình thức tín chấp để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp

Trần Đáng 13/11/2022 11:16 GMT+7
Theo Chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019 – 2025, cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đã được UBND TP.HCM ban hành, TP yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ vay vốn ngân hàng theo hình thức tín chấp.

Cụ thể, về chính sách hỗ trợ vốn cho Chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019 – 2025 nhằm chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, TP giao Ngân hàng nhà nước Việt Nam (Chi nhánh TP.HCM) chủ trì phối hợp Sở NNPNT TP và các đơn vị có liên quan thực hiện.

TP.HCM nghiên cứu chính sách hỗ trợ vay vốn ngân hàng theo hình thức tín chấp để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp - Ảnh 1.

Để đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, TP.HCM nghiên cứu chính sách hỗ trợ vay vốn ngân hàng theo hình thức tín chấp cho nông dân. Ảnh: Nông dân huyện Củ Chi nuôi bò sữa. Ảnh: Trần Đáng

Các đơn vị này sẽ nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ vay vốn ngân hàng theo hình thức tín chấp và bằng tài sản hình thành trong tương lai có sự liên kết theo chuỗi giữa các cơ quan, đơn vị, như: Cơ quan quản lý nhà nước cấp chứng chỉ đào tạo, hỗ trợ lãi suất ngân hàng...; đơn vị sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào như giống, phân bón, công nghệ...; đơn vị tiêu thụ sản phẩm và ngân hàng để phát triển một số mô hình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như rau thủy canh, dưa lưới xuất khẩu, nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, hoa cây kiểng, phát triển du lịch sinh thái, nhà máy phân hữu cơ vi sinh đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhà máy sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho bò sữa (TMR), ...

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, hiện ngành nông nghiệp TP đang tập trung thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019 – 2025. 

Về chính sách chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2019 – 2025 trong lĩnh vực vật nuôi - một trong những nhóm ngành nông nghiệp chủ lực của TP, là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giống mức độ trang trại; ứng dụng công nghệ sinh học trong xác định gen gắn với các tính trạng về năng suất, chất lượng; ứng dụng công nghệ gen trong chọn giống, đánh giá giá trị gây giống, phương pháp chọn giống theo BLUP.

Theo đó, TP sẽ tiếp tục nhập nội một số giống heo mới trên cơ sở đánh giá khả năng thích nghi, ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử (công nghệ gen) để đánh giá tính trạng di truyền, chọn lọc cá thể có tính trạng tốt làm giống; xây dựng quản lý đàn heo giống bằng công nghệ thông tin. Xây dựng hệ thống truyền thông giống heo của TP, cung cấp con giống cho các hộ, trại chăn nuôi trong TP và các tỉnh.

TP.HCM nghiên cứu chính sách hỗ trợ vay vốn ngân hàng theo hình thức tín chấp để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp - Ảnh 3.

Nông dân chăn nuôi heo ở huyện Hóc Môn đang tham gia chương trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của TP.HCM. Ảnh: Trần Đáng

Với giống bò, sẽ tiếp tục nhập các dòng tinh cao sản chịu nhiệt, tinh phân biệt giới tính, có năng suất, chất lượng cao, nhằm nhân nhanh và cải thiện chất lượng đàn bò cái vắt sữa. Trong đó, chọn lọc các dòng tinh bò sữa có hệ số di truyền cao đối với các chỉ tiêu về năng suất và chất lượng sữa (béo, đạm, vật chất khô), để nâng cao sản lượng sữa và chất lượng sữa nguyên liệu. Đánh giá hiện trạng di truyền A1-A2 của đàn bò sữa thành phố để chọn đàn bò hạt nhân A2 chất lượng cao.

Tổ chức hội chợ giống hàng năm đối với heo, bò sữa, bò thịt, nhằm giới thiệu con giống có gia phả, lý lịch rõ ràng và năng suất, chất lượng cao cho người chăn nuôi, trong đó tổ chức đoàn công tác đi tham quan, học tập hội chợ giống do các nước có nền chăn nuôi tiên tiến trên thế giới tổ chức.

Sở NNPTNT TP cho biết, những tháng đầu năm 2022, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp TP tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học;… 

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2022, TP có hơn 90.200 con bò, giảm 7,7% so với cùng kỳ. Trong đó, đàn bò thịt hơn 40.100 con, giảm 14% so với cùng kỳ; đàn bò sữa là 53.100 con, tăng 4,1% so với cùng kỳ; bò cái vắt sữa hơn 29.500 con, giảm 2,6% so với cùng kỳ. Sản lượng sữa bò tươi hơn 92.000 tấn, giảm 1,5% so với cùng kỳ. Tổng đàn heo hơn 165.600 con, tăng 1,8% so với cùng kỳ. Sản lượng heo hơi 15.800 tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ.