Hội Nông dân Nghệ An giúp hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi làm giàu
Hội Nông dân Nghệ An giúp hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế cao
Thắng Tình
Thứ hai, ngày 26/09/2022 13:48 PM (GMT+7)
Vai trò của các cấp Hội Nông dân Nghệ An càng được khẳng định khi giúp các hội viên khắc phục khó khăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thích ứng nhanh mang lại hiệu quả cao trong các mô hình sản xuất kinh doanh và tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn… Điều đó được thể hiện rõ nét trong nhiều mô hình kinh tế.
Từ đề án "Tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sản xuất kinh doanh và tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn", phong trào "3 không, 3 có" của Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã mang đến những thay đổi rõ nét ở khắp các làng quê trên mảnh đất xứ Nghệ. Những vùng nông thôn thay da đổi thịt, không ít các triệu phú đã hiện thực hóa giấc mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình từ bằng các mô hình sản xuất an toàn.
Vai trò của các cấp Hội Nông dân Nghệ An càng được khẳng định khi giúp các hội viên khắc phục khó khăn, chuyển đổi cơ cấu linh hoạt, an toàn, thích ứng nhanh mang lại hiệu quả cao… điều đó được thể hiện rõ nét ở huyện Nghi Lộc. Đây là địa phương nằm trong vùng trọng điểm phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ của tỉnh Nghệ An.
Do vậy, đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, đòi hỏi phải đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết để nâng cao năng suất, giá trị sản xuất, thu nhập trên đơn vị diện tích; nâng cao hiệu quả sử dụng đất và khai thác triệt để quỹ đất nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người nông dân. Bên cạnh đó, huyện có lợi thế về thị trường tiêu thụ nông sản, đặc biệt là nông sản chất lượng cao, an toàn.
Xác định rõ tình hình thực tế tại địa phương, trong thời gian qua, Hội Nông dân huyện Nghi Lộc đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch, hướng dẫn các cơ sở hội khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Với cơ chế hỗ trợ của tỉnh Nghệ An, huyện Nghi Lộc người dân xây dựng nhiều mô hình sản xuất hoa, rau, củ quả trong nhà lưới (màng), sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tự động, xây dựng các khu chăn nuôi hiện đại.
Hội Nông dân huyện Nghi Lộc cũng đã tập trung đẩy mạnh phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Đồng thời vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; động viên nông dân chủ động, sáng tạo, mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật tạo nên những nhân tố đi đầu trong sản xuất nông nghiệp, bình quân hàng năm có trên 97% hộ nông đăng ký nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó có 70 % số hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Đặc biệt, các cấp Hội đã hỗ trợ, thành lập 11 tổ hợp tác, 35 tổ hội nông dân nghề nghiệp do hội nông dân tham gia quản lý, điều hành ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản xuất như: HTX sản xuất và chế biến dầu lạc Nghi Long, tổ hợp tác nuôi tôm trên cát tại xã Nghi Tiến, chi hội nông dân nghề nghiệp rau củ quả Nghi Trung, tổ hội nghề nghiệp trồng và bảo quản hành tăm tại Nghi Lâm,…
Nông sản không còn phải "giải cứu" nông dân yên tâm sản xuất
Để hỗ trợ quảng bá các sản phẩm nông sản, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu các sản phẩm của địa phương ra thị trường trong và ngoài tỉnh, hàng năm Hội Nông dân huyện Nghi Lộc kết nối cung cầu qua các kênh: các hội chợ, các đợt trưng bày sản phẩm tổ chức trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó các sản phẩm của hộ dân được công nhận sản phẩm OCOP; Phối hợp với bưu điện huyện đưa thông tin các sản phẩm giới thiệu trên sàn giao dịch thương mại Format... Thông qua các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối cung cầu, một số đặc sản của Nghi Lộc đã được giới thiệu rộng rãi và trở thành thương hiệu khá nổi tiếng trên thị trường trong và ngoài tỉnh như: Dầu lạc Nghi Long, Cam Xã Đoài, rượu Cam Xã Đoài, cà muối Cửa Hội, bưởi Nghi Văn, bộ môi muỗng gỗ Nghi Lâm, dưa lưới Nghi Lộc, hương thẻ Tây Lân, bánh cốm Đông Thuận...
Từ nguồn vốn quỹ Hỗ trợ nông dân do Hội quản lý cũng đã hỗ trợ thiết thực cho hội viên nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất. Đến nay tổng nguồn quỹ huyện quản lý là 4.745.000.000 đồng cho 166 hộ nông dân vay, xây dựng 27 dự án để phát triển sản xuất, đa số các hộ được tiếp cận vốn sử dụng đúng mục đích và mang lại hiệu quả. Trong đó, Hội được hỗ trợ 7 dự án từ nguồn Quỹ hổ trợ nông dân củaTỉnh và Trung ương Hội với tổng kinh phí 3,5 tỷ đồng.
Cùng với đó, trong quá trình triển khai thực hiện Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ gia đình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế theo chuỗi liên kết, mô hình tổ hợp tác. Tập huấn cách nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm làng nghề và cách tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản thích ứng với biến đổi khí hậu và giá cả vật tư phân bón tăng cao.
Tập huấn chế tạo và sử dụng phân hữu cơ, vi sinh, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc vào sản xuất. Từ những mảnh ruộng cấy 1 vụ lúa, thậm chí bỏ hoang nhiều vụ đã được các cấp Hội tuyên truyền tích tụ ruộng đất, chuyển đổi sang cây trồng mới, thay đổi tư duy sản xuất, tuyên truyền các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, các mô hình chăn nuôi xa khu dân cư. Mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hội viên nông dân.
Từ những kết quả đó của Hội nông dân Nghi Lộc đã giúp cho bà con nông dân trên địa bàn ngày càng tiếp cận công nghệ, nhiều ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống cây con mới có năng suất, chất lượng được áp dụng vào canh tác, sản xuất.
Tính đến nay trên lĩnh vực trồng trọt, toàn huyện đã có 24 mô hình ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 159.300 m2, gồm 22 mô hình sản xuất dưa lưới, nho, rau củ quả gieo trồng trong giá thể trong nhà màng; 2 mô hình trồng cam, bưởi sử sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tự động. Sản lượng hàng năm đạt 403.8 tấn, hàng năm đạt 14.539.000.000 đồng.
Lĩnh vực chăn nuôi có 77 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với quy mô chăn nuôi công nghiệp, thực hiện tự động hoá, bán tự động hóa các khâu cho ăn, uống, làm mát chuồng trại và ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý phân và các loại chất thải chăn nuôi, thu nhập đạt 90.740.930.000 đồng/năm. Các mô hình trồng trọt và chăn nuôi hàng năm đã tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động với thu nhập bình quân đạt 85 triệu đồng/lao động/năm.
Có thể nói, kết quả đạt được đã ngày càng khẳng định và nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức Hội Nông dân, xứng đáng là trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu... góp phần phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời phát huy vai trò trung tâm của Nông dân trong phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Khi nông dân trở thành triệu phú
Bên cạnh đó, "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng" là một trong những phong trào thi đua được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện sâu rộng, có sức lan tỏa đã tạo không khí thi đua sôi nổi.
Một trong những ví dụ điển hình đó là trường hợp ông ông Nguyễn Văn Đường (trú tại xóm Trường Sơn, xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương) người biến 46 ha đất đồi cằn cỗi để trồng chè. Nhờ sự hỗ trợ về kỹ thuật của cán bộ hội nông dân, đồi chè của ông Đường nhanh chóng phát triển. Ông còn mạnh dạn vay vốn xây dựng xưởng chế biến, thu mua nguyên liệu, giải quyết đầu ra cho bà con nông dân trong vùng...
Với vai trò là tổ trưởng tổ nghề nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè xanh Thanh Mai, ông đã kiên trì vận động các thành viên trong tổ hội chuyển đổi tư duy sản xuất từ hướng quảng canh sang thâm canh, sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ thay thế thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, hình thành các vùng chè an toàn theo hướng VietGAP.
Hay trường hợp chị Trần Thị Hương (trú tại xã Nghĩa Hiếu, huyện Nghĩa Đàn) đã mạnh dạn chuyển đổi 3 ha đất đồi kém hiệu quả sang đầu tư trồng bưởi, kết hợp với nuôi dúi, lợn, vịt trời, đạt doanh thu 900 triệu đồng/năm. Hộ gia đình anh Lo Văn Dân (người Ơ đu, ở xã Nga My, huyện Tương Dương) đầu tư xây dựng mô hình sản xuất, chăn nuôi tổng hợp, lợi nhuận đạt 810 triệu đồng/năm.
Ở lĩnh vực thủy, hải sản, có hộ gia đình anh Lê Hội Hưng (trú tại phường Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai) từ mô hình "Dịch vụ hậu cần nghề cá, khai thác hải sản xa bờ" đến nay, gia đình anh đã thành lập Hợp tác xã Đoàn kết với quy mô: 1 cơ sở sản xuất đá lạnh, 1 cửa hàng xăng dầu, có 16 con tàu khai thác hải sản xa bờ, doanh thu đạt từ 20 đến 25 tỷ đồng/năm.
Đến nay, số hộ nông dân đạt tiêu chí hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp là 146.708 hộ, chiếm 56% hộ hội viên nông dân đăng ký. Từ những kết quả hoạt động của phong trào đã góp phần phát triển các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được gắn sao OCOP và các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh như: Tương Nam Đàn, nước mắm Vạn Phần, lạc sen Diễn Châu, cam Vinh,… trên cơ sở đó đã tạo ra các vùng sản xuất chuyên canh, các cánh đồng mẫu lớn để liên kết, thực hiện đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.
Những kết quả đã đạt được nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Ban thường vụ Hội Nông dân tỉnh Nghệ An và các cấp Hội Nông dân trên địa bàn, thực sự làm thay đổi những vùng quê xứ Nghệ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.