Thành cổ Sơn Tây được hình thành từ năm Minh Mạng thứ ba (1822) để làm trọng trấn cho cả khu vực phía Tây thành Hà Nội. Thành được xây đắp hoàn toàn bằng đá ong - loại vật liệu đặc trưng của xứ Đoài, đáp ứng được yêu cầu bền chắc của một công trình phòng thủ.
Tại đây, vương triều Nguyễn đã xây dựng, củng cố một phức hợp hoàn chỉnh và chặt chẽ các công trình có giá trị phòng ngự cao, bao gồm: Hào nước, lũy bán nguyệt, bờ đất ngoài thành, cổng thành, tường thành, kỳ đài... với lực lượng phòng vệ đông đảo và trang bị vũ khí quy mô lớn.
Những sự kiện lớn của tòa thành liên quan đến cuộc chiến chống thực dân Pháp của triều đình nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam cho thấy, Thành cổ Sơn Tây là vùng “trọng địa” có chức năng che chở, bảo vệ cho đồng bằng và trung du Bắc Kỳ; đồng thời là “bàn đạp”, hậu cứ cho biên cương Tây Bắc.
Không chỉ mang trong mình dấu ấn lịch sử, văn hóa của dân tộc, Thành cổ Sơn Tây còn ghi dấu ấn bởi vẻ đẹp cổ kính với kiến trúc độc đáo và tinh tế, là một trong “tứ trấn” kinh thành Thăng Long xưa, di tích trọng điểm, “điểm nhấn” hội tụ của văn hóa xứ Đoài ngày nay.
Với tính chất quan trọng về lịch sử, văn hóa, cùng kiến trúc quân sự độc đáo, Thành cổ Sơn Tây được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1994.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhận định, hòa trong dòng chảy lịch sử, văn hóa của đất nước và Thủ đô, bao thế hệ người dân Sơn Tây đã không ngừng sáng tạo ra các giá trị văn hóa mang đậm nét của vùng đất Sơn Tây - xứ Đoài, mà tiêu biểu trong số đó là Thành cổ Sơn Tây. Đây là tòa thành duy nhất được xây dựng bằng đá ong ở Việt Nam, một trong bốn “trọng trấn” của đất Thăng Long xưa, chứng tích cho sức mạnh và lòng quyết tâm chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
“Việc bảo tồn, phát huy hiệu quả di tích Thành cổ Sơn Tây đã và đang góp phần khẳng định vị trí, vai trò, giá trị tiêu biểu của công trình này; đồng thời, khơi dậy tiềm năng, xúc tiến phát triển du lịch văn hóa của Thăng Long - Hà Nội, của Sơn Tây - xứ Đoài”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.
Theo quy hoạch chung phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sơn Tây sẽ phát triển theo hướng trở thành đô thị vệ tinh của Hà Nội với chức năng đô thị văn hóa, lịch sử, sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng. Lễ kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây và xúc tiến đầu tư phát triển du lịch được tổ chức là một trong những tiền đề quan trọng nhằm khơi dậy tiềm lực to lớn cho sự phát triển của thị xã trong thời gian tới.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân thị xã Sơn Tây tiếp tục nỗ lực, chủ động triển khai thực hiện tốt các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử gắn với di sản văn hóa địa phương; tập trung bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu gắn với phát triển kinh tế du lịch và công nghiệp văn hóa; phấn đấu đến năm 2030, các di tích văn hóa tiêu biểu của Sơn Tây được nâng cấp là “Di tích cấp quốc gia đặc biệt”.
Tại sự kiện, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho biết, với niềm tự hào 200 năm Thành cổ Sơn Tây cùng với nhiều di tích, danh thắng quý như: Chùa Mía, đền Và, đền hai Vua, Làng cổ Đường Lâm, Văn Miếu Sơn Tây, hệ sinh thái hồ Đồng Mô, hồ Xuân Khanh…, cán bộ, đảng viên và nhân dân thị xã sẽ tiếp tục nêu cao truyền thống cách mạng, đoàn kết, quyết tâm khơi dậy tiềm năng văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển, xây dựng thị xã Sơn Tây ngày càng đẹp, văn minh.
Nhân dịp này, Sơn Tây tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư, các đơn vị, hiệp hội, các trung tâm xúc tiến, trung tâm lữ hành tăng cường đầu tư, hợp tác, giao lưu trao đổi hàng hóa, dịch vụ, phối hợp điều hành đưa đón khách tham quan du lịch đến với Sơn Tây, để ngành kinh tế du lịch, dịch vụ của thị xã ngày càng phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của Thủ đô.
Lễ kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây (1822-2022) và xúc tiến đầu tư phát triển du lịch mở ra nhiều hoạt động triển lãm, trưng bày, hội thi, trình diễn, giao lưu văn hóa hấp dẫn trên địa bàn, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân địa phương và du khách, đồng thời tăng sức hút cho các điểm đến du lịch di sản.