Mặc dù nhiều ý kiến cho rằng, Gen Z là thế hệ được sinh ra và lớn lên trong sự phát triển của công nghệ thông tin, việc liên lạc, kết nối sẽ trở nên dễ dàng hơn và thế hệ này sẽ ít cảm thấy cô đơn và lạc lõng hơn.
Nhưng trên thực tế, bất chấp sự xuất hiện của nhiều nền tảng mạng xã hội, các ứng dụng hẹn hò và gặp gỡ, Gen Z thực sự được báo cáo là thế hệ cô độc nhất, có khả năng mắc các bệnh về tâm lý cao hơn hẳn so với các thế hệ trước.
Trong tình yêu, những thông báo trong điện thoại vốn khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc vì những tin nhắn của nửa kia. Nhưng khi một trong hai người mắc các bệnh về tâm lý, những thông báo đó bỗng chuyển từ niềm vui thành gây nên sự căng thẳng cho người nhận.
Có nhiều lý do giải thích cho điều này, nhưng điều đáng quan tâm nhất là tìm ra cách để Gen Z giải quyết các mối quan hệ trong giai đoạn bất ổn về tinh thần.
"Tôi không thể bắt đầu một mối quan hệ, tôi thậm chí còn không thể rời khỏi giường hôm nay". Đây chính là suy nghĩ của không ít các bạn trẻ khi nhắc đến việc thiết lập một mối quan hệ trong thời điểm gặp phải những khó khăn về sức khỏe tâm lý.
Tiến sĩ Aman Bhonsle, chuyên gia tư vấn mối quan hệ và liệu pháp hành vi cảm xúc cho rằng, những Gen Z đang phải đấu tranh các vấn đề sức khỏe tâm thần có khả năng gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh.
"Cách bạn tương tác với người khác sẽ phản ánh cách bạn suy nghĩ về chính bản thân. Điều này có xu hướng ảnh hưởng một chiều hoặc hai chiều. Chẳng hạn, nếu bạn thường đánh giá thấp bản thân, bạn sẽ tìm kiếm sự công nhận liên tục từ đối tác của mình.
Nếu như bạn không biết được chính xác giá trị của bản thân, bạn sẽ muốn đối phương thích và đánh giá cao mình, điều này làm tăng giá trị của bạn. Kết quả, bạn sẽ trở nên phụ thuộc vào cảm xúc, suy nghĩ của đối phương.
Đồng thời, bạn cũng sẽ có xu hướng trở nên chiếm hữu và bất an về mối quan hệ. Nếu thiếu tự tin về bản thân, bạn cũng sẽ tự ti trong giao tiếp xã hội và chuyện tình cảm", tiến sĩ Aman cho hay.
Trong bộ phim "The perk of being a wallflower" (tạm dịch: "Bức thư tuổi mới lớn"), đạo diễn Stephen Chobsky từng viết: "Chúng ta chấp nhận tình yêu mà chúng ta nghĩ mình xứng đáng".
Khi ai đó đang vật lộn với bệnh tâm lý hoặc các vấn đề về lòng tự trọng nói chung rồi tự đi đến kết luận tai hại rằng họ không xứng đáng được yêu, họ có thể trở nên cực kỳ lo lắng về tình trạng của bất kỳ mối quan hệ nào họ có.
Những người mắc bệnh tâm lý có thể trở thành một người yêu tốt?
Việc trải qua những thử thách về tinh thần sẽ ảnh hướng tới các mối quan hệ của bạn. Tiến sĩ Aman nói rằng, các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể ảnh hưởng tới ham muốn tình dục và khiến người mắc bệnh gặp khó khăn hơn trong việc giao tiếp.
Theo Aman, nguyên nhân của vấn đề này nằm ở việc phân chia nguồn năng lượng tinh thần của bản thân người mắc bệnh. Khi ai đó đang vật lộn với các bệnh về tâm lý, họ khó quan tâm và dành sự chú ý đến nửa kia của mình hơn.
Khi nửa kia của họ mong muốn được giúp đỡ, chăm sóc hoặc đồng cảm về tinh thần, người đang gặp các vấn đề về tâm lý khó có thể làm được điều này. Về cơ bản, họ cũng đang mắc kẹt trong các vấn đề của bản thân, vậy nên họ khó có thể quan tâm đến người khác.
"Khi đó, bạn chỉ còn một chút năng lượng để bạn có thể dành cho đối tác của mình sau khi xử lý xong vấn đề của bản thân. Nhưng bạn chỉ có thể làm điều đó khi năng lượng của bạn còn dư thừa chứ không phải là kiệt sức sau khi giải quyết vấn đề", ông nói thêm.
Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của các vấn đề tâm lý không phải giấy chứng tử cho các mối quan hệ của Gen Z. "Đôi khi, họ có thể trở nên khá nhạy cảm. Nhưng vẫn có những người sẵn sàng đối mặt với những vấn đề mà người bệnh gặp phải, phụ thuộc vào mức độ bệnh và sự ổn định của họ.
Ví dụ, một người bị rối loạn nhân cách có thể khá bất ổn, nhưng nếu nửa kia của họ siêu kiên nhẫn và không nóng nảy, họ vẫn có thể ở bên nhau.
Điều này đôi khi gây nên tổn thương cho nửa kia khi cơn giận giữ của người bệnh kết thúc, nhưng không có quy tắc nào nói rằng nếu bạn không khỏe về mặt tinh thần, bạn không thể ở trong một mối quan hệ", ông nói thêm.
Dẫu nó sẽ là một hành trình khó khăn, nhưng việc chẩn đoán lo lắng, trầm cảm hoặc bất kỳ bệnh tâm thần nào không có nghĩa là họ phải từ bỏ tình yêu. Họ xứng đáng nhận được nhiều tình yêu thương như mọi người, dù đôi khi điều đó có thể khá khó nhận ra vào những ngày tâm trạng xuống dốc.
Chúng ta có thể làm gì?
Như đã đề cập ở trên, điều quan trọng nhất chính là tìm ra giải pháp để những người mắc bệnh về tâm lý có thể vừa dành cho đối tác của mình sự quan tâm mà họ xứng đáng nhận được, đồng thời có thể giải quyết được các vấn đề riêng của bản thân.
Tiến sĩ Aman cho biết: "Họ cần bắt đầu nỗ lực để khắc phục tình trạng của bản thân, tìm kiếm các dịch vụ trị liệu hoặc bắt tay vào các phương pháp để cải thiện mức độ bệnh của mình.
Hãy đọc sách, chăm sóc cơ thể tốt hơn, ngủ đúng giờ, ăn những thực phẩm cân bằng dinh dưỡng, vun đắp một mối quan hệ xã hội lành mạnh, làm việc hiệu quả trong các hoạt động sáng tạo hoặc bất cứ điều gì có thể giúp họ cảm thấy an tâm về bản thân hơn.
Thực tế cho thấy những người thường xuyên cảm thấy lo lắng cần có một kế hoạch tốt để cải thiện.
Bộ não của người bệnh đang được lập trình theo một vòng tròn lặp. Nếu muốn thoát khỏi tình trạng này, bạn sẽ cần bắt đầu những thói quen, mở rộng vòng tròn bạn bè và đặt các kỳ vọng một cách thông minh và hợp lý.
Điều này đòi hỏi cần có một người cố vấn hỗ trợ. Tôi đã làm việc với nhiều người để giúp họ sắp xếp hợp lý những điều đó và giúp họ vượt qua kỳ vọng của bản thân".
Hoàn thiện bản thân là ưu tiên hàng đầu
Đối với Gen Z, cuộc đấu tranh với sức khỏe tâm thần là có thật. Những lý do đằng sau sự khởi đầu của lo âu và trầm cảm có vẻ xa lạ với chúng ta, vì chúng ta thậm chí không thể xác định chính xác nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khỏe tâm thần của mình.
Lo lắng ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống, từ các mối quan hệ ở trường học đến sự nghiệp của bạn. Khi điều gì đó không thể giải thích được cản trở bạn hoàn thành những nhiệm vụ đơn giản trong ngày, việc tìm hiểu kỹ càng và cố gắng hoàn thiện bản nên trở thành ưu tiên hàng đầu.