Dân Việt

Những đối tượng nào sẽ được tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng trong năm 2023?

Việt Sáng 16/11/2022 07:02 GMT+7
Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước, thì chỉ có cán bộ, công chức, viên chức - những người đang được tính lương căn cứ vào mức lương cơ sở thì mới được tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng.

Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước, sẽ thực hiện cải cách tiền lương, tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2023.

Vậy những đối tượng nào được tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng?

Hiện nay, trong thị trường lao động có hai nhóm chính:

Một là nhóm cán bộ, công chức, viên chức đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ.

Hai là người lao động trong khu vực doanh nghiệp hưởng chế độ tiền lương từ thoả thuận của người lao động và người sử dụng lao động.

Theo đó, căn cứ Nghị quyết dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023, cải cách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết 27 năm 2018 của Bộ Chính trị vẫn chưa được thực hiện mà chỉ thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức.

Những đối tượng nào sẽ được tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng trong năm 2023? - Ảnh 1.

Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước, thì chỉ có cán bộ, công chức, viên chức - những người đang được tính lương căn cứ vào mức lương cơ sở thì mới được tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng.

Do đó, khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng, những đối tượng sau đây sẽ được tăng lương:

Cán bộ, công chức, viên chức:

Do không cải cách tiền lương nên từ ngày 1/7/2023 - khi áp dụng mức lương cơ sở mới là 1,8 triệu đồng/tháng thì cán bộ, công chức, viên chức vẫn được tính lương theo công thức: Lương = Hệ số x Mức lương cơ sở.

Khác với cán bộ, công chức, viên chức được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, lương được tính theo mức lương cơ sở thì lương của người lao động trong khu vực doanh nghiệp được tính theo thoả thuận của các bên.

Khoản 1 Điều 90 Bộ luật Lao động có đề cập đến quy định liên quan đến tiền lương như sau:

Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Có thể thấy, lương của người lao động hoàn toàn được trả theo thoả thuận của người lao động và người sử dụng lao động mà không chịu ảnh hưởng từ mức lương cơ sở.

Đặc biệt, vẫn có giới hạn tối thiểu trong lương của người lao động là không được thấp hơn mức lương tối thiểu. Đây là một khoản lương khác hoàn toàn so với mức lương cơ sở nên khi lương cơ sở tăng, lương của người lao động không hề bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, mặc dù lương không tăng nhưng khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng thì vẫn sẽ có nhiều thay đổi ảnh hưởng đến đời sống của người lao động.

Cụ thể, tăng mức đóng BHXH bắt buộc, BHYT tối đa hoặc theo hộ gia đình; Tăng điều kiện hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh của người tham gia BHYT 5 năm liên tục; Tăng trợ cấp, phụ cấp...