Quyết tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng từ 1/7/2023: Chuyên gia băn khoăn "cơ sở khoa học ở đâu?"
Quyết tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng từ 1/7/2023: Chuyên gia băn khoăn "cơ sở khoa học ở đâu?"
Huyền Anh
Thứ bảy, ngày 12/11/2022 06:55 AM (GMT+7)
PGS.TS Vũ Sỹ Cường - chuyên gia tài chính cho rằng, lạm phát là vấn đề kỳ vọng. Do đó, Chính phủ thông báo tháng 7 tăng lương, giá cả sẽ tăng "đón đầu" từ tháng 1 đến tháng 6, thay vì đợi đến tháng 7 lương tăng giá cả mới tăng.
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã chính thức "bấm nút" thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển KTXH năm 2023. Trong các chỉ tiêu cơ bản đề cập tại nghị quyết, tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát 4,5%.
Lạm phát 2023 khó giữ ở mức 4,5%
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Vũ Sỹ Cường - chuyên gia tài chính, cho biết cơ bản ông tán thành với các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản năm 2023 như nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua.
Đi vào cụ thể hơn, ông cho rằng tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% mặc dù "khó nhưng vẫn có thể làm được". Thế nhưng, để giữ được lạm phát 4,5%, theo ông Cường là rất khó, mặc dù xu hướng lạm phát của các quốc gia trên thế giới đang có chiều hướng hạ nhiệt.
Phân tích thêm, vị chuyên gia này nói: Xu hướng lạm phát của thế giới dù có giảm, nhưng Việt Nam lại có độ trễ nhất định. Năm 2022, chúng ta phá giá tiền đồng gần 10%, trong khi đó các mặt hàng nhập khẩu ảnh hưởng tới đến giá trong nước cũng sẽ trễ khoảng 1 quý. Vì vậy, sẽ tác động vào lạm phát của đầu năm sau (năm 2023).
Chưa hết, giá của một số mặt hàng trong nước thời gian qua bị "ghìm" chẳng hạn như giá xăng dầu. Hay như, giá điện khi đầu vào tăng mạnh nhưng giá điện vẫn ổn định – đó cũng là "ghìm" giá – theo ông Cường. Ngoài ra, một loạt các loại vật tư thiết bị trong các ngành khác cũng có tình trạng tương tự, giá thế giới lên nhưng giá của các mặt hàng này tăng không đáng kể.
"Cuối cùng giá cả vẫn phải được quyết định bởi thị trường, chúng ta không thể ghìm giá, không thể dùng hành chính can thiệp mãi được. Do đó, giá điện, giá xăng, hay giá một số loại vật tư y tế, giá giáo dục chắc chắn sẽ phải tăng. Ngoài ra, việc Chính phủ tăng lương cũng sẽ ảnh hưởng tới lạm phát của năm 2023. Tôi dự báo, lạm phát năm 2023 có thể khoảng 5 – 5,5% - mức này cũng không vấn đề gì đối với nền kinh tế", PGS.TS Vũ Sỹ Cường nhấn mạnh.
Nói thêm về chỉ tiêu lạm phát 4% trong năm nay 2022, ông Cường cho biết nhiều chuyên gia "không ai tin".
Tại vì sao? Bởi nếu lạm phát 4%, lãi suất huy động không phải 9% - chênh lệch quá nhiều.
Do đó, xảy ra 2 bài toán: Thứ nhất, lạm phát thực tế năm 2022 có thể cao hơn số đó.
Hai là, kỳ vọng lạm phát 2023 cao, vì vậy các ngân hàng nâng lãi suất cao "chờ" lạm phát.
"Các nước khác hiện lãi suất thực dương, các nước đang phát triển như Việt Nam lãi suất thực dương là bình thường nhưng lãi suất gấp đôi lạm phát thì vô lý. Nếu ngân hàng chỉ kỳ vọng lạm phát năm 2023, sẽ không huy động lãi suất 9%/năm như hiện nay", ông Cường nêu quan điểm.
Dự toán thu quá thận trọng
Quốc hội cũng đã bấm nút thông qua nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.
Theo dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.620.744 tỷ đồng, trong khi tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.076.244 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 455.500 tỷ đồng, tương đương 4,42% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
"Dự toán thu này đang quá thận trọng", PGS.TS. Vũ Sỹ Cường bình luận.
Ông phân tích, nếu tính theo GDP cũ, trung bình giai đoạn 2012 - 2019 thu trung bình đạt 24 - 25% GDP, nếu tính theo GDP mới đạt khoảng 18,5% GDP.
Tuy nhiên, dự toán thu ngân sách giai đoạn tới chỉ đạt 15,7% GDP là quá thấp so với trung bình giai đoạn trước.
Theo vị chuyên gia này, năm 2023, lạm phát ở mức 4,5% như mục tiêu của Chính phủ và dự báo có thể còn cao hơn. Điều này bất lợi cho người dân nhưng lại có lợi vì mọi nguồn thu đều tăng, đặc biệt với Việt Nam thu thuế về tiêu dùng nhiều, như thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu... Như vậy, khả năng thu năm 2023 sẽ tốt hơn.
Dẫn chứng với các nước, vị chuyên gia này cho rằng, Việt Nam có xu hướng giảm mạnh về số thu ngân sách so với trung bình các nước và chỉ cao hơn so với nhóm nước ở châu Á và châu Phi.
"Điều này về lý thuyết là tốt, để khoan sức dân, song Việt Nam là nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, dưới 4.000 USD. Điều này đồng nghĩa nhu cầu chi rất lớn. Muốn chi nhiều thì phải tăng thu, nhưng thu giảm thì lấy nguồn chi từ đâu?", ông Cường đặt vấn đề và khuyến cáo dự toán thu không nên quá thận trọng.
Tăng lương từ tháng 7 – Băn khoăn cơ sở khoa học
Đối với câu chuyện tăng lương, nhiều đại biểu đề nghị cần điều chỉnh tăng lương cơ sở từ ngày 1/1/2023, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương. Tuy nhiên, theo nghị quyết được thông qua, Quốc hội quyết tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng từ 1/7/2023.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, nếu áp dụng tăng lương từ ngày 1/1/2023 thì đúng vào thời điểm đầu năm gần với Tết dương lịch và Tết Nguyên đán. Đây là thời điểm nhạy cảm, nhu cầu mua sắm sử dụng hàng hóa dịch vụ của người dân và doanh nghiệp tăng mạnh, tạo sức ép lên điều hành giá cả do tâm lý tăng lương đi kèm với tăng giá, gây áp lực đối với việc kiểm soát lạm phát và ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Vũ Sỹ Cường cho hay, lạm phát là vấn đề kỳ vọng. Do đó, Chính phủ thông báo tháng 7 tăng lương, giá cả sẽ tăng trước đó, thay vì đợi đến tháng 7 lương tăng giá cả lúc đó mới tăng theo.
"Cứ nói tháng 7 mới tăng lương, nhưng tôi thực sự không hiểu cơ sở khoa học ở đâu. Theo tôi, tăng vào tháng 1 hay tháng 7 là như nhau. Bản chất không khác gì nhau", ông Cường đặt vấn đề.
Quan điểm của ông Cường, tăng lương sớm càng tốt. Việc lo ngại tăng lương từ tháng 1/1/2023 là thời điểm "nhạy cảm", bởi đây là tháng Tết tổng cầu cao, điều đó sẽ làm tác động tới kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, tăng vào thời điểm đó mới có ý đối với những người có thu nhập thấp, hay nói cách khác là ý nghĩa về mặt xã hội.
Trong khi đó, nếu tăng lương từ tháng 7, ý nghĩa về mặt xã hội ít đi. Bởi khi đó, giá cả đã tăng đón đầu từ tháng 1 đến tháng 6, vì lạm phát là vấn đề kỳ vọng như ông đã nhấn mạnh ở trên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.