Các nước châu Âu đang phải tìm cách tranh giành nguồn khí đốt thay thế sau khi bị Nga - nhà cung cấp cũ hàng đầu cắt giảm xuất khẩu để trả đũa các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt đối với Moscow vì cuộc xung đột ở Ukraine.
Na Uy - một nước giàu khí đốt kể từ đó đã vượt mặt Nga trở thành nhà cung cấp năng lượng hàng đầu cho châu Âu nhưng giờ đây, "Lục địa già" bắt đầu nhận thấy tiềm năng lớn về trữ lượng nhiên liệu hóa thạch của châu Phi, bao gồm cả những khám phá dầu khí đầy hứa hẹn ở Senegal và Cộng hòa Dân chủ Congo.
Đức - quốc gia châu Âu phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga trước chiến tranh - đã rất muốn khai thác các mỏ khí đốt của Senegal.
Châu Âu muốn "biến châu Phi thành trạm xăng của mình", Mohamed Adow, Giám đốc Power Shift Africa, tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc ở Ai Cập.
"Chúng ta không cần phải đi theo bước chân của các nước châu Âu giàu có vốn đã thực sự gây ra biến đổi khí hậu ngay từ đầu", ông Adow nói thêm.
Các nhà hoạt động, nhà nghiên cứu và các nhóm vận động cho biết, xuất khẩu khí đốt tự nhiên có thể mang lại lợi nhuận cao trong ngắn hạn nhưng sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu và khiến các quốc gia châu Phi trở nên tồi tệ hơn về lâu dài.
Nhóm nghiên cứu Climate Action Tracker gọi hiện tượng sụt giảm khí đốt toàn cầu là "mối đe dọa nghiêm trọng" đối với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris - giữ cho sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C và tốt nhất là ở mức 1,5 độ so với mức tiền công nghiệp.
Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo châu Phi cho rằng, những lợi ích tiềm năng cho người dân trên lục địa nghèo nhất thế giới lớn hơn tác hại từ việc sản xuất và xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch.
"Chúng tôi có 600 triệu người ở châu Phi không có điện để dùng. Chúng tôi có hơn 900 triệu người ở châu Phi không được tiếp cận với các dạng năng lượng hiện đại để nấu ăn hoặc sưởi ấm trong nhà. Không có tiến bộ nào có thể đạt được trong bất kỳ xã hội nào mà không có sự đánh đổi", ông Omar Farouk Ibrahim, Tổng thư ký của Tổ chức các nhà sản xuất dầu mỏ châu Phi tuyên bố, và nhấn mạnh thêm rằng việc tăng cường khai thác và xuất khẩu khí đốt sẽ cải thiện đáng kể đời sống của người dân ở Lục địa đen.
Tuy nhiên, các nhóm vận động không tin rằng, người nghèo ở châu Phi sẽ có được bất kỳ lợi ích nào từ việc này.
“Lịch sử cho chúng ta cho thấy rằng... việc khai thác ở các nước châu Phi đã không dẫn đến sự phát triển", Thuli Makama, Giám đốc chương trình châu Phi tại Oil Change International nhấn mạnh.