Giản dị, niềm nở, mến khách là điều mà phóng viên ấn tượng với anh Phạm Phong Hải – Giám đốc Công ty TNHH Quang Nguyên Đà Lạt.
Dẫn phóng viên đi tham quan các phòng Lab bên trong khuôn viên hơn 1.500m2 của mình, anh Hải cho biết đang tập trung nhân lực để đáp ứng đơn hàng của các đối tác.
Là thạc sĩ ngành Sinh học, anh Hải đã tiếp cận, trực tiếp giảng dạy các kỹ thuật cũng như công nghệ của nuôi cấy mô invitro. Nhận thấy TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) là cái nôi phát triển rất mạnh ngành nuôi cấy mô, các kỹ thuật gần như đã trưởng thành, nhân lực đáp ứng đủ để phát triển được các Lab lớn.
Vì vậy, anh Hải đã quyết định dịch chuyển thành lập công ty để phát triển công việc thế mạnh của mình.
"Những ngày đầu bắt tay vào sản xuất giống invitro, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Sau thời gian nghiên cứu, tìm tòi và nâng cao năng lực sản xuất, cây giống do chúng tôi làm ra đã được thị trường đón nhận. Hiện nay, ngoài cung cấp giống theo đơn đặt hàng của người dân địa phương thì chúng tôi có hợp đồng nuôi cấy mô cho các đối tác tại Mỹ, Hà Lan cho các đối tác.
Do phải tuân thủ bản quyền nên quá trình sản xuất giống invitro rất nghiêm ngặt, không được để cây giống thất thoát, tuồn ra thị trường. Trong trường hợp dư thừa, không đưa vào sản xuất thì phải tiến hành hủy bỏ để nguồn giống của đối tác được bảo đảm", anh Hải chia sẻ.
Dẫn phóng viên tham quan các phòng lab, chị Nguyễn Thị Thu Dung – Trưởng nhóm sản xuất Công TNHH Quang Nguyên Đà Lạt cho biết: "Nuôi cấy mô là quá trình rất nghiêm ngặt, vì vậy để cây được phát triển tốt nhất, chúng tôi cần đảm bảo các điều kiện như sản xuất trong điều kiện vô trùng. Ngoài ra, đảm bảo cung cấp nhiệt độ, ánh sáng, môi trường phù hợp cho từng loại cây trong các phòng lab khác nhau.
Ngoài ra, khi các nhân viên vào phòng cấy cần phải vệ sinh chân tay thật sạch. Sau khi vào phòng cấy mô phải tiếp tục khử trùng bằng chất khử trùng".
Trao đổi với phóng viên, anh Hải cho hay, để có cây giống chất lượng cho người dân thì nguồn giống gốc rất quan trọng. Đây là trăn trở của ngành làm giống nói chung tại Việt Nam. Vì vậy, trong tương lai, công ty của anh Hải sẽ hướng đến việc mua bản quyền giống của các công ty nước ngoài nhằm cung cấp cây giống có chất lượng cho người dân.
Ngoài sự cố gắng của các doanh nghiệp thì rất cần sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, đặc biệt là Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng.
Đến nay, công ty của anh Phạm Phong Hải sản xuất và bán ra thị trường trong nước trên một triệu cây giống các loại như hoa đồng tiền, hoa cúc, dâu tây. Ngoài ra, anh hải cũng xuất khẩu khoảng 5 triệu cây giống các loại sang thị trường Mỹ, Hà Lan theo đơn đặt hàng nuôi cấy của đối tác.
"Trong thời gian sắp tới, tôi đang lên kế hoạch nâng cấp quy mô phòng lab, diện tích nhà xưởng để nâng cao năng lực sản xuất cây giống ra thị trường. Dự kiến, để năm 2026, chúng tôi sẽ sản xuất 10 triệu cây giống cho thị trường trong và ngoài nước", anh thạc sĩ Sinh học Phạm Phong Hải chia sẻ.
Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật thuộc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện nay Lâm Đồng là địa phương đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ sinh học, đặc biệt là công nghệ nuôi cấy mô (invitro) trong sản xuất giống cây trồng phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống invitro tại địa phương chưa mua được bản quyền các giống gốc mà phải thực hiện tuyển chọn các giống cây mẹ thông qua sản xuất thử nghiệm trên đồng ruộng.