Hợp tác xã (HTX) Phước An (xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh) là HTX chuyên sản xuất rau an toàn có tiếng ở TP.HCM. HTX hiện có 32 thành viên tham gia sản xuất. Hiện nhiều hộ gia đình tại các xã lân cận như Tân Nhựt, Hưng Long cũng liên kết canh tác, trồng theo quy trình rau an toàn VietGAP và cung cấp cho Phước An.
Ông Trần Văn Thích - Giám đốc HTX Phước An, nhận định chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp tại TP.HCM theo hướng nông nghiệp đô thị là phù hợp, tình hình sản xuất nông nghiệp cải thiện và hiệu quả nhiều so với trước đây.
“Chuyển đổi từ đất lúa sang trồng rau, các thành viên của HTX có thể canh tác, thu hoạch và cung cấp cho các kênh trường học, siêu thị, bếp ăn tập thể quanh năm. Nhờ vậy, thu nhập của người dân cao và ổn định hơn so với trồng lúa”, ông Thích nói.
Tuy nhiên, theo ông, điều trở ngại hiện nay của quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị là đất đai dành cho sản xuất ngày càng hẹp do đô thị hóa. Ngoài ra, huyện Bình Chánh không nằm trong nhóm các huyện thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp. Vì vậy, dù rất muốn nhưng HTX không thể đầu tư xây dựng thêm các công trình, hạng mục như nhà lưới phục vụ sản xuất.
Giám đốc HTX Phước An Trần Văn Thích đề nghị để chính sách chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị của TP.HCM hiệu quả hơn, cần thiết mở rộng cho phép thực hiện thí điểm xây dựng trên đất nông nghiệp tại Bình Chánh, bởi cùng với HTX Phước An, trên địa bàn huyện Bình Chánh, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp khác cũng gặp tình trạng tương tự.
Hội Nông dân huyện Bình Chánh đã đề xuất TP.HCM cần sớm có chủ trương giúp nông dân chuyển mục đích đất nông nghiệp khác để mở rộng diện tích xây dựng nhà màng, nhà lưới, nhà sơ chế, nhà chứa vật tư nông nghiệp, nhà trồng nấm, văn phòng HTX để hỗ trợ ngành nông nghiệp đang đi theo hướng nông nghiệp đô thị.
Không chỉ tại huyện Bình Chánh, nhiều doanh nghiệp, HTX nông nghiệp tại TP.Thủ Đức đang đi theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao cũng có đề xuất tương tự.
Theo các chủ thể sản xuất, quá trình canh tác gặp phải thời tiết thất thường, dịch bệnh, sâu bọ phá hoại cây trồng. Do vậy, cần thiết mở rộng việc thực hiện thí điểm xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác và phi nông nghiệp khác để hỗ trợ nông dân.
Theo Sở NNPTNT TP.HCM, hiện UBND TP.HCM đang cho phép thực hiện thí điểm xây dựng trên đất nông nghiệp tại 3 huyện Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ. Theo đó, cho phép xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp không phân biệt chức năng sử dụng đất theo quy hoạch được duyệt.
Kết quả, các huyện đã tiếp nhận 70 hồ sơ (huyện Củ Chi có 62 hồ sơ, Cần Giờ có 8 hồ sơ), đã giải quyết 66 hồ sơ (huyện Củ Chi 61 hồ sơ, Cần Giờ 5 hồ sơ).
Sở NNPTNT TP.HCM cũng xác nhận thực tế nhiều doanh nghiệp, người dân tại hai huyện còn lại là Bình Chánh, Hóc Môn và các quận còn sản xuất nông nghiệp như TP.Thủ Đức, quận 12 gặp khó khăn khi xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao như nhà lưới, chuồng trại chăn nuôi, nhà kho để vật tư, nông sản, nhà sơ chế, chế biến sản phẩm… khi có nhu cầu đầu tư sản xuất.
Hạn chế này cũng được lãnh đạo Sở NNPTNT TP.HCM đề cập trong báo cáo gửi HĐND, UBND TP về việc tổng kết, đánh giá hiệu quả của Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND quy định chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017-2021.
Vì vậy, theo Sở NNPTNT TP.HCM, người dân, doanh nghiệp mong muốn TP mở rộng thực hiện xây dựng trên đất nông nghiệp ra hai huyện Bình Chánh, Hóc Môn và các quận còn sản xuất nông nghiệp (TP.Thủ Đức, quận 12) nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân khi có nhu cầu đầu tư sản xuất.