Nông dân TP.HCM làm giàu nhờ chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị

Uyên Nhi Thứ năm, ngày 10/11/2022 21:30 PM (GMT+7)
Chính sách hỗ trợ vốn chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM đã khuyến khích nông dân mạnh dạn chuyển đổi. Nhiều nông dân đã làm giàu khi được trợ vốn trồng mai, hoa lan, rau an toàn, nuôi cá Koi…
Bình luận 0

Nghị quyết 10/2017 về chính sách hỗ trợ vốn, khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM và Nghị quyết 06/2021 kéo dài thời gian thực hiện chính sách này đã hỗ trợ đắc lực cho ngành nông nghiệp TP.HCM.

Trợ vốn cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực

TP.HCM xác định 6 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn hiện nay là rau an toàn, tôm, heo, bò sữa, hoa lan - cây kiểng và cá cảnh. Đây cũng là nhóm sản phẩm nông nghiệp được TP.HCM xác định góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn.

Nông dân TP.HCM làm giàu nhờ chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị - Ảnh 1.

Rau an toàn là 1 trong 6 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị tại TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc

Theo thống kê của Sở NNPTNT TP.HCM, từ đầu năm 2019 đến nay, UBND các quận huyện, thành phố đã phê duyệt phương án vay vốn có hỗ trợ lãi vay đối với nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP gồm tôm, heo, hoa lan cây kiểng, bò sữa, rau an toàn và cá cảnh với tổng cộng 623 lượt vay (chiếm tỷ lệ gần 78%).

Tổng vốn đầu tư cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gần 945 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ gần 70%), tổng vốn vay gần 550 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 72,49%). Bình quân vốn đầu tư trên mỗi phương án hơn 1,5 tỷ đồng, còn bình quân vốn vay trên mỗi phương án là 882 triệu đồng.

Sở NNPTNT TP.HCM đánh giá kiểm tra thực tế cho thấy chính sách đã góp phần quan trọng giúp nhiều hộ dân chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả từ trồng múa, trồng mía năng suất thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi khác cho giá trị kinh tế cao hơn.

Cụ thể, cá chép Koi đạt lợi nhuận trung bình 50% (doanh thu bình quân đạt 10-15 tỷ đồng/ha/năm); hoa lan mokara cho lợi nhuận trung bình 50% doanh thu (doanh thu bình quân đạt 2 tỷ đồng/ha/năm); tôm cho lợi nhuận khoảng 30% doanh thu (doanh thu bình quân đạt 1,6-3 tỷ đồng/ha/vụ); hoa mai đạt lợi nhuận trung bình 50% doanh thu (doanh thu bình quân đạt 2 tỷ đồng/ha/năm).

Nông dân TP.HCM làm giàu nhờ chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị - Ảnh 3.

Những "nông dân tỷ phú" tại làng mai vàng Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc

Từ chuyển đổi mô hình canh tác theo hướng nông nghiệp đô thị, có thêm trợ lực về vốn, nông dân nhiều huyện ngoại thành đã mạnh dạn đầu tư. Câu lạc bộ "nông dân tỷ phú" với lợi nhuận từ 1 tỷ đồng mỗi năm từ các mô hình nuôi cá Koi, trồng hoa mai vàng tại huyện Bình Chánh, trồng hoa lan, trồng rau công nghệ cao tại Hóc Môn, nuôi tôm tại Cần Giờ… ngày càng nhiều thành viên.

Bà Phan Thị Thanh Công - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, nhận định hai mô hình nuôi cá Koi và trồng mai vàng trên địa bàn xã cho thấy hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị. Nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư, vay vốn ưu đãi của chính sách chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, thu nhập tăng mạnh so với trồng lúa, trồng mía, nuôi cá thịt trước đây.

Tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị

Năm 2021, giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của TP.HCM như: rau, hoa, cây kiểng; heo, bò; tôm, cá cảnh… đạt gần 12.445 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 66,6% so với tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp. Điều này cho thấy định hướng phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực là hướng đi đúng của TP.HCM trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị.

Nông dân TP.HCM làm giàu nhờ chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị - Ảnh 4.

Ngành nông nghiệpTP.HCM đang chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất giống cây trồng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Đại diện Sở NNPTNT TP.HCM đánh giá đất sản xuất nông nghiệp tại TP.HCM ngày càng bị thu hẹp do quá trình độ thị hóa. Ngành nông nghiệp thành phố phải chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất giống cây trồng. 

Đồng thời, giảm diện tích trồng lúa, mía, muối hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện của thành phố như rau, hoa kiểng, heo, bò thịt, tôm, cá cảnh, chim yến… Đây là hướng đi tất yếu để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp đô thị, tập trung phát triển nhóm 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, phát triển sản xuất giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. 

Đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp kiến nghị TP.HCM cần hỗ trợ về vốn vay để đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, ban hành các chính sách phù hợp về xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ về xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu để chương trình ngày càng đạt hiệu quả hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem