Hàng chục nhà lãnh đạo thế giới và nhiều quan chức khác đang đổ dồn về Bali để dự Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào ngày 15-16/11, theo Reuters. Điều này làm dấy lên hy vọng ngành du lịch của hòn đảo sẽ khởi sắc sau thời gian dài ảm đạm.
Theo AP, du lịch là nguồn thu nhập chính trên hòn đảo 4 triệu dân này. Do đó, đại dịch Covid-19 phần nào ảnh hưởng tới Bali nặng nề hơn so với hầu hết khu vực khác của Indonesia.
Trước đại dịch, mỗi năm Bali đón 6,2 triệu người nước ngoài. Khung cảnh du lịch sôi động tại đây dần phai nhạt sau khi Indonesia ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên vào tháng 3/2020. Từ đó, nhiều nhà hàng và khu nghỉ dưỡng đóng cửa, trong khi nhiều nhân viên quay trở lại làng để kiếm sống.
Năm 2020, lượng khách du lịch sụt giảm còn 1 triệu người. Hơn 92.000 người làm việc trong lĩnh vực du lịch bị mất việc. Tỷ lệ lấp đầy các phòng khách sạn ở Bali giảm xuống dưới 20%. Cùng năm, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Bali giảm 9,3% so với một năm trước đó, và tiếp tục sụt gần 2,5% vào năm 2021.
“Covid-19 đã tác động khủng khiếp đến nền kinh tế địa phương. Bali là khu vực sụt giảm kinh tế nghiêm trọng nhất”, Dewa Made Indra - quan chức khu vực tỉnh Bali - chia sẻ.
Giữa năm 2020, Bali mở cửa chào đón du khách nội địa. Tuy nhiên, khi số ca mắc Covid-19 tăng vọt vào tháng 7/2021, hình ảnh bãi biển và đường phố nhộn nhịp tại hòn đảo này lại một lần nữa biến mất. Giới chức hạn chế các hoạt động công cộng, đóng cửa sân bay và tất cả nhà hàng, quán bar và địa điểm thu hút khách du lịch.
Khi đó, nguồn khách du lịch sụt giảm khiến những con khỉ ở trên hòn đảo không còn đồ ăn yêu thích như chuối, đậu phộng,... Chúng đã tìm cách đột nhập vào nhà dân làng để tìm kiếm thức ăn.
Một tháng sau đó, đảo lại mở trở lại. Tuy nhiên, trong cả năm 2021, chỉ có 51 khách du lịch nước ngoài tới thăm.
Hiện tại, tình hình đang theo chiều hướng khả quan. Các cửa hàng và nhà hàng ở Nusu Dua - khu nghỉ mát diễn ra cuộc họp G20 - và ở các thị trấn như Sanur và Kuta đã mở cửa trở lại, mặc dù nhiều doanh nghiệp và khách sạn vẫn đóng cửa hoặc thu hẹp hoạt động.
Ông Dewa nhận định việc mở cửa lại sân bay Bali cho các chuyến bay quốc tế, cùng với hàng nghìn người tới tham dự G20 và các sự kiện liên quan thắp sáng hy vọng về sự chuyển mình mạnh mẽ hơn của hòn đảo. Tính đến tháng 10, hơn 1,5 triệu khách du lịch nước ngoài và 3,1 triệu khách nội địa đã ghé thăm Bali.
Với nỗ lực hướng tới các mô hình du lịch bền vững, Bali triển khai chương trình thị thực du lịch kỹ thuật số, có tên “second home visa” (tạm dịch: Thị thực tại quê hương thứ 2) và có hiệu lực trong tháng 12 tới, theo South China Morning Post.
Dẫu vậy, cần có thời gian để lĩnh vực du lịch tại Bali phục hồi, ngay cả khi giới chức đã kiểm soát được Covid-19.
Gede Wirata từng phải sa thải gần như toàn bộ 4.000 nhân viên trong các khách sạn, nhà hàng, câu lạc bộ và du thuyền du lịch trong khoảng thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất. Hiện tại, khi công ty cần tuyển dụng họ trở lại, nhiều người đã tìm được việc làm nước ngoài hoặc trong các doanh nghiệp du lịch khác.
G20 là điểm sáng đáng thúc đẩy hoan nghênh. “Đây là cơ hội để chúng tôi vực dậy sau cú ngã”, anh nói.
Wayan Willy - người điều hành công ty du lịch ở Bali cùng một số người bạn - cho biết: “Tình hình vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, nhưng dù thế nào đi nữa, cuộc sống vẫn tiếp diễn”.
Trước đại dịch, hầu hết khách là người nước ngoài. Bây giờ chủ yếu là khách nội địa, nhưng số lượng cũng rất ít.
Trong quá khứ, Bali đã phải hứng chịu nhiều đau thương, trong đó phải kể tới vụ đánh bom liều chết ở thị trấn bãi biển Kuta hồi năm 2002. Sự kiện này đã khiến 202 khách du lịch nước ngoài thiệt mạng, tàn phá du lịch trên hòn đảo thường được biết đến với vẻ yên bình và thanh bình.
Những trận mưa xối xả gần đây kéo theo lũ lụt và sạt lở đất ở một số khu vực, tạo thêm gánh nặng cho cộng đồng đang xây dựng lại các cơ sở kinh doanh du lịch.
Khi tình hình bắt đầu cải thiện, Yuliani Djajanegara đã trở lại làm việc.
Chị là người điều hành doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng làm đẹp truyền thống như dầu massage, xà phòng tự nhiên và các sản phẩm trị liệu bằng hương thơm với thương hiệu Bali Tangi.
Chị phải đóng cửa nhà máy hồi năm 2020, khi chị mất các đơn đặt hàng từ khách sạn, spa và thẩm mỹ viện ở Mỹ, châu Âu, Nga và Maldives. Trước đây, các đơn hàng của chị từng lên tới 1.000 kg.
Djajanegara đã thuê lại 15 trong số 60 nhân viên mà chị buộc phải sa thải hồi dịch Covid-19 hoành hành.
Chị hy vọng, nhưng cũng thận trọng trước tình hình hiện tại. “Du lịch tại Bali giống như lâu đài cát”, Djajanegara nói. "Đẹp, nhưng có thể bị sóng cuốn trôi".