Dân Việt

Gói bánh tét truyền thống miền Tây, một chị nông dân Cà Mau tự tạo việc làm, có thu nhập đều quanh năm

Từ hơn 3 năm qua, chị Bùi Thị Loan, ở ấp 4, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đã mạnh dạn thực hiện mô hình phát triển kinh tế gia đình từ nghề gói bánh tét truyền thống của ông bà, cha mẹ truyền lại.

Từ nghề gói bánh tét truyền thống, chị Loan đã tự tạo được việc làm tại chỗ, với mức thu nhập tương đối khá, kinh tế gia đình ngày một ổn định, vươn lên.

Gia đình chị Bùi Thị Loan, ở ấp 4, xã Khánh Lâm, huyện U Minh có 2 nhân khẩu, không đất sản xuất, trong nhà không ai có nghề nghiệp ổn định. 

Những năm trước đây, hàng ngày vợ chồng chị phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống. Những năm gần đây, cả 2 vợ chồng chị Loan đã lớn tuổi, sức khỏe yếu, thường hay bệnh tật nên không làm được những công việc nặng nhọc. 

Gói bánh tét truyền thống miền Tây, một chị nông dân Cà Mau tự tạo việc làm, có thu nhập đều quanh năm - Ảnh 1.

Chị Bùi Thị Loan, ở ấp 4, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau (bên trái) nhờ nghề gói bánh tét bán mà tự tạo việc làm, thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình.

Hàng ngày, vợ chồng chị không làm gì có tiền, thỉnh thoảng các con đã có gia đình riêng mỗi người gửi cho một ít nên cuộc sống hai vợ chồng chị lúc nào cũng khó khăn, túng thiếu và sống rất chật vật. 

Sau thời gian suy nghĩ và sẵn biết nghề gói bánh tét truyền thống của ông bà, cha mẹ truyền lại, từ năm 2019, chị Loan quyết định thực hiện mô hình gói bánh tét để bán tại nhà nhằm tự tạo việc làm tại chỗ, giúp khuây khỏa lúc tuổi già và kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.

Lúc mới ra nghề, vợ chồng chị Loan chỉ gói với số lượng ít, mỗi ngày khoảng 15 đến 20 đòn bánh tét để bán cho bà con trong xóm ấp. 

Thấy hoàn cảnh khó khăn của vợ chồng chị và quan trọng hơn là chất lượng bánh chị gói ăn rất thơm ngon nên ngày càng được nhiều bà con trong xóm ấp và người đi đường ghé mua ủng hộ. Từ đó đến nay, ngày nào vợ chồng chị Loan cũng gói bánh tét bán và mỗi ngày gói với số lượng nhiều hơn, nên lời cũng cao hơn.

Gói bánh tét truyền thống miền Tây, một chị nông dân Cà Mau tự tạo việc làm, có thu nhập đều quanh năm - Ảnh 2.

Bình quân mỗi ngày, chị Loan gói khoảng 40 đòn bánh tét để bán.

Chị Loan cho biết, sống trên vùng đất U Minh nguyên liệu để gói bánh tét như chuối sứ, chuối xiêm, gạo nếp, lá chuối, dây buộc, củi luộc bánh là tương đối dễ tìm và có giá mua tương đối rẻ. 

Sẵn có cái nghề truyền thống gói bánh tét trong tay nên chị Loan mới nảy sinh ra mô hình gói bánh tét để bán tại nhà nhằm tự tạo việc làm tại chỗ, giúp tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. 

Lúc đầu, tuy gặp đôi chút khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm nhưng nhờ chất lượng bánh thơm ngon nên ngày càng được nhiều bà con trong xóm ấp và người đi đường ghé mua, ủng hộ. Nhờ đó, mô hình gói bánh tét để bán tại nhà của vợ chồng chị Loan đã từng bước phát triển ổn định, vươn  lên.

Trong quá trình thực hiện mô hình gói bánh tét để bán của mình, hàng ngày ông xã chị Loan tranh thủ thời gian rảnh chạy xe máy đến tận các vườn chuối trong xóm, ấp để mua chuối trái với giá rẻ và xin róc (cắt) lá chuối về làm nguyên liệu gói bánh nhằm giảm bớt chi phí và nâng cao lợi nhuận. 

Trung bình mỗi ngày chị Loan gói khoảng 40 đòn bánh tét để bán. Riêng vào dịp giáp Tết Nguyên đán, Thanh minh hàng năm, mỗi ngày chị Loan gói từ 70 đến 100 đòn bánh tét. Trong đó, khoảng một nửa số bánh là nhân chuối và một nửa số bánh là nhân mỡ. 

Ngoài ra, chị Loan còn nhận gói bánh tét bán cho những hộ gia đình tổ chức đám giỗ khi có nhu cầu. Mỗi đòn bánh tét, chị Loan bán với giá 30.000 đồng. Nhờ nguồn nguyên liệu dồi dào và sẵn có ở địa phương nên việc gói bánh tét để bán của chị Loan cũng có lời hơn so với nhiều nơi khác. Từ nghề gói bánh tét này, bình quân mỗi tháng gia đình chị Loan có thu nhập từ 7 đến 8 triệu đồng. Nhờ đó, kinh tế gia đình chị ngày một ổn định hơn. 

Chị Loan cho biết: “Nguyên liệu gói bánh tét gồm gạo nếp, chuối sứ chín, đậu xanh, dừa, thịt mỡ, nếp, lá chuối, dây buộc. Tuy nhiên, để gói được những đòn bánh tét đẹp, thơm ngon, người làm bánh phải có kinh nghiệm, khéo tay, biết cách gói, biết chọn lựa nếp dẽo, thịt mỡ ngon, chuối sứ phải chín muồi, đậu xanh được đãi sạch vỏ, lá chuối gói phải tươi, không rách rời. Khi luộc phải canh lửa vừa phải. Từ lúc đem vào nồi luộc đến khi bánh chín khoảng 6 đến 7 giờ đồng hồ. Khi thấy bánh chín vớt ra và đem treo lên sào cho khô nước thì bánh ăn mới ngon và ít bị dính”.

Gói bánh tét truyền thống miền Tây, một chị nông dân Cà Mau tự tạo việc làm, có thu nhập đều quanh năm - Ảnh 3.

Chị Loan đang luộc bánh.

Ngoài tự tạo việc làm tại chỗ cho các thành viên trong gia đình, vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, Thanh minh hàng năm, hoặc những lúc khách hàng đặt mua bánh với số lượng nhiều, mỗi ngày chị phải thuê mướn thêm từ 3 đến 4 lao động nữ nhàn rỗi ở địa phương đến phụ giúp việc gói bánh để kịp giao cho khách hàng. 

Mỗi ngày, 1 lao động nữ trong xóm ấp đến phụ giúp gói bánh và được chị Loan  trả tiền công từ 150.000 đến 200.000 đồng. Nhờ gói bánh tét bán mà những năm gần đây, kinh tế gia đình chị Loan từng bước được cải thiện và góp phần duy trì và phát triển nghề gói bánh tét truyền thống ở địa phương. 

Chị Trần Thị Mai, người ở cùng ấp với chị Loan nhận xét: “Bánh tét của gia đình chị Loan gói ăn rất ngon, hương vị không thua kém gì bánh tét ở những cơ sở nổi tiếng khác. 

Bánh khi ăn có mùi vị thơm ngon, nếp dẽo. Nhiều hộ dân trong xóm ấp mỗi khi có đám giỗ đến đặt mua vài chục, thậm chí cả trăm đòn để trước cúng ông bà, cha mẹ, sau là đãi khách”.

Nhờ cần cù, chịu khó, chí thú làm ăn và biết tự tạo việc làm tại chỗ cho mình, giờ đây, gia đình chị Bùi Thị Loan, ở ấp 4, xã Khánh Lâm, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) vượt qua cảnh nghèo khó, từng bước vươn lên trong cuộc sống. Chị Loan là một tấm gương điển hình trong vượt khó, thoát nghèo từ nghề truyền thống ở địa phương.