Dân Việt

Gỡ khó thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nội dung việc làm

Thùy Anh - Cao Oanh 16/11/2022 07:35 GMT+7
Một trong những hợp phần quan trọng trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững là thực hiện tạo việc làm cho lao động là người nghèo. Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) đang thực hiện nhiều giải pháp để triển khai chương trình này.

Hội nghị Triển khai thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2025 trong lĩnh vực việc làm. VD: Cao Oanh.

Hỗ trợ tạo việc làm cho lao động đi làm việc ở nước ngoài để giảm nghèo 

Vừa qua, Cục việc làm phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) tổ chức Hội nghị Triển khai thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2025 trong lĩnh vực việc làm.

Đây là hội nghị nhằm triển khai các hoạt động thuộc tiểu dự án 4.2 về tạo việc làm và Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và tiểu dự án 4.3, hỗ trợ việc làm bền vững của chương trình. Tham gia hội nghị có lãnh đạo sở LĐTBXH, trung tâm dịch vụ việc làm thuộc 40 tỉnh thành phía Bắc.

giảm nghèo bèn vững

Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) phát biểu tại Hội nghị

Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục việc làm (Bộ LĐTBXH) thời gian qua Cục việc làm, Bộ LĐTBXH đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ kết nối tạo việc làm cho người lao động, nhất là lao động nghèo, người dân tộc thiểu số.

Ông Bình cho rằng mục tiêu của giảm nghèo là đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống... Để thực hiện mục tiêu này Việt Nam cần nâng cao chất lượng việc làm cho người lao động tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo.

Để thống nhất trong hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động của Tiểu dự án 4.2. Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Tiểu dự án 4.3. Hỗ trợ việc làm bền vững của Chương trình, Cục Việc làm phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước tổ chức “Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 (lĩnh vực việc làm)”. Mục tiêu của Hội nghị này nhằm hướng dẫn thực hiện các hoạt động của Tiểu dự án 4.2 và Tiểu dự án 4.3.

Ông Bình cũng cho biết ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có Tiểu dự án 4.3. là hỗ trợ việc làm bền vững với mục tiêu cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động; Tiểu dự án 4.2 với mục tiêu đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ hoạt động đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững, nhất là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo

Nhiều chính sách hỗ trợ lao động nghèo đi làm việc ở nước ngoài

Bà Nguyễn Tố Hằng - Đại diện cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết nhiều năm qua lao động nghèo đã được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài để tạo việc làm bền vững. Đặc biệt, lao động nghèo hoặc cư trú trên các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.... sẽ được hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.

Đối tượng thụ hưởng là những người thuộc hộ nghèo; lao động đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, các lao động khi đi làm việc ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề; tiền ăn ở; tiền sinh hoạt phí....

Cụ thể hỗ trợ tiền học tiếng là 4 triệu đồng/người/1 khóa, tiền ăn 50 nghìn đồng/người/ngày; hỗ trợ tiền ở là 400 nghìn đồng/1 người/khóa học.

Lao động cận nghèo, hộ mới thoát nghèo cũng được hỗ trợ, nhưng mức hỗ trợ thấp hơn, chỉ bằng 70% so với hộ nghèo.

Ngoài các đối tượng trên, những lao động khác sống tại huyện nghèo cũng được hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ, hỗ trợ tiền ăn... Mức hỗ trợ tối đa bằng 50% so với các nhóm đối tượng trên.

giảm nghèo bền vững

Lao động nghèo sẽ được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm. ẢnhT.V

Bà Hằng thông tin thêm: "Trước đây lao động huyện nghèo được hỗ trợ theo Quyết định 71, tuy nhiên đến nay chương trình này đã kết thúc. Hiện nay lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn được hỗ trợ vay vốn theo Quyết định 74. Theo đó, lao động được vay 100% chi phí để đi lao động ở nước ngoài".

Trước câu hỏi của Trưởng phòng Lao động việc làm (Sở LĐTBXH tỉnh Hà Giang) về việc lao động đi làm việc thời vụ ở Hàn Quốc có thuộc diện được hỗ trợ theo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo không?, bà Hằng chia sẻ thêm:

"Chương trình đưa lao động đi làm việc thời vụ chỉ phải ký quỹ là 36 triệu đồng (thấp hơn chương trình EPS là 64 triệu đồng). Hiện Bộ có công văn 2188, đưa lao động đi làm việc thời vụ tại các nước. Ưu tiên cho lao động thu hồi đất, lao động cận nghèo.... Có thể sử dụng nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo haowjc chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số để hỗ trợ lao động. Nhưng khoản ký quỹ sẽ không được hỗ trợ vay vốn ưu đãi bởi vì khoản ký quỹ này lao động sẽ được nhận lại sau khi kết thúc thời gian đi làm việc ở nước ngoài. Khoản ký quỹ này cũng không được tính là chi phí đi làm việc vì thế không được hỗ trợ. Riêng chương trình EPS (Đưa lao động đi làm việc theo chương trình việc làm công giá rẻ ký 2 chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc) thì chính phủ có nghị quyết riêng liên quan tới việc ký quỹ này.

Trả lời thêm về thắc mắc của đại diện Sở LĐTBXH tỉnh Hà Giang, bà Hằng cho biết, Thông tư 21 quy định mức trần ký quỹ tối đa với lao động đi làm việc thời vụ là 36 triệu đồng, trừ chương trình EPS. Mức ký quỹ tối đa với lao động đi theo EPS là 100 triệu đồng, tuy nhiên đây chỉ số tiền ký quỹ, lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài về nước sẽ được hoàn trả.

Kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục việc làm (Bộ LĐTBXH) cho biết, thời gian này Cục và các địa phương đang xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin theo hướng, đồng bộ, thông suốt, linh hoạt.

Hiện từng bước kết nối cơ sở dữ liệu lao động với Bộ Công an để số hóa quản lý lao động. Nếu chúng ta làm được thì chúng ta sẽ thay đổi toàn bộ cách thức tiếp cận người lao động, doanh nghiệp nói riêng và thị trường lao động nói chung. Đây là cơ sở dữ liệu tốt để thực hiện mục tiêu giải quyết, tạo việc làm nói chung trong đó có hoạt động tạo việc làm trong Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. 

Sau Hội nghị này Cục Việc làm sẽ tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, đề xuất, quyết tâm tháo gỡ khó khăn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, nội dung về việc làm. Ông Bình cũng đề nghị các địa phương tích cực triển khai, bám sát tài liệu để thực hiện chương trình hiệu quả.