Hình hài cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết: Nguồn: Ngọc Hải
Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99 km được chia thành 4 gói thầu với quy mô mặt đường hơn 32 m, quy mô 6 làn xe, vận tốc 120 km/h. Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, gồm cả chi phí xây dựng, thiết bị, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư...
Tuyến cao tốc này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận và các vùng lân cận. Khi hoàn thành, hành trình từ TP.HCM đến trung tâm du lịch Phan Thiết - Mũi Né được rút ngắn một nửa, còn 2-2,5 tiếng. Cao tốc sẽ kết nối với sân bay Long Thành.
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết nằm trong 4 tuyến thuộc "Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc phía Đông giai đoạn 2017-2020" cùng với các đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt tại gói thầu số 4 do liên danh nhà thầu Tổng công ty Thăng Long - CTCP và Tổng công ty xây dựng công trình giao thông số 6 với chiều dài 16 km đi qua TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai đã hiện rõ hình hài tuyến đường.
Các đơn vị thi công đang huy động thêm hàng trăm thiết bị máy móc, nhân lực để tiến hành trải thảm một số đoạn đường đã cơ bản hoàn thành, giải phân cách giữa cao tốc cũng đang được khẩn trương lắp đặt.
Tại vị trí đấu nối với gói thầu số 3 các đơn vị đang khẩn trương san gạt đắp nền dự kiến sang tuần sẽ bắt đầu lu nền phối cấp đá để tiến hành trải thảm nhựa cho tuyến đường này. Liên danh nhà thầu cũng đang tiến hành đắp nền đầu nối cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết với cao tốc TP.HCM - Long Thành.
Trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết: "Dự án bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 nên tiến độ có phần bị chậm. Cùng với đó, dự án còn bị tác động bởi điều kiện thời tiết mưa nhiều kéo dài và khan hiếm nguồn cung vật liệu".
"Đặc biệt, có những giá vật liệu tăng cao như: Thép tăng từ 30%-40%, ximăng tăng từ 20%-25%; đá xây dựng tăng từ 40%-50%…", đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long cho hay.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long, gói thầu số 4 đáp ứng đúng tiến độ đề ra và sẽ kịp để hoàn thành thông xe kỹ thuật trước ngày 31/12/2022. Tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận và các vùng lân cận.
"Khi hoàn thành, hành trình từ TP.HCM đến trung tâm du lịch Phan Thiết - Mũi Né được rút ngắn một nửa, còn 2 - 2,5 tiếng. Cao tốc sẽ kết nối với sân bay Long Thành", đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long cho hay.