Bà luôn xem học sinh ở đây như con cháu trong gia đình, ân cần lo lắng từ việc dạy chữ đến dạy làm người, tặng gạo, nhu yếu phẩm, thiết thực lan tỏa tinh thần đùm bọc, sẻ chia trong cộng đồng.
Chúng tôi gặp cô giáo Nguyễn Thị Ba tại Trung tâm Văn hóa Thể thao-Học tập cộng đồng phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một. Dáng người nhỏ nhắn, làn da, mái tóc đã nhuốm màu thời gian, nhưng gương mặt của bà luôn nở nụ cười và bừng sáng một nguồn năng lượng tích cực. Dù 17 giờ mới bắt đầu lớp học nhưng bà thường đến sớm để giúp các nhà hảo tâm chuẩn bị bữa ăn miễn phí cho học sinh trước giờ học, cũng như hỏi thăm tình hình gia đình, sẵn sàng hỗ trợ, chỉ dẫn những học sinh hỏi lại bài học hôm trước. Mọi người ở trung tâm đều dành cho bà tên gọi trìu mến là "cô Ba".
Vốn học ngành sư phạm, cô Ba đã gắn bó với nghề giáo từ năm 1970 đến năm 2003 ở mảnh đất Bình Dương. Trước khi nghỉ hưu, cô Ba dạy ở Trường Tiểu học Tương Bình Hiệp (TP Thủ Dầu Một). Dù về nghỉ hưu nhưng cô Ba vẫn tham gia bán vé số để kiếm thêm thu nhập. Chia sẻ cái duyên đến với lớp học tình thương tại phường Phú Cường, cô Ba tâm sự: "Trong quá trình tham gia các chuyến từ thiện, tôi có nghe nhắc về lớp học tình thương này đang thiếu giáo viên. Đặc biệt, khi đi bán vé số, tôi gặp trường hợp các cháu còn nhỏ tuổi phải đi bán vé số do nhà nghèo nên thương lắm. Tôi nghĩ, mình còn khỏe, có nghề dạy học thì cần giúp các em, các cháu có được cái chữ để có cơ hội phát triển tốt hơn".
Tháng 4/2016, cô Ba đến lớp học tình thương xin dạy học miễn phí cho học sinh và được Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Phú Cường - đơn vị quản lý lớp học hoan nghênh tiếp nhận. Sau 13 năm nghỉ hưu, cô Ba trở lại bục giảng dù lớp học ở đây đơn sơ, vỏn vẹn 15m2 nhưng giàu tình nhân ái. Mọi người trân quý cô giáo Ba khi hằng ngày dù vẫn phải đi bán vé số trên các tuyến đường, nhưng cuối giờ chiều vẫn quay về đứng lớp để dạy chữ cho học sinh nghèo. Lớp học hiện có 25 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, chủ yếu là con công nhân lao động nghèo không có điều kiện đi học hoặc do bị mất hết giấy tờ tùy thân... Người nhỏ nhất khoảng 8 tuổi, lớn nhất thì đã 16 tuổi, trong đó, có vài học sinh đi bán vé số được cô Ba vận động gia đình đưa vào lớp học này.
Chia sẻ thêm về việc giảng dạy, cô Ba cho biết: "Do chỉ có một phòng học nên tôi phân học sinh theo các cụm ngồi từ lớp 1 đến lớp 5. Mỗi lớp sẽ có giáo án, phương pháp dạy riêng. Tùy vào từng cấp độ của mỗi học sinh, tôi trực tiếp hướng dẫn riêng từng em trong mỗi buổi học". Do dạy ở đây đã lâu nên hầu hết tính tình, khả năng học tập của từng học sinh, cô Ba đều nắm rõ để chỉ dẫn, uốn nắn từng em. "Lớp học từ 17 giờ đến 19 giờ từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. Trước đây, tôi đứng lớp cả tuần nhưng từ tháng 10/2022 đến nay, tôi chỉ dạy các ngày thứ hai, tư và sáu. Lý do là tôi mới bình phục sau khi bị tai nạn hồi tháng 9/2022 và lớp học cũng đón thêm một số tình nguyện viên đến hỗ trợ nên phần việc của tôi được giảm bớt" - cô Ba bộc bạch.
Bên cạnh dạy chữ, cô Ba luôn chú trọng dạy đạo đức làm người cho học sinh của mình đúng tinh thần "Tiên học lễ, hậu học văn". Trên thực tế, nhìn các học sinh lễ phép, ăn cơm xong biết dọn dẹp bàn ghế gọn gàng, xếp hàng ngay ngắn trước khi vào lớp, học tập trật tự và đặc biệt lễ phép chào hỏi mỗi khi gặp người khác chính là trái ngọt do tấm lòng của cô Ba uốn nắn thời gian qua. Trò chuyện với chúng tôi, học sinh trong lớp đều dành tình cảm sâu sắc với cô Ba. Các em luôn xem cô Ba như người mẹ, người bà của mình. Từ chỗ chưa nhận thức về tương lai, qua sự dạy dỗ của cô Ba, các em xác định được ước mơ cho riêng mình và quyết tâm trong học tập. Mỗi học sinh đều mong muốn sẽ trưởng thành, có việc làm để giúp đỡ gia đình và có thể giúp những hoàn cảnh khó khăn xung quanh.
Trong lớp học tình thương có em Doãn Thị Yến Nhi (16 tuổi, ngụ phường Phú Cường), được cô Ba thường xuyên quan tâm bởi Yến Nhi đang sống với bà nội lớn tuổi, bố mẹ thì đã bỏ đi địa phương khác. Từ chỗ không biết đọc, biết viết, nay Yến Nhi đã học lên lớp 5. Em rất chịu khó học tập, giúp bà nội bán xôi hằng ngày để kiếm thu nhập. Nhi tâm sự: "Em cảm nhận được ở cô Ba sự tận tâm, lòng yêu thương bao la, chỉ dạy em và các bạn từng cái nhỏ nhất. Cô dạy em dù hoàn cảnh khó khăn nhưng phải biết nỗ lực vươn lên. Em mong sau này sẽ có công việc ổn định để đỡ đần bà nội và có điều kiện trở lại giúp cô Ba chăm lo cho các em học sinh".
Anh Phạm Minh Cường, Phó bí thư Đoàn phường Phú Cường, phụ trách quản lý lớp học cho biết: "Khi cô Ba đến với lớp học này, chúng tôi rất mừng vì cô có chuyên môn giỏi, tận tâm trong công việc và luôn dành yêu thương cho các em. Điều chúng tôi cảm phục ở cô Ba chính là dù cuộc sống còn khó khăn khi còn đang ở trọ, nhưng cô đã dành tiền bán vé số, lương hưu hỗ trợ học sinh hằng tháng và giúp đỡ một số phụ huynh khó khăn. Từ nghĩa cử ấy, Đoàn phường cũng tích cực vận động nhà hảo tâm hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập để giúp các em được học tập đầy đủ".
Ngoài hỗ trợ mỗi học sinh 5kg gạo/tháng, cô Ba còn trích tiền bán vé số để mua quà hay giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn trong lớp. Dịp lễ, tết hay động viên những cố gắng, điểm giỏi của học sinh, cô Ba đều dành tặng những phần quà từ chính lương hưu của mình. Cô Ba còn vận động nhà hảo tâm tặng thêm học sinh các bộ đồng phục. Nói về điều còn trăn trở, cô Ba cho biết, đó là vẫn còn những trường hợp đã đến lớp học tình thương rồi nhưng vì lý do quá khó khăn phải nghỉ học để đi lao động hoặc chuyển đi địa phương khác.
Trước khi đến dạy ở lớp học tình thương, cô giáo Nguyễn Thị Ba đã và vẫn đang tham gia trong nhóm từ thiện Sen Vàng gồm nhiều nhà giáo đã nghỉ hưu. Cô cùng nhóm đi hỗ trợ nhiều hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn nhiều tỉnh, như: Bình Dương, Lâm Đồng, Đắk Lắk... Đến nay, lưng đã còng, nhưng đôi chân của bà giáo tuổi ngoài bảy mươi vẫn ngày ngày đi bộ từ nhà trọ đến lớp học để lo cái chữ cho học sinh nghèo. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, cô Ba đã mua gạo, nhu yếu phẩm tặng học sinh trong lớp học. Ngoài ra, được sự giúp đỡ của một số nhà hảo tâm khác, cô trao hỗ trợ đến những gia đình bị cách ly, khó khăn...
Vài năm qua, cô Ba còn cùng những người bạn góp tiền nấu cơm hoặc cháo phát miễn phí cho người lao động nghèo vào dịp ngày rằm. Trong khu vực ở trọ, cô Ba luôn chia sẻ gạo, mì gói hỗ trợ các gia đình khó khăn. Hơn hai năm gần đây, cô lập một sổ tay với 12 gia đình hoàn cảnh đặc biệt (tàn tật, bệnh tai biến, lớn tuổi neo đơn...) trên địa bàn phường Phú Cường để định kỳ hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm. "Tôi muốn san sẻ, giúp đỡ người khó khăn hơn ngay khi bản thân có thể chứ không phải chờ đến có của dư, của để. Tôi mong mọi người luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau thì cuộc sống sẽ luôn tốt đẹp, nghĩa tình" - cô Ba tâm sự.
Hiện tại, cô Ba cũng như đội ngũ cán bộ Đoàn phường Phú Cường ấp ủ nhiều kế hoạch về kết nối hỗ trợ học nghề cho học sinh sau khi hoàn thành chương trình lớp 5. Đây là vấn đề không dễ nên cô đang cố gắng kết nối những đơn vị, doanh nghiệp uy tín để thực hiện. Anh Phạm Minh Cường cho biết: "Lớp học tình thương này hoạt động từ năm 2015 đến nay đã có gần 100 lượt học sinh. Cũng như trăn trở của cô Ba, chúng tôi sẽ phát huy vai trò của tổ chức đoàn thể trong kết nối, tạo việc làm cho các em có nhu cầu học nghề".
Nói về dự định tương lai, cô giáo Nguyễn Thị Ba tâm sự: "Tôi đang sống rất vui vì bản thân lớn tuổi rồi nhưng còn làm được việc có ích cho cộng đồng và xã hội... Nhiều học sinh của tôi giờ đã thành đạt. Các em tìm đến tôi để được đóng hỗ trợ lớp học tình thương. Đó là điều tôi rất xúc động. Tôi vui vì việc làm của mình đã lan tỏa nghĩa cử đẹp cho thế hệ trẻ".
* Bài có sự biên tập ở title