Nguyễn Phạm Thành Đạt theo học chuyên ngành Đạo diễn điện ảnh tại Đại học Sân khấu Điện ảnh từ năm 2020. Tại LHP Quốc tế Hà Nội, anh đã đem bộ phim đầu tay dài 17 phút, mang tên Khu rừng của Páo dự thi tại hạng mục Phim ngắn và đã giành được giải Đạo diễn xuất sắc nhất.
Khu rừng của Páo xoay quanh câu chuyện của một thanh niên người H'Mông tên là Páo trên hành trình đấu tranh tư tưởng của chính mình khi bị gia đình ép kết hôn từ năm 14 tuổi.
Tại LHP Quốc tế Hà Nội vừa qua, Nguyễn Phạm Thành Đạt đã nhận được một trong những giải thưởng quan trọng nhất. Cảm xúc của anh thế nào khi nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất?
- Đến giờ tôi vẫn cảm thấy rất tự hào. Bởi, tôi biết LHP Quốc tế Hà Nội có rất nhiều tác phẩm độc đáo trên thế giới tham dự, nhất là ở hạng mục phim ngắn mà tôi đem tác phẩm của mình tranh tài. Càng tuyệt vời hơn khi tác phẩm này là phim đầu tiên của tôi và còn được xướng tên với giải thưởng Đạo diễn xuất sắc.
Anh từng chia sẻ rằng, Khu rừng của Páo lấy cảm hứng từ câu chuyện về chính người bạn thân của mình. Vậy anh có thể nói rõ hơn điều này?
- Đúng vậy, đó là một trong những người bạn thân nhất của tôi. Tôi nhớ có rất nhiều hôm tôi và cậu ấy tâm sự rằng, cậu ấy đang rất thích một cô gái nhưng lại đã có vợ và 2 con rồi! Nghe thì có vẻ vô lý, nhưng đó là vì cậu bạn của tôi là người H'Mông, bị gia đình ép cưới từ năm 14 tuổi theo phong tục của dân tộc mình. Tuy nhiên, đến năm 18 tuổi, cậu ấy mới thực sự biết yêu là gì. Cho nên, cậu ấy phải đứng giữa ranh giới lựa chọn giữa cảm xúc cá nhân và trách nhiệm gia đình. Câu chuyện này đã khiến tôi trăn trở rất nhiều và quyết định làm ra một bộ phim này.
Với một bộ phim đầu tay, anh đã gặp khó khăn thế nào trong quá trình thực hiện?
- Một trong những khó khăn nhất chính là việc lựa chọn bối cảnh. Bộ phim được quay trong một ngôi làng H'Mông và chúng tôi phải chấp nhận những cản trở là sẽ không có điện và không có sóng điện thoại. Đây giống như là làm phim mà không khác nào bị cô lập với thế giới bên ngoài. Mặc dù chúng tôi có dùng máy nổ phát điện, nhưng mọi thứ vẫn thật sự khó khăn, nhất là khi chúng tôi không thể nào liên lạc về nhà.
Về kinh phí, phim của tôi may mắn được hỗ trợ từ Quỹ "Vẻ đẹp điện ảnh - Kinh tế sáng tạo Việt Nam" của Netflix, khi họ sẵn sàng hỗ trợ cho mỗi dự án khoảng 200 triệu đồng. Đó thực sự là khoản kinh phí không nhỏ để góp phần tạo nên bộ phim này.
Để làm ra bộ phim ngắn 17 phút, anh và các đồng nghiệp đã mất bao lâu?
- Khu rừng của Páo được quay trong khoảng thời gian 1 tháng. Tôi cũng khá bất ngờ vì trong cuộc thi "Vẻ đẹp điện ảnh" của Netflix, tôi có gặp nhiều đạo diễn trẻ khác chỉ quay phim ngắn trong 3, 4 ngày mà phim của tôi lại quay khá lâu. Có lẽ một phần điều này đến từ tầm nhìn cá nhân tôi, khi tôi cảm thấy rất khó để chọn ngay ra một cảnh phim ưng ý mà phải đòi hỏi nhiều thời gian hơn.
Các thành viên trong ban giám khảo tại LHP Quốc tế Hà Nội, nhất là những vị giám khảo quốc tế đánh giá thế nào về Khu rừng của Páo?
- Tôi có dịp nói chuyện với các giám khảo quốc tế và dĩ nhiên, những nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam đối với họ là rất độc đáo. Tuy nhiên, thay vì hỏi ý kiến họ quá nhiều về phim của mình, tôi lại tranh thủ lâu hơn nhân dịp này để xin họ chỉ giáo về nghề nghiệp nhiều hơn.
Ngoài câu chuyện của bạn mình, anh còn muốn truyền tải điều gì qua Khu rừng của Páo?
- Dĩ nhiên là tôi muốn cho người xem hiểu hơn về phong tục truyền thống của dân tộc Việt, ở đây là tục lệ lấy vợ của người H'Mông. Thật ra, cá nhân tôi rất khó để phán xét tục lệ này tốt hay xấu, vì tôi không ở trong cộng đồng đó. Nhưng tôi biết rằng, vì nó mà bạn mình không được tự do với tình yêu của cậu ấy. Thành ra, bộ phim như một lời nhắc nhở tới tất cả chúng ta hãy cố gắng để có được tình yêu và hạnh phúc mà mình mong muốn.
Anh có những lời chia sẻ hay động viên nào tới những nhà làm phim trẻ như mình đang đi tìm kiếm thành công?
- Làm phim luôn khó và rất tốn kém nhưng nếu đủ quyết tâm và đam mê thì chắc chắn các bạn sẽ làm được. Xung quanh tôi cũng đều là những bạn làm phim trẻ. Đôi khi có những bạn rất rụt rè khi tiếp xúc với những quỹ điện ảnh lớn hay sự kiện điện ảnh tầm cỡ quốc gia như vậy, bởi cảm thấy không đủ tự tin.
Tôi nghĩ đây là vấn đề khá phổ biến ở trường điện ảnh. Nhưng chỉ cần 1 giây để bạn nghĩ mình bước ra khỏi vùng an toàn, chắc chắn bạn sẽ được đền đáp như những gì tôi đã làm với bộ phim đầu tiên của mình. Việc tham gia dự thi và cọ sát tại những liên hoan phim cũng giúp cho chúng ta có cơ hội học hỏi những nền điện ảnh trên thế giới, biết được được điện ảnh Việt đang ở vị trí nào.
Liệu anh có ý định mang Khu rừng của Páo đến các Liên hoan phim lớn quốc tế?
- Chắc chắn là có, nhưng tôi mong nếu điều đó xảy ra thì có thể nhận được sự giúp đỡ từ những cơ quan, tổ chức uy tín để hành trình này có thể dễ dàng hơn.
Xin cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin!