Dân Việt

Doanh nghiệp trước khó khăn, biến động kinh tế: Chuyên gia chỉ ra 3 yếu tố rủi ro

Huyền Anh 17/11/2022 17:27 GMT+7
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, trong quá trình cải cách cần phải lưu ý để xây dựng các biện pháp phòng ngừa. Một biện pháp được ông Việt nhấn mạnh, đó là không nên có sự can thiệp đột ngột, đặc biệt là các can thiệp có tính chất phi thị trường.

Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chương trình thường niên Diễn đàn kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp "vượt sóng" chiều nay 17/11.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, bất chấp những bất ổn của thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục hồi phục mạnh mẽ.

Chuyên gia: Không nên có sự can thiệp đột ngột, quản lý cũng cần hành xử theo thị trường - Ảnh 1.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Cứ 10 doanh nghiệp gia nhập mới và quay trở lại thì có 7 doanh nghiệp tạm thời hoặc vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường

Theo Phó Chủ tịch VCCI, sự phục hồi ấn tượng của Việt Nam sau đại dịch COVID-19 được các tổ chức quốc tế và truyền thông nước ngoài ghi nhận. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng "đáng kinh ngạc" 13,7% trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lên 7,2%, tăng đáng kể so với mức dự báo 5,3% đưa ra 4 tháng trước đó. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022, cao nhất Đông Nam Á.

Cũng theo ông Hoàng Quang Phòng, có được sự phát triển như vậy không thể không khẳng định sức đóng góp và sự sáng tạo không biết mệt mỏi của doanh nghiệp. Tuy vậy, những sai phạm của một bộ phận nhỏ doanh nghiệp vừa qua cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế của khu vực này.

"Hơn thế, dù khu vực doanh nghiệp đông về số lượng, nhưng quy mô và tiềm lực không mạnh, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế", Phó Chủ tịch VCCI nhận định.

Bởi, thống kê cho thấy bình quân một tháng có 18.100 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có 12.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Nói cách khác, trong nền kinh tế cứ 10 doanh nghiệp gia nhập mới và quay trở lại thì có 7 doanh nghiệp tạm thời hoặc vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường.

"Điều này phản ánh khu vực doanh nghiệp vẫn bị tổn thương nghiêm trọng trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước", Phó Chủ tịch VCCI nhận định.

Cho biết năm 2023 là năm sơ kết, đánh giá giữa kỳ các kế hoạch 5 năm về kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công, tài chính công… Phó Chủ tịch VCCI khẳng định các kết quả đạt được của năm 2023 sẽ là cơ sở quan trọng để nước ta tiếp tục phấn đấu thực hiện các mục tiêu 5 năm đã đề ra. Tuy nhiên, sơ bộ đánh giá cho thấy năm 2023 cũng là năm dự kiến có rất nhiều khó khăn, thách thức, cả quốc tế và trong nước.

Trong bối cảnh khó khăn, thách thức đó, các doanh nghiệp Việt càng phải nỗ lực hơn, quyết tâm hơn và đổi mới sáng tạo hơn để thực sự phát triển.

Đồng tình, ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cũng dự báo, sắp tới đây sẽ có nhiều vấn đề khó khăn xảy ra, trong đó có những vấn đề về tín dụng, thuế và thị trường bất động sản. Có rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi các giao dịch bất động sản bị thu hẹp, ảnh hưởng lớn đến tín dụng.

Cùng với đó, những sự cố trên thị trường chứng khoán xảy ra liên tục, chưa bao giờ thị trường biến động xuống thấp như hiện nay, nhưng lại có lúc trồi lên rất cao, thể hiện sự chưa ổn định và yêu cầu cần sớm ổn định thị trường.

Ngoài ra về sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp dệt may chia sẻ vẫn chưa ký được đơn hàng mới cho năm 2023, hay một số ngành nghề khác cũng thiếu vắng đơn hàng.

"Nguyên nhân để xảy ra những vấn đề này bao gồm cả yếu tố bên trong lẫn bên ngoài, ảnh hưởng từ các thị trường lớn như Anh, Mỹ, Pháp, Đức cũng gặp khó khăn. Đây là vấn đề về kinh tế toàn cầu nên Việt Nam không thể nằm ngoài. Tuy nhiên, "cùng thì biến, biến thì hanh thông", trong cái khó có những người biến được có những người không. Nghĩa là trong khó khăn sẽ bật ra những doanh nghiệp mới, còn những doanh nghiệp không đủ sức chống chọi, không bật lên được sẽ vô cùng nguy hiểm", ông Long ví von.

Chuyên gia: Không nên có sự can thiệp đột ngột, quản lý cũng cần hành xử theo thị trường - Ảnh 3.

Toàn cảnh Diễn đàn kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp "vượt sóng".

Doanh nghiệp và Nhà nước chung tay "vượt sóng gió"

Trao đổi tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách nhận định, hiện nay những bất ổn bên ngoài đang gây ra những khó khăn chung cho nền kinh tế Việt Nam đã có những tác động đến chính sách điều hành vĩ mô và môi trường kinh doanh.

Do đó, để góp phần giúp doanh nghiệp đối phó với những biến động và khó khăn, ông Việt nhận định, chủ trương và chính sách của Chính phủ, Quốc hội trong việc ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu.

Ông Việt cho rằng, thực tế cho thấy, khi có những khó khăn, bất ổn cần phải đương đầu thì những biện pháp cải cách là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình cải cách, ông Việt cũng chỉ ra 3 yếu tố rủi ro cần phải lưu ý để xây dựng các biện pháp phòng ngừa.

Cụ thể, ông Việt cho biết, không nên có sự can thiệp đột ngột, đặc biệt là các can thiệp có tính chất phi thị trường. Bên cạnh đó, cần lưu ý những rủi ro về tự do hợp đồng và quyền tài sản.

"Đây là những yếu tố rủi ro mà cả doanh nghiệp và Chính phủ cần lưu ý chặt chẽ trong bối cảnh hiện tại. Và để vượt qua những rủi ro này, không có gì khác hơn là phải dựa vào các thông lệ quốc tế, những Hiệp định thương mại, Hiệp định đầu tư Việt Nam đã ký kết", ông Việt nhấn mạnh.

Cùng với đó, với các rủi ro liên quan đến chi phí, ông Việt chỉ ra, bên cạnh việc cần chuẩn bị những cơ chế, cách thức quản trị để tiết giảm chi phí, doanh nghiệp cũng cần phối hợp với các Bộ ngành, địa phương và cơ quan trung ương để nghiên cứu cơ chế nhằm giảm các loại chi phí không chính thức.

"Bản thân doanh nghiệp cũng cần duy trì tinh thần khởi sự kinh doanh, phát huy tinh thần tự chủ, tự lực bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước để duy trì sự chủ động trước các "sóng gió".

Đồng thời, các cơ quan hoạch định chính sách, quản lý cũng cần hành xử theo thị trường, dựa trên cơ chế thị trường để có thể hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp", ông Việt cho biết.

Trong bối cảnh khó khăn, những người lao động trong các doanh nghiệp vẫn là đối tượng cần được quan tâm hơn nữa. Điều này có thể thấy rõ khi Việt Nam trải qua 2 năm đại dịch. Do đó, nếu lạm phát gia tăng cùng những bất ổn vẫn còn kéo dài sang năm 2023, ông Việt cho rằng, bên cạnh các gói hỗ trợ của nhà nước, doanh nghiệp cần phối hợp với các bên để có những gói an sinh xã hội cho người lao động.

Để vượt qua khó khăn khủng hoảng rủi ro, các thông tin của doanh nghiệp, các thông tin về chính sách cần kịp thời hơn, cần được minh bạch hơn, rõ ràng hơn để các cơ quan nghiên cứu có những số liệu thật về tình hình của doanh nghiệp. Từ đó có những phản ánh đến các cơ quan bộ ngành trung ương để có những dự báo phù hợp với thực tiễn, giúp doanh nghiệp vượt qua sóng gió, thách thức của năm 2023.