Đọc tên sách hẳn bạn đã đoán ra nội dung của nó. Đây là những ghi chép về thảm kịch ngày 23/10/2019 khi một container được phát hiện tại khu công nghiệp Waterglade (hạt Essex) trong có thi thể 39 người bị chết trên đường tìm cách nhập cư vào nước Anh. Cả 39 nạn nhân đều là người Việt Nam (29 đàn ông, 8 phụ nữ và 2 thiếu niên 15 tuổi). Ba năm trước tin tức về vụ thảm kịch này đã làm chấn động nước ta và cả thế giới. Ba năm sau sự kiện đó, cuốn sách của Đào Duy Bình lật lại hồ sơ cho người đọc biết rõ thực chất của vụ việc là gì.
HÀNH TRÌNH TỬ THẦN – GHI CHÉP TỪ NƯỚC ANH
Tác giả: Đào Duy Bình
Nhà xuất bản Tổng Hợp TPHCM, 2022
Số trang: 220 (khổ 13x20cm)
Số lượng: 2000
Giá bán: 90.000
Tác giả là nhà báo làm việc tại báo "Tuổi Trẻ", theo mảng thể thao. Nhưng năm 2015 anh đã tham gia ứng tuyển và được chấp nhận tham gia chương trình "Nhập cư & Hội nhập" do Bộ Ngoại giao Đức tổ chức dành cho các nhà báo. Do đó khi xảy ra sự kiện Waterglade Đào Duy Bình đã có điều kiện nhanh chóng vào cuộc, làm một cuộc điều tra liên quốc gia, xuyên biên giới để tìm đến sự thật. Anh đã sang nước Anh đến tận nơi phát hiện ra chiếc container định mệnh, đã gặp gỡ các nhà chức trách ở Anh, gặp gỡ các nhân chứng di cư, đã đọc các hồ sơ, báo cáo. Anh đã về các vùng quê Hà Tĩnh, Nghệ An gặp gỡ thân nhân những người xấu số để hỏi chuyện, nắm bắt tình hình. Những trang viết của anh nhờ đó đầy chất phóng sự với các số liệu, lời chứng, nhưng cũng đầy tình cảm yêu thương, đau đớn trước những phận người phải liều mình tìm con đường sống ở nước ngoài.
Đào Duy Bình chọn một cách viết rõ ràng, chính xác, nên đọc những điều anh viết càng thấy xót xa, nhức nhối. Anh chỉ ra cho người đọc thấy phía sau những thảm hoạ của dân di cư là những đường dây buôn người, là những tên trùm máu lạnh sẵn sàng vì lợi nhuận mà bán rẻ cả tính mạng của đồng bào mình, người thân mình. Như trường hợp tay trùm Võ Văn Hồng: "Đây là tay trùm buôn người có hành tung bí ẩn, trong đó dấu vân tay của hắn không trùng khớp với bất kỳ dấu vân tay nào ở Việt Nam." (tr. 76). Tại phiên toà diễn ra ở Brussels (Bỉ, 1/2022) xét xử vụ án 39 người chết trong container Hồng bị tuyên là kẻ chủ mưu, bị kết án 15 năm tù và bị phạt 920.000 euro về tội buôn người. Nhưng vẫn còn những ông trùm khác. Và số người Việt tìm cách nhập cư, cả hợp pháp và không hợp pháp sang Anh, vẫn tăng ngay cả sau sự cố bi thảm 2019.
Sau khi kể về số phận thảm kịch của những người di cư chết trong container, Đào Duy Bình đưa người đọc cùng anh gặp những người di cư đã đến được nơi đến. Chủ yếu anh viết về những người Việt Nam ở London mà anh đã có dịp tiếp xúc. Họ có người đã gây dựng được cả chuỗi nhà hàng Miền Tây tại thủ đô nước Anh hoặc bước đầu ổn định được cuộc sống. Nhưng cũng có người sau bao loay hoay vẫn không ổn định, thậm chí còn tuyệt vọng. Điểm sáng ấm áp trong bức tranh cuộc sống người Việt nơi xứ người này là mọi người cố duy trì tiếng Việt cho các con cháu mình sinh ra trên đất Anh, có quốc tịch Anh. Câu chuyện một bà ngoại ru cháu mình "công dân Anh" ngủ bằng tiếng Việt được tác giả kể xúc động. Rồi những lớp dạy và học tiếng Việt được mở ra như trường Vietschool (2016) tại London. Học viên không chỉ có các em nhỏ mà còn những người lớn tuổi, tất cả đều là để tìm về nguồn cội, níu kéo nguồn cội. Tiến xa hơn nữa, tác giả cho biết, cộng đồng người Việt tại Anh đã đề nghị và được chính quyền sở tại cho phép có một biểu tượng Việt Nam ở thủ đô London. Có thể đó là hình ảnh chiếc nón lá. Đó là một tin vui cho cả cộng đồng và cả đất nước.
Cuốn sách của Đào Duy Bình chỉ viết về những người Việt ra đi và nhập cư vào nước Anh. Nhưng tại sao lại là nước Anh? Tác giả đã ghi lại câu nói của một người ở Quảng Bình: "Không đi Anh là lạc hậu" và đã dẫn ra câu chuyện đi rồi trở về của người này để minh hoạ cho câu nói đó. Và anh đã dành cả phần bốn cuối cùng của cuốn sách để nêu câu hỏi như trên và tìm cách lý giải. Vẫn bằng những nhân vật, số liệu cụ thể, Đào Duy Bình chứng minh nước Anh không phải là thiên đường dễ đến và dễ sống. Nhiều người đã tính sai và phải trả giá, thậm chí giá đắt. Nhưng hiện nay vẫn đang có khoảng hai vạn người Việt sống bất hợp pháp tại Anh, theo tác giả dẫn lời ông cựu chủ tịch Hội người Việt Nam tại Anh cho biết. Cũng ông này giải thích lý do mọi người thích đến xứ sở sương mù: "Đến Anh dễ kiếm việc, kiếm tiền, đồng thời tiền có giá trị hơn bất cứ quốc gia nào khác ở châu Âu khi nó được gửi về Việt Nam… Một lý do khác là nước Anh có hệ thống an sinh xã hội tốt, đồng thời chính sách nhập cư khá dễ dàng, nhân đạo, quản lý không chặt chẽ như một số nước khác ở châu Âu." (tr. 187). Tình hình hiện nay, sau thảm kịch 23/10/2022, đã có thay đổi theo hướng gắt gao hơn.
Để có cuốn sách này nhà báo Đào Duy Bình đã phải lên kế hoạch và thực hiện suốt 12 năm qua, với 4 lần sang nước Anh và nhiều chuyến về các vùng quê nước Việt. Anh đã viết bằng cái đầu của một nhà báo tỉnh táo, khách quan và bằng trái tim của một con người thương dân mình, nước mình. Là một phóng sự điều tra nhưng nóng hổi, thấm đẫm từng trang viết là những câu chuyện được viết bằng tình cảm của người trong cuộc. Vì Đào Duy Bình từng có người anh trai đi xuất khẩu lao động sang Cộng hoà Dân chủ Đức trước đây và những đồng tiền chắt chiu của anh trai gửi về quê ở Quảng Bình đã giúp gia đình sống đỡ hơn và giúp đứa em học xong đại học báo chí. Vì thế, Đào Duy Bình viết cuốn sách này "có mục đích lớn là tự tận đáy lòng mình, xin được nói hai từ "cảm ơn", bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với sự hy sinh, đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, luôn hướng về gia đình, người thân, đồng bào… của anh trai tôi và hàng triệu người nhập cư Việt Nam trên khắp thế giới." (lời bìa 4). Thiết nghĩ cuốn sách đã đạt được mục đích đó.
Hạn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.
Hà Nội, 18/11/2022