Đọc sách cùng bạn: Ngố và giải ngố

Phạm Xuân Nguyên Thứ sáu, ngày 11/11/2022 08:24 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay, tôi đưa đến bạn tập truyện "Thằng ngố tàu" của tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh.
Bình luận 0

Văn chương nghĩ cũng lạ đời. Ai người được trời gieo hạt giống này trong mình thì sớm muộn cũng sẽ phát lộ. Sớm thì ở tuổi nhi đồng, thiếu nhi đã có thơ. Muộn thì vào tuổi trung niên, lão niên mới ra văn. Văn chương có thể để đời, cũng có thể là một phút loé sáng ở đời. Nhưng sớm hay muộn thì văn chương phát ở người ra theo ý trời cũng là điều thú vị và tâm đắc.

THẰNG NGỐ TÀU

Tác giả: Thâm Giang Trần Gia Ninh

Nhà xuất bản Nghệ An, 2022

Số trang: 260 (khổ 13x19cm)

Số lượng: 1000

Giá bán: 119đ

Thì như ở tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh đây. Ông tên thật là Trần Xuân Hoài, sinh 1941, một người con của vùng rừng núi Hương Khê (Hà Tĩnh). Ông là một Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học tu nghiệp ở nước ngoài về, làm giám đốc Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam). Viện của ông "luôn đi tiên phong chế tạo các thiết bị điện tử tinh vi đạt chuẩn quốc tế, như lần đầu tiên ở đây làm được kính hiển vi hiệu ứng "đường hầm" soi chiếu tới kích thước phân tử; rồi chế tạo kính hiển vi lực nguyên tử, hay chế tạo được một số loại vật liệu nano kích cỡ một phần tỷ mét phục vụ sản xuất, đời sống" (Phạm Quang Đẩu). Thế nghĩa là có một Trần Xuân Hoài nhà khoa học tự nhiên xuất sắc.

Đọc sách cùng bạn: Ngố và giải ngố - Ảnh 2.

Tuyển tập truyện "Thằng ngố tàu" của tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh. (Ảnh: ST)

Nhưng trong con người đó lại có một dòng chảy khác của vùng quê, của gia đình dòng họ, truyền từ mạch đất mạch nhà, nuôi dưỡng cho ông vốn văn hoá truyền thống. Trước khi biết những thứ tiếng châu Âu, ông đã được tắm mình trong Nho học chữ Hán. Trước khi biết những sự tích văn chương phương Tây, ông đã thấm những sự tích nước Việt. Cho đến một ngày, ở tuổi 75, Trần Xuân Hoài trình làng văn một cuốn tiểu thuyết lịch sử mang tên Kim thiếp Vũ Môn (2015) với bút danh Trần Gia Ninh kèm thêm bút hiệu Thâm Giang. Bút hiệu ấy là chỉ con sông Ngàn Sâu ở quê ông. 

Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh thế kỷ XV khi quân Minh xâm lược Đại Việt để nói lên chí khí quật cường của người Việt Nam trước nạn ngoại xâm, nhưng đặc biệt tác giả muốn chứng minh trí tuệ của người Việt từ hồi đó đã biết luyện kim rèn dao kiếm và chế tạo ra thuốc nổ, đúc súng thần cơ. Hai chữ Hán Nôm "kim thiếp" trong số sách vở ông nội để lại mãi sau này Trần Xuân Hoài mới biết là ghép lại thì thành chữ "thép" để nói việc này. Từ đó, ông có cảm hứng viết "Kim thiếp Vũ Môn". Cuốn tiểu thuyết ra đời đã gây bất ngờ cho người đọc trước cái văn của một nhà khoa học và đã được tái bản năm 2017. Điều kỳ thú hơn nữa là từ tiểu thuyết Kim thiếp Vũ Môn đã xuất hiện Truyện Kim Thiếp Vũ Môn bằng thơ lục bát dài hơn tám nghìn câu (gần gấp ba lần số câu thơ của Truyện Kiều). Người chuyển soạn văn thành thơ này là Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Trần Văn Phú ở Viện Khoa học Công nghệ Nhiệt lạnh, với bút danh Trần Dương Long. Trong lời tự bạch đầu cuốn truyện thơ ông viết: "Theo tôi, Kim thiếp Vũ Môn là một quyển sách rất hay nhưng cũng đòi hỏi độc giả phải có sự tìm tòi, nghiên cứu và am hiểu về lịch sử. Với tôi tiểu thuyết này đọc rất hấp dẫn và rất thích. Đặc biệt luận đề của nó cần phải được lan toả. Tôi quyết định viết lại Kim thiếp Vũ Môn dưới dạng "vần vè" để dễ đọc dễ phổ biến". Vậy là hai nhà khoa học đồng tuế, đồng Trần đã làm nên một hiện tượng bất ngờ thú vị trong văn chương.

Sau cuốn tiểu thuyết đầu tay, Trần Xuân Hoài cho ra tập chính luận Hành trình số phận (Nxb Tri Thức, 2018). Và cuốn sách thứ ba của ông là tập truyện Thằng ngố tàu nói đây. Tên sách là tên cái truyện chính trong tập. Được viết dưới dạng truyện lồng truyện, thằng ngố tàu là chuyện một người lính xông pha trận mạc hết Nam lại Bắc, sát cánh cùng những đồng đội trung kiên chiến đấu để giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Nhưng khi chiến tranh bom đạn kết thúc người lính đó đã phải chứng kiến những nghịch cảnh đau xót. "Ái ơi, ba Ái, má Ái, em gái lớn của Ái và bản thân Ái, bốn người trong gia đình năm người thân thương của Ái đã đánh đổi cả mạng sống để giành lại quê hương, thế mà em gái út của Ái, sinh mệnh duy nhất trong gia đình còn tồn tại lại phải liều mình lao ra biển, là tại làm sao?" (tr. 146). Và rồi người lính lại phải cùng những đồng đội hôm qua bắt đầu một cuộc chiến khác chống sự vô ơn, bội bạc, cả với chính những kẻ hôm qua còn là đồng đội. Một cuộc chiến đau đớn, không cân sức.

Họ là những con người của một thế hệ trong sáng, vô tư, sẵn sàng xin bác sĩ giảm phần trăm thương tật để được tiếp tục chiến đấu, dù có vì thế mà bị coi là ngố. Đến khi về đời thường vẫn là ngố, hồn nhiên tin vào những lời hứa hẹn của những kẻ sắp chiếm đất của mình, để rồi mình bị mất đất cho những kẻ đó lập phố "Trần Dư", tức là khu của các quan, trừ dân. "Bao giờ thì tôi hết ngố đây? Học hành đầy đủ, vào sinh ra tử, chỉ huy hàng nghìn người chiến đấu, góp phần giành lại đất nước mà hiểu đời, hiểu người không bằng bà má vợ hơn tám mươi, suốt ngày không ra khỏi ngõ. Đến nỗi bây giờ bị lừa mất sạch, thua cả trẻ con, nhục ơi là nhục!" (tr. 195). Như vậy họ ngố thật hay họ bị phải là ngố? Có phải họ cũng như là "lost generation" mà Ernest Hemingway đã từng nói tới? Đọc truyện thấy như là Trần Xuân Hoài viết có nguyên mẫu ngoài đời với lời đề từ "Viết cho các bạn thời thơ ấu LSQL". Ông viết cho thế hệ mình.

Như đã nói, Trần Xuân Hoài dùng cách viết truyện lồng truyện. Người lính Nguyễn Bắc Thuần – nhân vật chính, bây giờ là chú Tư, kể truyện đời mình cho một anh nhà báo nghe sau khi nhà báo được chứng kiến một lần đấu tranh với bất công của chú Tư. Anh nhà báo đã ghi lại câu chuyện đó dưới dạng lời kể ở ngôi thứ nhất của chú Tư – Nguyễn Bắc Thuần. Đấy là phần chính của truyện Thằng ngố tàu. Xen vào đó là câu chuyện của anh nhà báo đặt ở phần mở đầu (Chén rượu Quỳnh Tương) và phần vĩ thanh (Quỳnh Tương). 

Cách viết truyện lồng truyện này hẳn nhiên là có chủ ý của tác giả. Người lính và chiến tranh ở đây chỉ như là cái khung, tuy tác giả đã tỏ ra có vốn kiến thức và hiểu biết quân sự khi viết về chiến trận đáng ngạc nhiên. Vấn đề là bệnh ngố và sự giải ngố. Quỳnh Tương là tên thứ rượu chưng cất bí truyền uống vào đê mê hưng phấn, khơi dậy sức sống nòi giống, chú Tư chia sẻ cùng anh nhà báo. Điều này phải chăng có nghĩa cuộc đấu tranh "giải ngố", chống lại sự vô ơn, bội bạc vẫn được thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước? Câu kết truyện tác giả để cho cô vợ anh nhà báo nói với chồng con: "Vô ơn tuy là chuyện thường tình của nhân gian, nhưng là cái tội lớn nhất của cuộc đời!" (tr. 210).

Trong tập truyện, ngoài truyện chính lấy làm tên sách, còn có hai truyện khác là Tiếng đàn đồng vọng, Huệ mưa. Hai truyện này cho thấy một bút pháp lãng mạn, liêu trai của Trần Xuân Hoài.

Hẹn bạn lần tới với những cuốn truyện mới khác.

Hà Nội, 9/11/2022


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem