Từ cuộc sống bấp bênh, giờ đây hàng triệu cư dân vùng đất Tứ giác Long Xuyên đã an cư lạc nghiệp, nhiều hộ đã trở thành tỷ phú nhờ sản xuất nông nghiệp từ chính vùng đất hoang vu, nghèo đói một thời.
Cách đây hàng chục năm, khi vào vùng Đồng Tháp Mười nghiên cứu trị phèn, một số chuyên gia nước ngoài đã phải lắc đầu bất lực, không tìm ra được cách "trị" phèn. Đó là một vùng đất mà "tới đây xứ sở lạ lùng, con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh". Cả một vùng đồng bằng rộng lớn "nằm im", hoang vu và nghèo.
Có lẽ, vùng đất đó sẽ mãi là vùng đất phèn hoang hóa nếu như không có dự án nghiên cứu hệ thống nông nghiệp Đồng Tháp Mười, mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người khởi xướng.
Theo người dân sinh sống tại vùng Tứ Giác Long Xuyên, nhờ những tuyến kênh được đào từ quyết sách của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, những người dân nơi đây đã vững tâm bám ruộng, cần cù, sáng tạo trong việc tăng gia sản xuất. Từ lúc chỉ trồng được 1 vụ lúa/năm, giờ đây người ta đã trồng được 2-3 vụ lúa/năm. Năng suất lúa từ chỗ chỉ 2 tấn/ha, tăng lên 7 -8 tấn/ha. Có không ít người đã vươn lên trở thành tỷ phú nhờ sản xuất nông nghiệp trên vùng đất này.
Cụ thể như ông Trần Lợi Đức (ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), ông là một trong những người đầu tiên đến khai phá vùng đất này, hiện ông đang sở hữu và canh tác hơn 150ha đất ruộng cặp 2 kênh T5 và T6.
Hiện nay, ông Đức đang sản xuất theo mô hình trang trại khép kín, trồng chuối, nuôi bò, sản xuất lúa giống, nuôi cá…; đồng thời, ông ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng phù hợp nên, mỗi năm thu lợi hàng tỷ đồng.
Trong khi đó, trước kia, Tứ Giác Long Xuyên là một vùng đất trũng bị nhiễm phèn nặng, với 6 tháng đồng khô cỏ cháy, 6 tháng nước ngập trắng đồng, một năm chỉ sản xuất được một vụ lúa mà có khi còn không biết được ăn hay không...
Trước đó, vào năm 1977, tỉnh Đồng Tháp vận động hàng ngàn thanh niên xung phong, thanh niên, phụ nữ, bộ đội, công an vào Đồng Tháp Mười đào kênh 500 - mở màn chiến dịch khai phá Đồng Tháp Mười. Kênh này bắt đầu từ xã Mỹ Phước Tây (huyện Cai Lậy) kéo dài đến xã Phú Mỹ (huyện Tân Phước) dài gần 20km.
Đào kênh xong, tỉnh thành lập Nông trường Tân Lập, Nguyễn Văn Phùng rồi đưa dân các huyện về khai hoang. Biết bao nhiêu công sức bỏ ra phát cỏ, đào gốc tràm, vỡ đất nhưng trồng chuối, chuối chết; trồng lúa, lúa chẳng sống nổi. Ông Nguyễn Công Bình (Sáu Bình), Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh cho đào tiếp kênh Trương Văn Sanh nằm song song và cách kênh 500 khoảng 5km.
Cũng trong năm 1977 - 1978, tuyến kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng dài 45km xuyên qua Đồng Tháp Mười, nằm ở khu vực gần biên giới Campuchia của hai tỉnh Đồng Tháp và Long An được khởi công. Đây được xem là con kênh dài nhất, lớn nhất được con người đào thủ công từ năm 1977.
Tuy nhiên, đến đầu năm 1980 phần lớn các tuyến kênh đào chưa hoàn thành nên chưa thể đưa nước ngọt về. Ông Nguyễn Văn Lương (Hai Lương), Phó Ban nghiên cứu khai thác Đồng Tháp Mười lúc đó, nhớ lại: "Khi đào kênh nước phèn vàng sẫm trải dài trên mặt đất, còn dưới kênh đọng lại đặc quánh. Cứ mỗi đầu mùa mưa phèn đổ dồn về một số tuyến kênh trung tâm, có nơi kéo dài hàng chục cây số khiến cá chết hàng loạt, ngay cả người dân cũng phải đi nơi khác tìm nước ngọt để sinh sống. Nhiều ý kiến đặt ra là chúng ta làm thủy lợi hay... thủy hại? Có nên tiếp tục đào kênh nữa hay không?".
Đến năm 1983, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có quyết định về việc điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL. Đây là chương trình trọng điểm cấp Nhà nước do GS-TS Nguyễn Ngọc Trân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Trung ương, làm chủ nhiệm đề tài. Phần điều tra nghiên cứu về Đồng Tháp Mười do TS Hồ Chín chủ trì.
Có thể nói bắt đầu từ thời điểm này Chính phủ chính thức tập trung nghiên cứu, đầu tư khai hoang Đồng Tháp Mười. Ông Võ Văn Kiệt thường xuyên về đây cùng các nhà khoa học khảo sát và có những chỉ đạo sát sao việc khai hoang Đồng Tháp Mười.
Và đến năm 1984, tuyến kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng được đào xong. Người dân vẫn gọi đây là kênh Trung ương vì con kênh này do Trung ương chỉ đạo đào để cải tạo vùng Đồng Tháp Mười, dẫn nguồn nước ngọt phù sa từ sông Tiền xuyên qua Đồng Tháp Mười về tận sông Vàm Cỏ Tây để tăng tốc rửa phèn, cải tạo đất. Cứ thế, nước ngọt dẫn tới đâu, người dân tụ họp về hai bên bờ kênh cất nhà, khai hoang, lập nghiệp tới đó.
Từ một vùng "đất chết", ngập úng, bạt ngàn lau sậy năm nào, đến năm 1987, Đồng Tháp Mười đã trồng được trên 300.000ha lúa. Năm 1996 vượt lên hơn gấp đôi. Hiện nay, chính nơi đây góp phần rất lớn vào việc cung cấp lương thực, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, phục vụ xuất khẩu.
Năm 1996, ông Võ Văn Kiệt vào An Giang, xắn quần đi kiểm tra tình hình lũ từ Campuchia tràn về. Hiệu quả thoát lũ của kênh Vĩnh Tế và những tiện lợi của nó đối với bà con nhân dân được Thủ tướng đặc biệt quan tâm. Ông hỏi han cặn kẽ cán bộ địa phương và gặp trực tiếp người dân. Ý tưởng thoát lũ ra biển Tây và làm thêm đê bao để phát triển vùng đất này đã được cán bộ địa phương trình bày.
Lúc đó cũng có một số người phản đối, với lý do làm thay đổi lối sống truyền thống và có thể làm hụt lượng phù sa vào đồng. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo ngành nông nghiệp, thủy lợi và các nhà khoa học như giáo sư Nguyễn Sinh Huy, Nguyễn Văn Hiệu, Hồ Chín, Tô Văn Trường... lại cùng quan điểm trị thủy để phát triển nông nghiệp. Họ còn nghiên cứu thực địa, đề xuất những giải pháp chi tiết.
Thủ tướng đặc biệt quan tâm đến đê bao chống lũ "vùng O" của ba xã Mỹ Lương, Tân Hòa, Phú Hưng thuộc huyện đầu lũ Phú Tân. Đây là công trình đê chống lũ để làm lúa 2-3 vụ đầu tiên ở An Giang do địa phương đề xuất và tự tổ chức thực hiện bằng kinh nghiệm dân dã, nhưng đã thành công trên mong đợi.
Sau quá trình nghiên cứu, khảo sát và lên kế hoạch tỉ mỉ đến chi tiết, Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định cho thi công hệ thống kênh T4, T5, T6 vào năm 1997.
Ngày 22/4/1997, đoạn kênh trên phần An Giang được khởi động ngay tại khúc gãy của kênh Vĩnh Tế thuộc địa bàn xã Lạc Quới, Tri Tôn, An Giang. Nhiệm vụ đặt ra là phải hoàn thành trước khi nước lũ đầu nguồn đổ về.
Ngày đó, việc thi công công trình không chỉ khó khăn về vật chất mà còn cả niềm tin, bởi nhiều người tỏ ra nghi ngờ tính hiệu quả của công trình, do vùng này phèn rất nặng, tích tụ từ rất nhiều năm. Ngay cả một số chuyên gia có kinh nghiệm trong việc khai hoang phục hóa vùng Đồng Tháp Mười cũng khuyên chỉ nên trồng tràm, không nên làm lúa bởi sẽ thất bại.
Trước nhiều ý kiến khác nhau, Thủ tướng Võ Văn Kiệt kết luận: "Chúng ta phải làm, nếu có mất thì chỉ mất một phần của ba tỉnh, nếu thành công thì có lợi cho cả nước".
GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người có tầm nhìn xa trông rộng, dám nghĩ dám làm.
"Lúc đó có rất nhiều bàn luận của các chuyên gia và các vị lãnh đạo. Một nhóm trong đó có tôi nói bây giờ phải khui vùng phèn này ra thẳng biển Tây thì mới đưa được phèn ra. Sau khi đi xem, khảo sát vùng này, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có quyết định rất táo bạo, chấp thuận cấp kinh phí cho đào kênh này, khui vùng phèn ra thẳng biển Tây" - GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết.
Quyết sách táo bạo nói trên đã làm thay đổi cục diện khai thác đồng phèn vùng Tứ Giác Long Xuyên, giúp người dân mở rộng sản xuất nông nghiệp, đưa An Giang trở thành địa phương đứng đầu về sản xuất lương thực của vùng ĐBSCL. Đồng thời góp phần nâng sản lượng xuất khẩu gạo lên hàng thứ 2 trên thế giới.
Nhờ quyết sách đúng đắn, kịp thời của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chỉ trong 3 năm, từ năm 1997 đến năm 1999, 3 tuyến kênh T4, T5 và T6 với tổng chiều dài hơn 100km đã hoàn thành, nối liền từ kênh Vĩnh Tế băng qua vùng Tứ Giác Long Xuyên; đồng thời chạy qua 2 tỉnh là An Giang và Kiên Giang.
Những tuyến kênh này đã góp phần xả lũ nhanh từ thượng nguồn đổ về, đẩy phèn ra biển Tây, làm thức tỉnh cả một vùng đất hoang hóa với hàng 100.000 ha. Trong 3 tuyến kênh, kênh T5 là kênh dài nhất, gần 48km, rộng 40m; cũng là con kênh có ý nghĩa quan trọng nhất bởi thời gian thi công chỉ trong vòng 4 tháng là hoàn thành, từ tháng 4 đến tháng 8/1997. Kênh T5 hiện đã được đổi tên thành kênh Võ Văn Kiệt, nhưng người dân địa phương thì vẫn quen gọi là "kênh ông Kiệt".
Bây giờ, dọc theo kênh này, nhà cửa san sát, ruộng đồng phì nhiêu, hộ nào cũng sắm máy móc phục vụ nghề nông.
"Nhờ ông Kiệt phóng con kênh này mà dân có ăn, phấn khởi dữ lắm. Đào xong con kênh, khoảng 10 năm sau, đất khu này mới tháo rửa được hết phèn, dân mới mần lúa trúng mùa, rồi từ từ dân các nơi mới kéo về ở xôm tụ. Đất đai bây giờ dồi dào dinh dưỡng lắm, trồng lúa hay cây ăn trái đều tốt" - lão nông Trần Văn Được (Tám Được) - 71 tuổi, ở ấp Vĩnh Thuận, xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang nói.
Để ghi nhớ công lao to lớn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tỉnh An Giang đã quyết định đặt tên kênh T5 là kênh Võ Văn Kiệt; đồng thời dựng bia tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở đầu tuyến kênh này, thể hiện lòng tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang đối với cố Thủ tướng.
Hàng năm vào ngày 11/6, ngày mất của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một số người dân nơi đây và chính quyền huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang thường làm giỗ để tưởng nhớ, tri ân công lao của ông.
Bây giờ, đoạn đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua vùng Đồng Tháp Mười dài hơn 100 km đã hoàn thành cơ bản. Đây cũng chính là con đường ngắn nhất để vùng Đồng Tháp Mười giao lưu với TP HCM, miền Đông và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Khi toàn tuyến thông thương, người dân tin chắc kinh tế cả vùng sẽ biến chuyển rõ rệt hơn nữa.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, Chín Dũng; nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và sau đó là Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ông là "tổng công trình sư" nhiều dự án táo bạo của thời kỳ đổi mới, trong đó có dự án thoát lũ ra biển Tây, ngọt hóa Đồng bằng sông Cửu Long.