Dân Việt

Bình Thuận: Háo hức với du lịch nông thôn, ghé trang trại, nếm món ăn dân dã của nông dân

Bùi Phụ 19/11/2022 10:50 GMT+7
Ngày 19/11, trao đổi với Dân Việt, ông Bùi Thế Nhân – Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận(Sở VHTTDL) cho biết, đang chuẩn bị đưa chương trình du lịch nông thôn vào hoạt động để du khách có thêm trải nghiệm khi tham quan, nghỉ dưỡng ở tỉnh Bình Thuận.

Cảnh vùng nông thôn đẹp

Cũng theo ông Bùi Thế Nhân, thời gian vừa qua, Sở VHTTDL đã làm việc với các công ty lữ hành du lịch ở TP.HCM và các tỉnh thành khác để tuyền truyền quảng bá, đẩy mạnh phát triển du lịch về vùng nông thôn.

Bình Thuận: Háo hức với chương trình du lịch nông thôn tham quan trang trại, thưởng thức món ăn dân dã của nông dân  - Ảnh 1.

Du khách tham quan điểm du lịch trên núi Tà Cú ở huyện Hàm Thuận Nam tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

“Chúng tôi cho đây là chương du lịch xanh, du khách sẽ được về thăm những cảnh đẹp ở vùng quê, tham quan trang trại xanh, thưởng thức những món ăn đậm chất đồng quê do chính những nông dân làm ra theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Chúng tôi hy vọng du khách sẽ hài lòng khi đến Bình Thuận bởi vùng đất này không chỉ có “biển bạc” mà có cả “rừng vàng”, ao hồ, sông, suối. Đặc biệt là những vùng trái cây ngon như sầu riêng Đa Mi(huyện Hàm Thuận Bắc) và những vùng trái cây ngon khác ở 2 huyện Tánh Linh, Đức Linh…”, ông Bùi Thế Nhân thông tin.

Nhiều chuyên giá du lịch nhận định, du lịch vùng nông thôn sắp tới sẽ hấp dân du khách. Ngoài khung cảnh hoang sơ núi rừng, sông suối, mô hình nông nghiệp, chăn nuôi vùng nông thôn… du khách sẽ được thưởng thức các món ăn đặc thù của địa phương, được nghỉ dưỡng trong không khí trong lành giữa làng quê thanh bình, yên ả… Đây là sự độc đáo, riêng biệt nên cần phải đầu tư bài bản...

Anh Trần Lê An - ở TP Thủ Đức(TP.HCM) cho biết, vừa qua gia đình anh có thê xe 16 chỗ làm chuyến du lịch về vùng nông thôn ở huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận). Cả gia đình anh Lê An ai cũng bất ngờ vì cảnh đẹp ở vùng quê nơi này.

“Ấn tượng nhất khi xe chúng tôi chạy xuyên qua những cánh đồng, nghé những vườn cây ăn trái ở các xã Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ (huyện Hàm Thuận Bắc) và xã La Ngâu, huyện Tánh Linh. Đường giao thông bây giờ làm tốt, thông thoáng nên tiện cho du khách tham quan các vùng quê thanh bình, yên ả này…”, anh Lê An chia sẻ.

Bình Thuận: Háo hức với chương trình du lịch nông thôn tham quan trang trại, thưởng thức món ăn dân dã của nông dân  - Ảnh 2.

Khách du lịch các thành phố lớn đang có xu hướng về nông thôn du lịch thăm đồng. Một cánh đồng lúa xanh ở xã Gia An huyện Tánh Linh tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

Anh Trần Toàn, nhà ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết, ở huyện Tánh Linh giờ có nhiều khách sạn, nhà nghỉ và Homestay mới, vừa túi tiền cho khách du lịch vùng nông thôn nghỉ dưỡng.

“Ở Tánh Linh cho nhiều con thác tuyệt đẹp như thác Bà nằm trong rừng rất phù cho gia đình cắm trại. Đặc biệt ở Tánh Linh có nhiều mô hình trồng lúa sạch với vườn, ao, chuồng kèm theo những món ăn đặc sản vùng quê của bà con ở đây như gà, rau xanh, trái cây tươi nên gia đình tôi rất thích…”, anh Trần Toàn nói.

Bình Thuận phát triển mạnh du lịch nông thôn

Nắm bắt được tầm quan trọng này, vừa qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành kế hoạch triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Bình Thuận: Háo hức với chương trình du lịch nông thôn tham quan trang trại, thưởng thức món ăn dân dã của nông dân  - Ảnh 3.

Một góc xã Đa Mi huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

Theo đó, mục tiêu chung là khai thác, phát huy có hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên du lịch của tỉnh Bình Thuận, tạo bước phát triển đột phá cho ngành du lịch trong thời kỳ mới. 

Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa, môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm, phát triển bền vững.

UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nội dung của Chương trình để đẩy mạnh phát triển du lịch trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo, tạo sự chuyển biến mới trong phát triển du lịch, xây dựng Bình Thuận trở thành điểm đến an toàn - thân thiện - chất lượng.

Mục tiêu đến năm 2025: Phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn. Theo đó, mỗi địa phương phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái.

Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; có điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa, kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.

Bình Thuận: Háo hức với chương trình du lịch nông thôn tham quan trang trại, thưởng thức món ăn dân dã của nông dân  - Ảnh 4.

Hồ Biển Lạc ở huyện Tánh Linh tỉnh Bình Thuận. Du khách thích về đây câu cá giải trí... Ảnh: Bùi Phụ

Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù. 

Chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 50% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ. Xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn tỉnh.

Theo ông Bùi Thế Nhân – Giám đốc Sở VHTTDL, sắp tới, tỉnh Bình Thuận sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, khác biệt gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm, giá trị gia tăng cao theo định hướng của thị trường, phù hợp với nhu cầu từng đối tượng du khách.

Các cơ quan chức năng tích cực hỗ trợ bảo tồn, phục dựng, phát triển các làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống, hoạt động nông nghiệp, loại hình biểu diễn văn hóa, thể thao… Trong đó có phục dựng mô hình sản xuất sản phẩm đặc sản, truyền thống để phục vụ khách du lịch thông qua trải nghiệm thực tế , bảo tồn, phát huy các không gian văn hóa, di tích văn hóa, lịch sử cách mạng...