Ông Lương Ngọc Duy - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sơn Động cho biết: Với điều kiện tự nhiên đặc thù, Sơn Động đang là huyện đi đầu của tỉnh Bắc Giang trong phát triển sản xuất cây dược liệu. Trong đó, mô hình trồng cây dược liệu ba kích tím đã giúp bà con nơi đây có thu nhập khá, từng bước thoát nghèo và làm giàu, góp phầm sớm về đích nông thôn mới.
Điển hình như Hợp tác xã (HTX) ba kích tím Tây Yên Tử, xã Thanh Luận được Hội Nông dân thành lập năm 2019 với 7 thành viên. Các thành viên HTX tham gia trồng ba kích tím với diện tích 5ha. Sản lượng ước tính sau 5 năm đạt 6,5-8,5 tấn/ha, cho thu nhập từ 0,9 – 1,2 tỷ/ha/chu kỳ 5 năm. Hiện tại được sự hỗ trợ của Hội Nông dân, HTX đã xây dựng được nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc và bao bì sản phẩm.
Ông Nguyễn Hải Đính – thành viên HTX ba kích tím Tây Yên Tử cho biết: Năm 2017, ông được được Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang chọn tham gia mô hình trồng thử nghiệm cây ba kích dưới tán cây lâm nghiệp, cây ăn quả. Đến năm nay, vườn ba kích được 4 năm tuổi và bắt đầu cho thu hoạch khoảng 4.000 gốc, bình quân mỗi gốc ba kích thu được 3-4 kg. Với giá bán tại vườn từ 200.000 - 300.000 đồng/kg, gia đình ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng…
Mô hình nuôi ong mật cũng mở ra sinh kế mới bền vững cho người dân huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Anh Vương Văn Trường, dân tộc Hoa ở thôn Vá, xã An Bá, huyện Sơn Động cho biết: Hiện gia đình anh đang nuôi 180 đàn ong. Tận dụng nguồn hoa vải thiều, bạch đàn, keo... đàn ong của anh cho mật đều, chất lượng thơm ngon. Với lượng mật ong thu được và giá bán như hiện tại (150.000 đồng/lít mật), mỗi năm gia đình anh thu về gần 100 triệu đồng từ nuôi ong.
Theo thống kê, hiện toàn huyện Sơn Động có gần 18.000 đàn ong, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 170 - 180 tấn mật với giá bán bình quân 150 .000 đồng/lít, cho doanh thu hơn 19 tỷ đồng. Mật ong Sơn Động được đánh giá có chất lượng tốt bởi chủ yếu có nguồn gốc hoa rừng tự nhiên, không bị ảnh hưởng từ thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh. Đây cũng chính là thế mạnh để xây dựng thương hiệu mật ong Sơn Động. Thời gian tới, huyện tiếp tục duy trì, mở rộng đàn ong trên địa bàn có tiềm năng; thành lập các nhóm liên kết, hợp tác xã để ký hợp đồng với doanh nghiệp bảo đảm đầu ra cho người nuôi.
Theo thống kê, huyện Sơn Động có 7 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh, trong đó rượu men lá Thảo Mộc Linh, rượu men lá Như Bảo, nấm lim xanh Tây Yên Tử, măng mai khô, rượu nấm lim xanh, mật ong rừng Sơn Động đạt 3 sao; mật ong Tây Yên Tử đạt 4 sao.
Cùng với tập trung nâng hạng các sản phẩm đã được công nhận, năm 2022, UBND huyện ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình OCOP, trong đó ưu tiên những sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng lợi thế như: Dược liệu, gà, miến dong, hương nến, trà nấm lim xanh...
Ông Nguyễn Văn Thuận - Chủ tịch UBND xã Tuấn Đạo nói: "Toàn xã có hơn 4ha cây dong riềng và đang quy hoạch vùng trồng thêm 17ha. Để miến dong được xếp hạng OCOP trong năm nay, cùng với lựa chọn giống tốt, chúng tôi hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật để có sản phẩm chất lượng tốt nhất".
Từ những tiềm năng, lợi thế, huyện Sơn Động coi phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch là nhiệm vụ trọng tâm. Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI xác định hai chương trình trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: Tập trung phát triển và khai thác có hiệu quả tiềm năng về du lịch; ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với du lịch.
Theo đó, huyện phấn đấu mỗi năm xây dựng 1 đến 3 sản phẩm OCOP; đến năm 2025 có thêm 10 sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao, 4 sao; thu hút trên 1 triệu lượt khách du lịch, trong đó 40 nghìn khách lưu trú. Nhằm thực hiện mục tiêu trên, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Nghị quyết số 36 về phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, du lịch cộng đồng.
Trước mắt, năm 2022, UBND huyện dành 1 tỷ đồng hỗ trợ 5 hộ gia đình làm du lịch cộng đồng tổ dân phố Mậu (thị trấn Tây Yên Tử); tổ chức tập huấn, học tập mô hình, hỗ trợ hạ tầng, công trình nhà vệ sinh, nhà tắm ngâm thuốc lá người Dao.
Đồng thời mời gọi thu hút đầu tư xây dựng dự án công viên rừng sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí với quy mô 1 nghìn ha thuộc sườn Tây dãy núi Yên Tử; quy hoạch khu nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm Đồng Cao. Bên cạnh đó, bảo tồn nghề thêu ren, lễ cấp sắc, trang phục, chữ viết, tiếng nói của người Dao và một số tập quán sinh hoạt của dân tộc Tày, Nùng.
Để phát triển sản phẩm OCOP, hằng năm, huyện sẽ trích ngân sách nhằm khuyến khích các chủ thể sản xuất có sản phẩm tham gia chương trình OCOP.
Ông Lê Đức Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Sơn Động cho biết: "Để triển khai hiệu quả chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân, các tổ chức thấy được giá trị kinh tế, nhân văn khi tham gia. Huyện ưu tiên nguồn lực xây dựng các điểm du lịch, trưng bày các sản phẩm lưu niệm, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của địa phương. Thu hút tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh mở các tour du lịch đến huyện".