James Bruce, còn được biết đến với cái tên Yakov Bryus ở Nga, là một trong những trợ lý thân cận nhất của Pi-e Đại đế. Charles Whitworth - Đại sứ Anh tại Nga đã gọi Bruce là một “người rất trung thực và có học thức”.
Bruce xuất thân từ một gia đình Scotland cổ xưa, với một số thành viên từng làm vua Scottland. Bruce nổi bật với tư cách nhà toán học, nhà thiên văn học, nhà ngoại giao, kỹ sư, biên dịch viên. Một số người còn gọi ông là thầy phù thủy.
Tuy nhiên công việc chính cả đời của người đàn ông này lại là ngành pháo. Được nắm quyền chỉ huy lực lượng pháo binh quân đội Nga trong cuộc Đại chiến Bắc Âu chống lại Thụy Điển từ năm 1700 đến năm 1721, ông đã nỗ lực nâng thứ vũ khí này lên một tầm cao chất lượng hoàn toàn khác.
Bruce tạo ra các phiên bản vũ khí mới và làm việc không ngừng nghỉ để gia tăng độ tin cậy, sức mạnh, tính cơ động và tầm bắn của đại bác, khi ấy bắt đầu được sản xuất theo tiêu chuẩn thống nhất. Bên cạnh đó, ông cũng không quên bảo đảm rằng các pháo thủ được nhận trợ cấp xứng đáng và huấn luyện hiệu quả. Trong con mắt của Bruce, họ là tầng lớp tinh hoa thực sự của quân đội Nga.
Các nỗ lực chăm chỉ của Bruce đã sớm mang lại kết quả. Vào năm 1702, việc Nga bao vây pháo đài Noteburg của Thụy Điển đã kết thúc thắng lợi. Sau đó, Nga cũng đánh chiếm được Nyenschantz, Derpt và Narva. Hỏa lực pháo hiệu quả dưới quyền chỉ huy của Bruce là một trong các nhân tố chính mang lại chiến thắng cho Nga trong trận chiến Poltava năm 1709 - trận đánh quyết định căn bản kết quả sau này của toàn bộ xung đột quân sự giữa Nga và Thụy Điển.
12 năm sau, James Bruce cùng với Andrey Ostermann dẫn đầu một phái đoàn Nga đàm phán với Thụy Điển tại thị trấn Nystad. Theo các điều khoản của Hòa ước, Nga nhận được “quyền sở hữu hoàn toàn, tuyệt đối và vĩnh viễn” đối với Ingermanland, Livonia, Esland và phần phía Tây Bắc của Phần Lan. Cùng năm 1721, quốc gia do Pi-e Đệ nhất cai trị tuyên bố là một đế chế.
Tương tự James Bruce, kỹ sư Đức Georg de Gennin, đến Nga vào năm 1697, đã phục vụ ngành được mệnh danh là “chúa chiến tranh” vào lúc đó - pháo binh. Trong cuộc chiến của Nga với Thụy Điển sau đó, Gennin truyền dạy kỹ năng pháo binh và đích thân tham gia việc đánh chiếm Vyborg cùng một số pháo đài Thụy Điển khác.
Thấu hiểu kỹ năng tổ chức xuất chúng của Gennin, Pi-e Đại đế tin tưởng giao phó cho ông nhiệm vụ xây dựng các nhà máy sản xuất vũ khí và thuốc súng ở Saint Petersburg và ở Karelia. Tại Karelia, ông còn làm được nhiều thứ khác, như việc thành lập một khu nghỉ dưỡng đầu tiên của nước Nga.
Hoàng đế Nga hài lòng với kết quả công việc của Gennin. Sa hoàng tặng Gennin một bức chân dung nhà vua nạm kim cương và cử ông đi thúc đẩy ngành công nghiệp ở khu vực Ural. Tại đây, Vilim Ivanovich (tên mới của Gennin ở nước Nga) không chỉ phục hồi và hiện đại hóa các nhà máy cũ mà còn trong 12 năm, xây 9 nhà máy mới từ con số 0. Ngoài ra, ông còn tham gia thành lập một số trung tâm khu vực như Perm và Yekaterinburg.
Năm 1661, khi Patrick Gordon bắt đầu phục vụ cha của Pi-e Đại đế - Sa hoàng Mikhaylovich, ông đã là một quân nhân dạn dày kinh nghiệm. Người lính Scotland này đã tham gia một số chiến dịch quân sự dưới lá cờ của Ba Lan và Thụy Điển.
Trong cuộc tranh giành quyền lực giữa công chúa Sophia và hoàng tử Pi-e vào năm 1689, Gordon - người chỉ huy Trung đoàn Moskovskiy số 2, hậu thuẫn mạnh mẽ cho Pi-e, bảo đảm một thắng lợi không đổ máu cho Pi-e. Sau này, công dân Scotland này giành được sự tin tưởng không giới hạn của vị Hoàng đế Nga tương lai.
Pi-e ấp ủ hoài bão xây dựng một đội quân kiểu mới và mạnh mẽ, có đủ năng lực thách thức quân đội của các cường quốc châu Âu lúc đó. Tri thức và kinh nghiệm của Gordon (còn được gọi là Pyotr Ivanovich) tỏ ra vô giá trong việc đáp ứng mong mỏi đó của Pi-e.
Là một chuyên gia quân sự hàng đầu, Gordon không chỉ cung cấp tư vấn cho Sa hoàng về các vấn đề quân sự mà còn tham gia huấn luyện các trung đoàn Semyonovsky và Preobrazhensky, được lập ra theo mô hình Tây Âu khi đó. Theo khuyến nghị của Gordon, các đơn vị quân sự này được đặt tên là “trung đoàn cận vệ”.
Bản thân Gordon dẫn quân ra chiến trận trong các chiến dịch Azov chống lại người Thổ vào năm 1695 và 1696.
Franz Lefort - con trai của một thương lái Geneva, là một trong các trợ thủ và bè bạn thân cận nhất của Sa hoàng Pi-e. Ông hoàn toàn chung niềm tin của Sa hoàng về sự cần thiết phải Âu hóa nước Nga càng nhanh chóng càng tốt, và ông đã tích cực trợ giúp Sa hoàng trong quá trình đó.
Lefort sau đó sẽ tìm kiếm các chuyên gia quân sự và dân sự tốt nhất ở châu Âu, lôi kéo họ tới phục vụ Nga, nói với họ rằng ở đây có những sự ưu đãi tốt nhất dành cho họ. Ông hỗ trợ quá trình khai sinh hải quân Nga, đồng thời là một trong các vị sáng lập ra quân đội kiểu mới của Nga theo các nguyên tắc châu Âu. Theo ý chí của Sa hoàng, Franz Lefort (còn được gọi là Franz Yakovlevich) được phong hàm tướng và nguyên soái.
Lefort đột tử vào năm 1699 khi mới 43 tuổi. Khi biết hung tin về người bạn thân, Pi-e buồn rầu vô cùng và than: “Chỉ có ông ấy là trung thành với ta. Giờ ta biết dựa vào ai đây?”.
Ngày nay, tên của Lefort được đặt cho một trong những quận cổ xưa của thủ đô Moscow.
5- Heinrich Johann Friedrich Ostermann, người Đức
Ostermann là một người dân bản địa của thị trấn Bochum, nước Đức. Mang thêm cái tên Nga Andrey Ivanovich, ông thực sự là một cá nhân độc nhất vô nhị. Ostermann thông thạo nhiều ngôn ngữ như tiếng Đức, Hà Lan, Latin, Pháp và Italy. Ông cũng dễ dàng học được tiếng Nga. Vào năm 1704, ông được mời tham gia phục vụ Sa hoàng Pi-e.
Từ chỗ chỉ là một biên dịch viên bình thường của Văn phòng Đại sứ (cơ quan Nga phụ trách các vấn đề đối ngoại - BTV), Ostermann đã thăng tiến trở thành người đứng đầu phái đoàn Nga (cùng với Bruce) trong các cuộc đàm phán hòa bình với người Thụy Điển ở Nystad vào năm 1721. Mệt mỏi vì nhiều năm xung đột vũ trang, Pi-e Đệ nhất khi ấy đã sẵn lòng chấp nhận những nhượng bộ lớn. Nhưng Ostermann, với sự quyết tâm và bền bỉ, đã xoay sở để giúp Nga ký với Thụy Điển một hòa ước chứa đựng nhiều điều khoản có lợi nhất có thể đạt được cho Nga.
Pi-e tất nhiên rất hài lòng. Ông đã phong Ostermann làm nam tước.
Năm 1723, nhà ngoại giao Ostermann lại lần nữa làm Pi-e vui sướng khi ông ký kết được một thỏa thuận thương mại với Ba Tư, với nội dung cực kỳ có lợi cho Nga. Ngoài ra, Andrey Ivanovich còn tư vấn cho Pi-e Đại đế về chính sách đối nội.
Sau khi Pi-e băng hà vào năm 1725, Ostermann tiếp tục hình thành chính sách đối ngoại của nước Nga. Ông cũng thực hiện tái tổ chức hải quân Nga trên quy mô lớn.