Trận đánh nào đưa Nga lên vị thế bá chủ khu vực Bắc Âu?

Nguyễn Thái Thứ hai, ngày 17/10/2022 18:31 PM (GMT+7)
Khác với trận Narva khi quân Nga kéo tới Thụy Điển, ở trận Poltava, vị vua trẻ Charles XII của Thụy Điển đem quân tiến đánh nước Nga của Peter Đại đế. Đây được xem là trận quyết định của đại chiến Bắc Âu.
Bình luận 0

Liên minh chống Nga

Năm 1708, vua Charles XII của Thụy Điển xâm lược Nga với mục tiêu chấm dứt đại chiến Bắc Âu. Mùa đông năm đó, quân Thụy Điển phải chống chọi với thời tiết băng giá khắc nghiệt ở Nga và thiếu lương thực, thực phẩm do quân Nga thực hiện chiến thuật tiêu thổ - đốt sạch mọi thứ.

Vua Charles XII quyết định cho quân tiến về phía nam tới Ukraine. Không phải ngẫu nhiên, Charles XII chọn trú đông ở đây. Vị vua trẻ của Thụy Điển liên minh với Mazepa - nhà lãnh đạo của người Cozak ở Ukraine coi nước Nga của Peter Đại đế là đối thủ tiềm tàng cần đánh bại.

Trận đánh nào đưa Nga lên vị thế bá chủ khu vực Bắc Âu? - Ảnh 1.

Poltava được xem là trận đánh quyết định cục diện đại chiến Bắc Âu. Ảnh: Twitter.

Charles XII cũng muốn hợp tác với Devlet-Girei III - người đứng đầu Crimea khi đó - để thành lập một liên minh chống Nga. Charles XII tin rằng liên minh của người Thụy Điển, người Cozak và người Crimea kết hợp với viện binh từ Ba Lan (thời điểm này đã bị Thụy Điển đánh bại) có thể chiến thắng nước Nga của Peter Đại đế.

Vua Charles XII, khi đó nắm trong tay khoảng 25.000 quân, quyết định tiến xa hơn về phía nam để có thể gần hơn với quân tiếp viện dự kiến tới từ Ba Lan.

Vị vua trẻ sau đó quyết định điều quân vây hãm Poltava - một thị trấn nhỏ nằm bên sông Vorskla, cách Kiev hơn 300 km về phía đông nam - đang được đại tá Alexey Kelin bảo vệ.

Vây hãm Poltava

Trận đánh nào đưa Nga lên vị thế bá chủ khu vực Bắc Âu? - Ảnh 2.

Quân Thụy Điển vây hãm Poltava. Ảnh minh họa: Pinterest.

Ngày 1/5/1709, quân Thụy Điển tấn công Poltava. Sau 6 tuần, các nỗ lực của Thụy Điển không mang đến hiệu quả.

Trong khi đó, dọc bờ đông của sông Vorskla, các lực lượng Nga cũng đang tập trung về đây, gồm bộ binh dưới quyền thống chế Boris Petrovich Sheremetev, kỵ binh dưới quyền công tước Aleksandr Danilovich Menshikov, và pháo binh do tướng Adolf Fredrik Bauer chỉ huy.

Các đội kỵ binh của Nga và Thụy Điển ở dọc theo hai bờ đối diện của sông Vorskla giao tranh với nhau mỗi ngày. Không bên nào có lợi thế rõ rệt.

Đại tá Kelin báo với các tướng Nga rằng Poltava chỉ có thể cầm cự đến cuối tháng 6 trước các đợt tấn công và vây hãm của Thụy Điển.

Thống chế Sheremetev và tướng Menshikov không muốn mất thị trấn này nhưng không được chuẩn bị bài bản để giao chiến với Thụy Điển. Menshikov cho người báo tin với Peter Đại đế - người đang dẫn quân đến từ pháo đài Azov.

Đầu tháng 6, Peter Đại đế dẫn đại quân tới doanh trại của công tước Menshikov. Theo trang Battlefield Anomalies, quân số của Nga khi đó là hơn 4 vạn người.

Sa hoàng và các tướng Nga nhận thấy việc Poltava thất thủ chỉ còn là vấn đề thời gian. Nếu Poltava rơi vào tay Thụy Điển, thị trấn này có thể là điểm tập trung của liên minh chống Nga và tạo điều kiện cho vua Charles XII dẫn quân đánh sâu vào Nga.

Peter Đại đế và các tướng Nga quyết định tung đại quân Nga để bảo vệ Poltava. Nhưng để làm được điều này, quân Nga cần phải vượt sang bờ tây. Đêm 14/6, nhóm quân Nga đầu tiên tổ chức vượt sông bị đẩy lui. Poltava tiếp tục báo tin về rằng khó có thể cầm cự lâu hơn nên Peter Đại đế quyết định phải hành động khẩn trương.

Thụy Điển biết rõ về việc vượt sông của người Nga. Trong các đêm tiếp theo, quân Thụy Điển được lệnh sẵn sàng chiến đấu. Họ dự tính chờ một phần quân Nga sang sông sẽ dùng quân số áp đảo của Thụy Điển đẩy lui. Tuy nhiên, khi điều này còn chưa thể thực hiện, một sự cố tai hại xảy ra với vua Charles XII.

Ngày 17/6, đúng dịp sinh nhật lần thứ 27, vua Charles XII bị chú ý bởi tiếng huyên náo trong các cuộc tấn công của quân Nga ở phía nam Poltava. Vị vua trẻ cưỡi ngựa tới xem xét tình hình thì bị bắn trúng vào chân trái.

Theo trang Battlefield Anomalies, để giữ hình ảnh trước các binh lính, Charles XII từ chối xuống ngựa. Nhưng sau đó, vị vua trẻ bị ngất trên lưng ngựa do mất quá nhiều máu. Vết thương không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của Charles XII mà còn khiến tinh thần của binh sĩ Thụy Điển ảnh hưởng nghiêm trọng.

Khi biết tin nhà vua bị thương, thống chế Carl Gustaf Rehnskiöld quyết định không tấn công phía bắc như phương án đã định.

Chiều ngày 17/6, Peter Đại đế biết tin vua Charles XII bị thương liền lập tức truyền lệnh vượt sông. Ngày 19/6, kỵ binh Nga vượt qua sông Vorskla mà không bị cản trở, và nhanh chóng thiết lập phòng tuyến ở khu vực Semenovka, Poltava. Trong các ngày 19-21/6 toàn bộ quân Nga di chuyển từ đông sang bờ tây, và xây phòng tuyến.

Ngày 22/6, quân Thụy Điển sốc lại tinh thần. Charles XII vẫn chưa lành vết thương, nhưng tính mạng không còn bị đe dọa. Cũng trong thời gian này, vua Thụy Điển nhận thông tin viện binh từ Ba Lan sẽ không đến, trong khi người Crimea bị đế chế Ottoman ngăn không cho hợp tác với Thụy Điển.

Quân Thụy Điển lúc đó cũng dần bị tiêu hao trong các cuộc đụng độ lẻ tẻ, trong khi không có viện binh. Lương thực cũng cạn kiệt do quân Nga thực hiện chiến thuật tiêu thổ. Thuốc súng bị ẩm ướt, đạn dược cũng cạn kiệt. Charles XII dự tính dồn toàn bộ lực lượng còn lại để đánh một trận gây bất ngờ cho người Nga, theo trang Battlefield Anomalies.

Trong khi đó, Peter Đại đế muốn xây dựng một phòng tuyến vững chắc cho Nga và buộc Thụy Điển phải dồn sức để tấn công vào đây. Đêm 26/6, quân Nga từ Semenovka âm thầm di chuyển về phía nam và lập một doanh trại mới cách Poltava 6 km về phía bắc. Tại đây, quân Nga tạo ra một bức tường thành vững chắc.

Peter Đại đế lợi dụng địa hình rừng, núi và đầm lầy tại khu vực này để xây dựng phòng tuyến. Ngoài ra, vị Sa hoàng còn cho đắp 6 tiền đồn nhỏ, mỗi tiền đồn có 700 quân đồn trú và 2 đại bác. Ngay sau các tiền đồn là 7 trung đoàn kỵ binh với 13 khẩu pháo.

Chiều 27/6, vua Charles XII triệu các tướng lĩnh Thụy Điển tới để bàn về kế hoạch cho trận đánh. Ông nói rằng người Nga có quân số đông hơn, nhưng Thụy Điển có thể gây bất ngờ nếu áp dụng chiến thuật táo bạo. Vị vua trẻ tự tin có thể đánh bại quân Nga và bắt sống Peter Đại đế.

Thụy Điển chỉ còn khoảng 25.000 quân, trong đó nhiều binh sĩ ốm yếu do thiếu lương thực, thuốc men. Lewenhaupt - người chỉ huy bộ binh Thụy Điển - muốn đưa toàn quân giao chiến với người Nga, nhưng vua Charles XII bác bỏ ý kiến này.

Vị vua trẻ phân tích rằng, cần duy trì 1.300 quân tấn công Poltava, tránh để lực lượng bên trong thị trấn xông ra phối hợp cùng quân Nga. Ngoài ra, Thụy Điển cần 2.000 kỵ binh bảo vệ hậu cần, 1.200 quân bố trí dọc sông Vorskla ở phía dưới Poltava đề phòng quân Nga vượt sông ở đoạn này. Đội quân Cozak gồm 6.000 người không được phân công nhiệm vụ tấn công vì Charles XII cho rằng tính vô kỷ luật của đội quân này sẽ làm rối loạn hàng ngũ quân Thụy Điển, vốn được tổ chức bài bản. Trong số 25.000 quân, Charles XII sử dụng 19.000 để đối đầu với hơn 40.000 quân Nga.

Thụy Điển đổi tổng tư lệnh

Khi vua Charles XII bị thương, chức vụ tổng tư lệnh được giao cho thống chế Rehnskiöld. Theo một số tài liệu, Rehnskiöld là người nóng tính, cao ngạo và đặc biệt không có thiện cảm với tướng chỉ huy bộ binh - bá tước Lewenhaupt.

Phương án mà vua Charles XII và thống chế Rehnskiöld đề ra là tấn công vào ban đêm để khiến quân Nga bất ngờ.

Kế hoạch bao gồm hai hoạt động chớp nhoáng: Một là đột nhập vào vùng đất bằng phẳng trước doanh trại đại quân Nga và hai là mở cuộc tấn công quy mô vào doanh trại kiên cố. Phần đầu của kế hoạch sẽ diễn ra trước bình minh. Khi đó, các binh sĩ Thụy Điển sẽ di chuyển nhanh qua các tiền đồn của Moscow trước khi quân Nga thức giấc.

Bộ binh và kỵ binh sẽ cùng nhau tiến công. Các kỵ sĩ sẽ tiêu diệt kỵ binh của đối phương đang bảo vệ phía sau của các tiền đồn, rồi di chuyển để cắt đứt đường rút lui chính của quân đội Nga từ phía bắc. Bộ binh sẽ theo sau kỵ binh, vượt qua các tiền đồn và tấn công doanh trại kiên cố.

Trong số 30 khẩu pháo còn sử dụng được, thống chế Rehnskiöld quyết định chỉ đem theo 4 khẩu. Rehnskiöld mang tâm lý của kỵ binh là không thích sử dụng pháo và cho rằng việc kéo pháo qua các tiền đồn sẽ làm chậm bước tiến của quân Thụy Điển, giảm tính đột biến của chiến dịch.

Vào khoảng 1h sáng 28/6, khi đang tập hợp đội hình, quân Thụy Điển phát hiện tiếng đào bới phát ra từ phía phòng tuyến của Nga. Thống chế Rehnskiöld cùng một số sĩ quan tới xem xét tình hình thì phát hiện quân Nga đang đào đất xây 4 tiền đồn mới, nằm vuông góc so với 6 tiền đồn cũ.

Với tình hình mới này, nếu quân Thụy Điển tiếp tục làm theo kế hoạch cũ, họ sẽ bị chia thành 2 nhóm đi vào các khu vực dễ bị quân Nga nã pháo.

Khi Rehnskjöld đang theo dõi thì bị quân Nga ở 2 tiền đồn gần thống chế này nhất phát hiện. Họ nổ súng về hướng Rehnskjöld và đánh trống cảnh báo cho quân đội của Peter Đại đế. Thống chế Thụy Điển vội vàng rút lui.

Yếu tố bất ngờ đã không còn và thời gian còn lại rất ít với Thụy Điển. Thống chế Rehnskiöld muốn chớp thời cơ ra lệnh tấn công như dự kiến, nếu không mọi kế hoạch sẽ đổ bể.

Vua Charles XII chấp thuận và phương án tác chiến ban đầu phải thay đổi. Các tiểu đoàn bộ binh giờ được chia ra 5 cánh quân, trong đó 4 cánh quân tiến nhanh qua các tiền đồn, rồi tập họp lại ở khu đất bằng phẳng theo kế hoạch ban đầu. Cánh quân thứ 5, gồm 4 tiểu đoàn, sẽ tấn công 4 tiền đồn mới.

Vào 4h sáng 28/6, thống chế Rehnskiöld ra lệnh tiến quân.

Trận đánh nào đưa Nga lên vị thế bá chủ khu vực Bắc Âu? - Ảnh 3.

Sơ đồ vị trí quân Nga (màu đỏ) và quân Thụy Điển (màu xanh) trong trận Poltava. Ảnh: Warfare History Network.

Bộ binh Thụy Điển tiến về phía các tiền đồn Nga, theo sau họ là lực lượng kỵ binh. Quân Thụy Điển chiếm được 2 tiền đồn đầu tiên. Một số đại đội sau khi chiếm được 2 tiền đồn đầu tiên gia nhập vào hàng quân tiến qua cánh phải của tiền đồn Nga, trong khi số còn lại chuẩn bị hỗ trợ 2 tiểu đoàn dưới quyền thiếu tướng Carl Gustaf Roos công hãm tiền đồn thứ 3. Quân Nga ở tiền đồn thứ 3 chống trả quyết liệt, đẩy lui đợt tấn công thứ 1. Quân Thụy Điển được tăng cường. Tổng cộng 6 tiểu đoàn tập trung tấn công tiền đồn thứ 3.

Sự thiếu tin tưởng giữa các tướng lĩnh Thụy Điển đã ảnh hưởng lớn tới lần tác chiến này. Thống chế Rehnskiöld không phổ biến phương án tác chiến cho người dưới quyền. Vì vậy, thiếu tướng Roos chỉ biết mục đích duy nhất là chiếm tiền đồn mà không hiểu mục tiêu chính của đơn vị ông là thu hút hỏa lực của các tiền đồn Nga, tạo điều kiện cho các cánh quân khác của Thụy Điển vượt qua.

Khi bị đánh bật lại, Roos cùng các binh sĩ của ông không rút lui rồi di chuyển vào điểm hẹn ở khu đất bằng phẳng phía sau các tiền đồn, mà tiếp tục tấn công dù nhiều lần bị đẩy lui. Kết quả là 6 tiểu đoàn Thụy Điển bị tập trung tại một tiền đồn không quan trọng này.

Khi giao tranh diễn ra ở các tiền đồn Nga, 2 cánh kỵ binh Nga dưới quyền tướng Menshikov bất ngờ xông ra từ các tiền đồn đuổi đánh bộ binh Thụy Điển. Kỵ binh Thụy Điển đến tiếp chiến. Sau một hồi giao chiến, Menshikov hoàn toàn tin rằng có thể đánh bại quân Thụy Điển nên cho người gửi tin tới Peter Đại đế, đề nghị điều động đại quân Nga ứng chiến dọc các tiền đồn nhưng bị từ chối. Vị Sa hoàng cho rằng Menshikov chỉ mới giành được lợi thế với kỵ binh đối phương, trong khi vẫn lo rằng Thụy Điển đang giấu quân. Tướng Menshikov miễn cưỡng chấp hành lệnh rút quân. Ông cho rút kỵ binh về hướng bắc, giao phần lớn cánh trái doanh trại Nga cho tướng Adolf Fredrik Bauer, còn ông dẫn một cánh quân nhỏ hơn rút về cánh phải. Từ trong doanh trại, pháo binh Nga trút hỏa lực để bọc lót cho quân Nga rút lui, ngăn kỵ binh Thụy Điển truy kích.

Theo trang Battlefield Anomalies, việc Rehnskiöld không thông báo kế hoạch tác chiến cho cấp dưới khiến hàng ngũ binh sĩ Thụy Điển bị hỗn loạn. Trong số đó, có 6 tiểu đoàn bộ binh bên cánh phải dưới quyền bá tước Lewenhaupt. Họ có mục đích chỉ di chuyển qua các tiền đồn để tụ họp với đại quân ở khu đất bằng phẳng nhưng bị rối loạn vì màn khói và bụi mù do trận giao tranh kỵ binh tạo ra, đồng thời hứng chịu hỏa lực từ các tiền đồn Nga. Để bảo toàn lực lượng, Lewenhaupt cho đội hình di chuyển xa hơn về bên phải, tránh khỏi màn bụi khói và tầm bắn của Nga.

Việc di chuyển này tạo ra một lỗ hổng lớn trong hàng ngũ Thụy Điển. Do không được thông báo về kế hoạch, Lewenhaupt tiếp tục dẫn quân tiến về phía trước để giao chiến với đại quân của Nga. Sau khi qua khỏi tiền đồn, Lewenhaupt dẫn quân đi xa về bên phải. 6 tiểu đoàn ngày càng rời xa đội hình chính.

Lewenhaupt tiến thẳng đến doanh trại chính của Nga. Vị bá tước Thụy Điển định dùng hơn 2.000 quân tiến đánh vào doanh trại chính của Nga, nơi có hơn 30.000 quân.

Trong lúc đó, bên trái của các tiền đồn và ở về phía xa, quân chủ lực  của Thụy Điển, gồm 3 sư đoàn do thống chế Rehnskiöld chỉ huy, đã tiến theo kế hoạch ban đầu. Họ tiến nhanh qua các tiền đồn rồi nhanh chóng tập họp lại ở khu đất bằng phẳng.

Thống chế Thụy Điển hài lòng với tiến độ đạt được nhưng chờ mãi không thấy các cánh quân khác tập hợp. 12 tiểu đoàn - dưới quyền Lewenhaupt và Roos – đã mất tích. Thống chế Rehnskiöld cho người đưa tin yêu cầu Lewenhaupt lập tức quay về hợp quân với đại quân Thụy Điển. Nhận được lệnh rút lui trong lúc đang hừng hực khí thế tấn công doanh trại Nga, bá tước Lewenhaupt miễn cưỡng nghe lệnh.

Thống chế Rehnskiöld hiện có 12 trong số 18 tiểu đoàn bộ binh. 6 tiểu đoàn còn lại dưới quyền thiếu tướng Roos vẫn miệt mài tấn công tiền đồn Nga. Chỉ khi thương vong lên tới gần một nửa số quân, thiếu tướng Thụy Điển mới quyết định rút lui để tập hợp với đại quân. Nhưng do không được phổ biến kế hoạch, Roos không biết đại quân đang ở đâu. Để chỉnh đốn hàng ngũ, thiếu tướng này đưa quân tới khu rừng phía đông.

Người liên lạc của thống chế Rehnskiöld không tìm được vị trí của cánh quân do thiếu tướng Roos chỉ huy. Nhưng người Nga thì rất rõ. Peter Đại đế theo sát diễn biến và phát hiện vị trí của cánh quân do Roos chỉ huy. Ông lệnh cho tướng Menshikov dẫn 6.000 quân tới tấn công cánh quân của Roos.

Khi toán quân đầu tiên của Menshikov kéo tới, quân của Roos tưởng nhầm ra là quân Thụy Điển. Khi quân Thụy Điển nhận ra, quân Nga đã đến sát bên. Dưới hỏa lực của Nga và bị truy kích ráo riết bằng quân số áp đảo, cánh quân của Roos buộc phải đầu hàng. Như vậy, khi chưa kịp đánh trận lớn, 1/3 lực lượng bộ binh Thụy Điển đã bị vô hiệu hóa.

Trong khi đó, đại quân Thụy Điển vẫn phải chờ đợi vì chưa đủ quân. Vị trí lúc đó của quân Thụy Điển cách góc tây bắc của doanh trại chính Nga chưa đầy 2 km, rất trống trải và nằm trong tầm đạn pháo Nga. Quân Thụy Điển hứng chịu thương vong do pháo Nga, phải rút về khu rừng phía nam ẩn náu. Thống chế Rehnskiöld hối hận khi quyết định để phần lớn đại pháo ở doanh trại. Thụy Điển chỉ có 4 khẩu pháo đối đầu với 70 khẩu pháo từ doanh trại chính của Nga. Rehnskiöld phái người đưa tin về doanh trại yêu cầu mang theo đại pháo hỗ trợ nhưng bất thành.

Người Nga tràn lên tấn công
Trận đánh nào đưa Nga lên vị thế bá chủ khu vực Bắc Âu? - Ảnh 4.

Bộ binh và kỵ binh Nga (xanh lá) tấn công bộ binh Thụy Điển. Ảnh minh họa: Pinterest.

Gần 9h sáng, Rehnskiöld ra lệnh rút lui. Đại quân Thụy Điển bị suy yếu và rủi ro quá cao nếu tiếp tục ở lại. Vị thống chế Thụy Điển định kéo quân trở lại các tiền đồn Nga, tăng viện cho Roos để vượt qua các tiền đồn trở về điểm xuất phát. Sau đó, Rehnskiöld sẽ triệu tập các tiểu đoàn canh gác hậu cần và tuần tiễu dọc bờ sông phía dưới Poltava. Lúc đó, đại quân Thụy Điển sẽ là 24 tiểu đoàn, gấp đôi con số cũ, và Rehnskiöld có thể quyết định tấn công Nga như thế nào.

Nhưng khi binh sĩ của Rehnskiöld chưa kịp rút lui, Peter Đại đế đã lệnh cho quân Nga tràn ra tấn công. Cuộc đối đầu giữa 2 đại quân Nga - Thụy Điển với sự góp mặt của Peter Đại đế và vua Charles XII bắt đầu.

Bên cánh phải quân Nga là tướng Bauer chỉ huy 18 trung đoàn kỵ binh. Ở cánh trái là Menshikov chỉ huy 6 trung đoàn kỵ binh. Ở giữa là các tiểu đoàn bộ binh dưới quyền của tướng Sheremetev và Vương công Anikita Ivanovich Repnin. Đội pháo binh Nga đã bố trí một số khẩu pháo trên các tiền đồn để hỗ trợ bộ binh Nga, một số khẩu pháo khác ở phía trước bộ binh để "dọn đường".

Thống chế Rehnskiöld của Thụy Điển quyết định ngừng rút quân, xếp lại đội hình chiến đấu với người Nga.

Khoảng 10h sáng, quân Thụy Điển đã xếp thành đội hình chiến đấu. Bộ binh đứng đầu, theo sau là kỵ binh. Bộ binh của tướng Lewenhaupt lúc đó chỉ còn 12 tiểu đoàn, gần 5.000 quân. Đối diện ông là 2 hàng bộ binh Nga tổng cộng hơn 24.000 quân với 70 khẩu pháo.

12 tiểu đoàn bộ binh Thụy Điển tiến thành một hàng mỏng, cố gắng dàn rộng đội hình, tìm cách chọc thủng phòng tuyến quân Nga. Khi bộ binh Thụy Điển tiến đến, Nga tăng cường nã pháo. Dù lực lượng mỏng nhưng bộ binh Thụy Điển vẫn tấn công và cướp được những khẩu pháo phía trước bộ binh Nga.

Lúc này, quân bộ binh của Lewenhaupt đã đạt mục tiêu chọc thủng được một phần phòng tuyến quân Nga, Lewenhaupt mong chờ kỵ binh Thụy Điển xông lên tiếp chiến nhưng không thấy bất kỳ ai.

Các tiểu đoàn cánh trái của Thụy Điển đang gặp khó khăn nghiêm trọng vì bị đại pháo của Nga bắn phá. Hỏa lực Nga mạnh đến nỗi hàng ngũ Thụy Điển bị bắn phá tan nát trước khi tới gần được bộ binh Nga. Khi cánh trái đang chật vật, cánh phải của Thụy Điển tràn lên vô tình tạo ra một khoảng trống.

Peter Đại đế nhanh chóng nhận ra điều này và điều một đội kỵ binh hùng hậu đánh vào khoảng trống này. Không có sự hỗ trợ của Kỵ binh, bộ binh Thụy Điển ở cánh phải bị kỵ binh Nga tấn công. Quân Thụy Điển càng tiến sâu thì càng bị quân Nga, với số lượng đông hơn, vây chặt.

Một lúc sau, kỵ binh Thụy Điển mới tới nhưng không phải toàn bộ mà chỉ có 50 kỵ binh. Họ nhanh chóng bị hạ gục bởi đạn pháo và bộ binh Nga. Quân Thụy Điển hoảng loạn và tìm cách bỏ chạy.

Một vài đơn vị rời rạc vẫn tiếp tục giao chiến với quân Nga. Kỵ binh Thụy Điển phối hợp không đồng bộ với bộ binh ở cánh phải. Trong khi đó, một lượng kỵ binh được phái đi hỗ trợ phía cánh trái cũng bỏ mạng trước pháo Nga.

Cuộc giao tranh tiếp diễn thêm chừng nửa giờ. Quân Thụy Điển sau đó vỡ trận, bỏ chạy tán loạn dù các tướng lĩnh mặc sức hô hào giữ đội hình. Thống chế Rehnskiöld bị bắt giữ, vua Charles được tàn quân Thụy Điển che chở chạy được về doanh trại Thụy Điển rồi sang ẩn náu nhờ đế chế Ottoman.

Bắt đầu trận Poltava với 19.000 quân, Thụy Điển bị tổn thất gần 10.000 người, trong đó gần 7.000 quân tử trận và bị thương, hơn 2.700 quân bị bắt làm tù binh.

Trong khi đó, tổn thất bên Nga là hơn 1.300 quân tử trận và hơn 3.200 người khác bị thương. Thương vong của quân Nga thấp hơn rất nhiều so với quân Thụy Điển vì họ chiến đấu ở vị trí phòng ngự, trong khi liên tục trút pháo vào đối phương.

Chiến thắng trong trận Poltava chấm dứt cuộc xâm lược của quân đội Thụy Điển vào đất Nga và thay đổi cục diện chính trị châu Âu. Đế quốc Thụy Điển đánh mất vị thế hùng mạnh nhất khu vực Baltic vào tay Nga.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem