Ngày 21/11 TAND tỉnh Đồng Nai tiếp tục đưa đại án xăng lậu ra xét xử với phần tranh luận đối với hành vi của "ông trùm" Đào Ngọc Viễn.
Tại phiên xử, luật sư bào chữa cho Đào Ngọc Viễn nói rằng, cáo trạng đã đưa ra các tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Viễn, tuy nhiên lại không đưa tình tiết đầu thú. Khi bị cáo Viễn ra đầu thú công an cũng đã không lập biên bản nên cần bổ sung tình tiết này.
Ngoài ra, cha của bị cáo Viễn là người có công với cách mạng nên luật sư đề nghị HĐXX xem xét thêm 2 tình tiết giảm nhẹ .
Luật sư cũng nhấn mạnh: “Hai tàu biển mà bị cáo Viễn dùng để chở xăng đều đã thế chấp cho ngân hàng L.V để vay 40 tỷ đồng. Hai tàu này là tài sản của Công ty Đại Dương Hải Phòng nhưng Viễn lấy tàu đi mua xăng lại chỉ với tư cách cá nhân, không phải tư cách công ty. Do đó xin HĐXX xem xét trả lại hai tàu cho Công ty Đại Dương Hải Phòng để bán chi trả nợ cho ngân hàng”.
Cũng theo luật sư, khi tính tiền thu lợi bất chính, trong cáo trạng chưa trừ đi 3 chuyến hàng của bị cáo Phan Thanh Hữu chưa thanh toán tiền cho Viễn, nên mong HĐXX xem xét phần này để giảm tiền thu lợi bất chính cho Viễn.
“Số tiền thu lợi bất chính của bị cáo Viễn được xác định lên đến trên 46 tỷ đồng là chưa đúng với cách tính và chưa phù hợp với thời điểm bị khởi tố. Bởi các chuyến chở xăng lậu chưa tính trừ đi 3 chuyến tàu cuối cùng trước khi bị cáo bị khởi tố và chưa làm rõ lượng xăng chuyển qua Campuchia.
Từ đó, việc tính lợi bất chính là từ tháng 4/2020, còn tiền chuyển từ tháng 3 trở lại là lợi nhuận từ vận chuyển xăng qua Campuchia nên phải được làm rõ. Qua đó xác định chưa có cơ sở chính xác để tính tiền lời trên 1 lít xăng là bao nhiêu...
Và, ngoài ra khi tính số lượng xăng, số chuyến cũng chỉ căn dựa vào tải trọng, định lượng khoảng thì không chính xác. VKS nên đưa ra con số chính xác, không nên đưa ra khoảng. Hơn nữa đến giờ cũng chưa thấy cơ quan chức năng xác định, thẩm định hầm xăng xem 1 chuyến sẽ chở được bao nhiêu lít vì thực tế dung tích tải trọng 1 đằng nhưng số lượng chở có thể thấp hơn rất nhiều. Ngoài ra phải xem xét được vị trí phao, toạ độ tàu chờ lấy xăng để xác định được chính xác tàu hàng thuộc vị trí nào, vi phạm ra sao, không thể mọi căn cứ chung chung”, vị luật sư nêu.
Cuối cùng luật sư của Viễn đã đề nghị HĐXX xem xét trả hồ sơ để điều tra lại hành vi hoặc chuyển khung hình phạt cho Viễn xuống khoản 3 thay vì khoản 4 như hiện tại.
Còn bị cáo Đào Ngọc Viễn vẫn khẳng định chỉ được thu lợi 1.500 đồng/lít, không có chuyện 2.000 đồng/lít như cáo trạng nêu.
“Bị cáo chỉ được hưởng lợi khoảng từ 25-27 tỷ đồng. Từ 15 đến 20 hàng tháng, tiền lợi nhuận sẽ chuyển quyết toán của tháng trước nên khi bị bắt thì bị cáo chưa quyết toán tháng đó, gồm 3 chuyến cước và 3 chuyến lợi nhuận. Bị cáo cũng xin HĐXX trả lại 2 tàu để chi trả nợ cho ngân hàng”, bị cáo Viễn mong muốn.
Trước các tình tiết luật sư nêu, đại diện VKSND tỉnh Đồng Nai nói rằng 2 tàu của Viễn là dùng để buôn lậu xăng nên liên quan đến vụ án dù Viễn dùng tàu với tư cách cá nhân hay công ty. Còn tiền thu lợi bất chính, cơ quan điều tra xác định cho các bị cáo theo căn cứ tính toán cụ thể theo lời khai, giấy tờ thu thập là 2.000 đồng/lít, như vậy truy tố theo số tiền này vẫn thuộc diện có lợi cho các bị cáo.
“Việc Viễn khai chưa thu tiền 3 chuyến hàng của Hữu là thiếu căn cứ. Bởi cơ quan chức năng đã xem xét các số liệu về hàng hóa trong tài liệu thu giữ nhà bị cáo Hữu để xác định số lượng xăng vận chuyển. Xác định số lượng chuyến phù hợp thu giữ tại nhà bị cáo Hữu, xăng tại kho NP… Do đó con số đưa ra đều có căn cứ chính xác, không như luật sư nhận định”, đại diện VKSND tỉnh Đồng Nai nói.
VKS tỉnh Đồng Nai xác định, hành vi đưa xăng vào vùng biển của Việt Nam và đưa vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam không có hóa đơn chứng từ, các bị cáo đã phạm tội buôn lậu. Mức hình phạt đề nghị áp dụng với bị cáo Viễn buôn lậu trên giá trị 2.600 tỷ đồng thu lợi bất chính trên 46 tỷ đồng là đúng với những chứng cứ, tài liệu điều tra vụ án.
Bị cáo Viễn lại có tình tiết tăng nặng hình phạt vì vi phạm 2 lần trở lên và phạm tội có tổ chức nên mức hình phạt như trong phần luận tội.
Riêng về lượng xăng lậu đã chuyển đi Campuchia, trong vụ án này căn cứ lượng xăng tiêu thụ tại Việt Nam để truy tố, còn xác định lượng xăng đi Campuchia thời gian nào, số lượng bao nhiêu VKS đề nghị HĐXX tách biệt ra một vụ án khác.
VKS khẳng định không có cơ sở trả hồ sơ điều tra lại vụ án cũng như giảm hình phạt xuống khoản 3 như vị luật sư đề nghị.