Sau nhiều tháng im tiếng bom rơi đạn nổ, tháng 4/1972, Hà Nội lại bị bom đạn của không lực Hoa Kỳ dội xuống. Tôi nhớ mãi ngày 17/4/1972 nhiều địa điểm ở Hà Nội bị bom và rốc két từ máy bay của không quân Hoa Kỳ oanh tạc, trong đó có quán bia ở đầu phố Đội Cấn chỗ cửa chợ Ngọc Hà nhìn sang.
Ngày ấy chúng tôi đang học lớp 10, những ngày tháng cuối cùng của đời học sinh. Trường chúng tôi học là trường cấp III Việt Nam - Ba Lan hữu nghị. Trường nằm ngay cạnh đường tàu hoả Pháp Vân, đối diện với trạm cứu hoả Pháp Vân (nay đối diện với Bến xe Nước Ngầm Pháp Vân, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Đây là trường cấp III thuộc loại có sớm nhất ở khu vực phía nam Hà Nội: trường ra đời từ năm 1960, chỉ sau vài năm khi hoà bình lập lại trên miền Bắc.
Sau khi thành lập, chỉ hơn một năm sau trường đã có một cơ ngơi rất đàng hoàng so với nhiều trường cấp III khác của Hà Nội thời bấy giờ, đặc biệt so với các trường vùng ven đô. Ngôi trường toạ lạc trong một khuôn viên vuông vắn, có rất nhiều cây xanh với các dãy nhà lợp ngói đỏ một và hai tầng được xây dựng cẩn thận ngay ngắn, xinh xắn. Ngôi trường càng nổi bật trong khung cảnh vùng ven đô Hà Nội thời ấy còn hoang sơ, nghèo nàn…
Đúng ngày 22/7/1962, khánh thành ngôi trường, thì cũng là ngày trường tổ chức kết nghĩa với Trường Phổ thông số 9 quận Prutskov, thủ đô Vacxava của Ba Lan. Và trường chính thức mang tên "Trường phổ thông cấp III Hữu nghị Việt Nam - Ba Lan" từ ngày ấy.
Ngày 02/12/1966 trường Phổ thông Hữu nghị Việt Nam - Ba Lan bị bom đạn của không quân Hoa Kỳ đánh phá. Chỉ hơn chục ngày sau trận bom đầu tiên ấy, đến ngày 13 và 14/12/1966, trong hai ngày liền, trường liên tục bị máy bay của không quân Hoa Kỳ oanh tạc còn ác liệt hơn trận đầu, và trường hầu như bị phá huỷ hoàn toàn. Ngôi trường đẹp đẽ giờ chỉ là đống gạch vụn…
Những ngày bom đạn năm 1966 ấy, tôi có người anh đang học ở trường này, nhưng rất may là trước đó các lớp học đã sơ tán về các làng xung quanh…
Năm 1969 tôi vào lớp 8, năm đầu của cấp III thì cũng vào học ở trường này. Khi ấy, cơ sở chính của trường vẫn đổ nát, chúng tôi sơ tán về các làng Đại Từ, Thanh Liệt… của huyện Thanh Trì. Lớp học là các gian nhà tuềnh toàng vách trát đất, tranh tre nứa lá dựng tạm bên bờ sông Tô Lịch. Ngày ấy nước sông vẫn còn trong xanh. Suốt cả hai năm lớp 8 và 9 chúng tôi học trong cảnh "chạy" vòng quanh mấy làng như thế…
Cuối năm 1971, tình hình chiến sự có vẻ dịu xuống, chúng tôi được trở về nơi trường cũ. Các lớp học được dựng tạm cũng bằng tre nứa trên nền cũ sau khi dọn bớt các đống đổ nát vì bom đạn.
Về địa điểm trường cũ, dẫu còn rất tạm bợ, nhưng chúng tôi ai cũng vui, vì có lẽ đây là lần đầu tiên các học trò toàn trường mới gặp nhau, cũng lần đầu tiên các học trò mới biết mặt tất cả các thầy, cô giáo của trường. Và cũng lần đầu tiên học trò chúng tôi ngày ấy mới được tiếp xúc với các "ông bà Tây"! Họ là những quan chức ngoại giao của Sứ quán Ba Lan tại Hà Nội thỉnh thoảng xuống thăm trường trong ngày khai giảng năm học mới hoặc Quốc khánh nước Ba Lan…
Cũng do có chút "hơi hướng của ngoại" nên học trò chúng tôi những năm ấy cũng được đôi chút ưu ái hơn so với các trường khác. Chẳng hạn đầu năm học có thể mỗi học sinh được phát cái thước kẻ, cái thước đo độ hay cuốn vở mỏng hoặc cái bút chì đầu có cục tẩy… Những thứ ấy là từ các bạn học sinh bên trường kết nghĩa ở Ba Lan gửi sang tặng trường. Ai học giỏi thì phần thưởng có thể nhiều hơn tí chút. So với những gì thời ấy Hà Nội bị bom đạn, thiếu thốn đủ thứ, thì những cái thước kẻ, quyển vở… "xuất xứ nước ngoài" ấy là "của hiếm" vô cùng đẹp với chúng tôi. Quả thật nó là những của quý, học trò đứa nào cũng nâng niu và nhớ cho đến tận bây giờ…
Nhưng ấn tượng nhất với chúng tôi ngày ấy là lần đầu tiên được nhìn thấy cái tivi. Số là đầu năm 1971, khi trường chuyển về địa điểm cũ ở Pháp Vân, phía Ba Lan có giúp đỡ cho trường một số thiết bị phòng thí nghiệm, văn phòng phẩm. Trong số hiện vật Ba Lan giúp đỡ trường ngày ấy nổi bật lên là cái tivi. Thời ấy gọi là "máy vô tuyến truyền hình" vô tuyến to như cái tủ gỗ có ba chân. Nhìn thấy ai cũng trầm trồ. Hình như chiếc vô tuyến ấy mang nhãn hiệu Neptun.
Nhưng đầu năm 1971, lúc ấy truyền hình Việt Nam mới ở giai đoạn bắt đầu thử nghiệm ở khu vực Hà Nội, không phải chỗ nào cũng bắt được sóng. Thế là cái máy vô tuyến truyền hình ấy được cất vào trong kho, thỉnh thoảng lại phải đem ra lau chùi, phủi bụi… Xong công đoạn ấy lại bọc kỹ rồi khiêng cất vào trong kho.
Đến cuối năm 1971, mọi người kháo nhau: tại trường đã có thể bắt được sóng truyền hình, từ trường Việt – Ba ở Pháp Vân tới số 58 phố Quán Sứ, Hà Nội, nơi đặt trạm phát sóng truyền hình VN khi ấy khoảng cách chỉ độ 4 km theo đường chim bay. Thế là vào một ngày đẹp trời tháng 10/1971, một "ưu ái" có thể nói là ngoài sức tưởng tượng đã đến với chúng tôi.
Nhà trường thông báo: một số học sinh lớp 10 cuối cấp được vinh dự tập trung đến trường buổi tối hôm ấy để xem truyền hình. Các "em" lớp dưới nhìn các anh chị lớp 10 chúng tôi có vẻ "ghen tỵ" lắm! Khỏi phải nói, ai cũng háo hức chờ mong. Hôm ấy ai cũng ăn cơm sớm ở nhà để còn đến trường kịp giờ xem vô tuyến. Có bạn nhà cách trường cả chục cây số cũng không quản ngại trời tối, đường xa…
Có thể nói đây là "sự kiện trọng đại" trong đời mà tôi và rất nhiều người mới lần đầu tiên được chứng kiến.
Tối hôm ấy, máy vô tuyến để trên cái bàn giáo viên, đặt ở giữa sân trường, xung quanh tề tựu đầy đủ các thầy cô giáo của trường và số học sinh lớp 10 cuối cấp, (cả trường lúc ấy chỉ có 2 lớp 10). Một thầy giáo dạy vật lý phụ trách việc mở vô tuyến. Mọi người chỉ được ngắm nhìn, không ai được "sờ tay vào hiện vật'.
Đúng giờ đài phát sóng, thầy giáo bật vô tuyến lên, đợi đến mấy phút sau các âm thanh từ "ò…ò" rồi "xào… xào" kéo dài thì màn hình bắt đầu sáng. Đợi mãi, trên màn hình cũng chỉ thấy các chấm đen trắng li ti dày đặc như đàn muỗi bay cùng tiếng réo sùng sục như thùng nước sôi réo lúc sắp sôi. Thầy hiệu trưởng động viên mọi người cố chờ, thầy giáo vật lý thì hết chỉnh ăng ten rồi chỉnh mấy nút điều khiển… 15 phút… 30 phút… rồi gần cả giờ trôi qua… vẫn thế! Chương trình vô tuyến phát thử nghiệm chỉ có 1 tiếng đã hết. Thầy giáo vật lý tắt máy, rút điện.
Buổi xem vô tuyến không nhìn thấy gì trên màn hình nhưng chẳng ai buồn, ngược lại rất vui là khác, vì dẫu sao đây là lần đầu tiên trong đời biết cái vô tuyến truyền hình là như thế nào.