Dân Việt

Vì sao nhiều doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM lùi triển khai bán hàng?

Hồng Trâm 22/11/2022 12:00 GMT+7
Mặc dù đã lên phương án tổ chức bán hàng vào quý 4, nhưng nhiều chủ đầu tư, doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM đã phải dời lại vì nhiều yếu tố ảnh hưởng.

Không còn kỳ vọng thị trường bất động sản cuối năm

6 tháng cuối năm 2022, thị trường bất động sản được dự báo sẽ cải thiện nguồn cung sau thời gian chịu nhiều biến động của lạm phát, thắt chặt tín dụng, pháp lý dự án…

Theo đó, báo cáo của DKRA Việt Nam, nguồn cung mới trong 3 tháng cuối năm 2022 sẽ tăng trưởng và giúp nhiều nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận trong quý. Theo DKRA, phân khúc đất nền trong 3 tháng cuối năm nay sẽ tăng nhẹ, đạt khoảng 1.500 - 2.000 nền, tập trung chủ yếu ở các thị trường vùng ven TP.HCM như: Bình Dương, Đồng Nai và Long An.

Thị trường thứ cấp có khả năng duy trì ở mức ổn định, khó có sự tăng giá đột biến trong giai đoạn cuối năm. Ngược lại, mặt bằng giá trên thị trường sơ cấp vẫn tiếp tục đà tăng do chịu ảnh hưởng của các loại chi phí đầu vào.

Vì sao nhiều doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM lùi triển khai bán hàng? - Ảnh 1.

Các nhà đầu tư bất động sản mất niềm tin vào thị trường cuối năm. Ảnh: H.T

Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới quý 4 có thể sẽ tăng, đạt mức khoảng 6.000 - 7.000 căn. Trong đó, TP.HCM với khoảng 3.000 - 5.000 căn, Bình Dương duy trì ở mức khoảng 2.000 - 3.000 căn, Long An khoảng 350 căn và Bà Rịa - Vũng Tàu với khoảng 500 căn hộ dự kiến mở bán mới. Trong những tháng cuối năm, căn hộ hạng A tiếp tục giữ vững vị thế chủ đạo tại thị trường TP.HCM, trong khi căn hộ hạng B và C dẫn dắt nguồn cung mới ở các tỉnh giáp ranh.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều nhà đầu tư nhận thấy thị trường đã và đang "chững" lại rất nhiều so với các quý trước. "Hiện nay, ai cũng nghĩ sau đại dịch, thị trường bất động sản và các ngành nghề khác sẽ tăng trưởng trở lại, nhưng thời điểm hiện tại đã là gần cuối năm, hết 1/2 quý 3 rồi nhưng khó khăn vẫn đang bủa vây từ chủ đầu tư đến người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp. 

Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng đang được kiểm soát chặt chẽ, phần lớn vốn đầu tư của các doanh nghiệp đang dựa vào vốn vay ngân hàng mà lại không được giải ngân. Đây là bài toán vô cùng khó cùng cho nhà đầu tư", ông Đăng Hùng - Giám đốc Công ty Bất động sản Phi Nam - nhận định.

Một số chuyên gia cũng cho hay, việc thị trường hiện nay "bất động" là đang chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Số liệu báo cáo ở các quý 1 và 2 cho thấy bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, sinh lời.

Vì sao nhiều doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM lùi triển khai bán hàng? - Ảnh 3.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã lùi kế hoạch bán sản phẩm. Ảnh: H.T

Tuy nhiên, dòng chảy của thị trường trong và ngoài nước đã tác động trực tiếp đến các chính sách tiền tệ. Ngân hàng buộc tăng lãi suất cho vay, siết room tín dụng… điều này khiến các nhà đầu tư muốn có kênh tài chính đổ vào đất cũng phải rất vất vả và cân nhắc.

 Lùi thời gian "tung" dự án bất động sản, chờ nội lực thị trường năm sau

Từ việc siết tín dụng bất động sản, người mua nhà, người đầu tư bắt đầu tranh thủ "ôm" dòng tiền để tìm lựa chọn an toàn, hoặc gửi vào ngân hàng để hưởng lãi suất cao ở thời điểm hiện tại, khiến việc huy động vốn của các doanh nghiệp trở nên khó khăn.

Việc này tác động tới chính các sản phẩm của doanh nghiệp bất động sản, từ đây nhiều dự án rục rịch hứa hẹn "bùng hàng" trong quý 3 đã "lặn tăm" và phải chờ cơ hội tiếp theo trong năm 2023.

Theo ghi nhận, một số đơn vị như Tập đoàn Nam Long đã lùi kế hoạch bán sản phẩm tại dự án ở Đồng Nai, giai đoạn 2 của Khu đô thị Izumi City và Paragon Đại Phước dự kiến sẽ mở bán vào quý I/2023 thay vì dịp cuối năm 2022.

Hay Tập đoàn An Gia, trong quý 2 và đầu quý 3/2023, hàng loạt các sàn đã chạy giới thiệu dự án The Gio Riverside của tập đoàn này tại khu vực phường Bình An, TP.Dĩ An, Bình Dương. Nhưng chỉ ít thời gian, các đơn vị và sale đã liên hệ với khách hàng về việc chủ đầu tư quyết định dời mở bán dự án qua năm 2023. 

Tập đoàn Đất Xanh cũng dời kế hoạch triển khai một số dự án sang năm 2023 như dự án căn hộ Lux Star (TP.HCM), Opal Cityview, DXH Parkview (Bình Dương).

Vì sao nhiều doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM lùi triển khai bán hàng? - Ảnh 4.

Các công ty bất động sản dời kế hoạch sang năm 2023 chờ nội lực thị trường để tạo đà phát triển. Ảnh: H.T

Ngoài ra, Vạn Phúc Group cũng đã dời kế hoạch mở bán dự án căn hộ cao cấp nằm trong Khu đô thị Vạn Phúc trong năm nay sang năm sau. Thay vào đó, tập đoàn tiếp tục tập trung vào việc hoàn thiện xây dựng các hạng mục tiện ích và dịch vụ, không đẩy mạnh bán hàng trong năm nay mà chờ đợi các diễn biến trong năm 2023 để có kế hoạch chi tiết hơn.

Mặc dù đã dời chào bán dự án, nhưng nhiều sàn và sale bất động sản vẫn không quên quảng cáo về dự án tốt, sản phẩm tốt và giải thích việc dời bán là vì chủ đầu tư muốn sản phẩm chỉn chu hơn khi đến với người mua.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) ông Lê Hoàng Châu cho biết: "Các doanh nghiệp bất động sản hiện cũng khó huy động vốn ứng trước của khách hàng do thị trường đang "chững lại, trầm lắng", giao dịch sụt giảm dẫn đến rủi ro. Bị mất thanh khoản là nỗi lo lớn nhất của các chủ đầu tư dự án và nhà đầu tư thứ cấp".

Trong khi đó, hiện nay Ngân hàng nhà nước đã thực hiện việc siết room vay vào bất động sản, các ngân hàng thương mại cũng cạn vốn, hoặc phải đề phòng nhiều rủi ro nên khiến việc tiếp cận vốn ngân hàng khó, vốn huy động cũng không nhiều. Điều này đã khiến cho việc các chủ đầu tư phải nghĩ đến việc dời lại bán hàng vào năm 2023.

Cũng theo HoREA, hiện nền kinh tế toàn cầu phải đương đầu với những thách thức rất nghiêm trọng như các xung đột địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát tăng cao và không loại trừ nguy cơ suy thoái kinh tế. Trong khi, đó, Việt Nam vẫn được nhiều tổ chức quốc tế uy tín đánh giá là một điểm sáng trong phục hồi, phát triển nền kinh tế, GDP có thể tăng trên 8% năm 2022 và dự báo tiếp tục tăng trưởng cao trong năm 2023. Vì vậy, việc các công ty bất động sản dời kế hoạch sang năm 2023 cũng là một bước đi đúng đắn, chờ nội lực thị trường để tạo đà phát triển.