Theo đó, nhà báo điều tra James LaPorta đã bị AP chấm dứt hợp đồng vào thứ Hai 21/11, theo Daily Beast.
Báo cáo ban đầu vào thứ Ba tuần trước do LaPorta và đồng nghiệp John Leicester tuyên bố rằng “một quan chức tình báo cấp cao của Mỹ” cho biết Nga đã phóng tên lửa vào lãnh thổ Ba Lan -thành viên NATO, khiến hai người thiệt mạng.
Theo Daily Beast, hiện chỉ LaPorta mất việc, còn nhà báo Leicester vẫn chưa bị xử lý.
Các quan chức Ba Lan, Mỹ và NATO sau đó đã cập nhật rằng các tên lửa có khả năng được bắn bởi hệ thống phòng không Ukraine chứ không phải Nga.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết vào hôm thứ Tư tuần trước rằng, có bằng chứng cho thấy Ba Lan không phải bị nhắm mục tiêu mà bị trúng đạn lạc của một “tên lửa phòng không”.
“Phòng không Ukraine đã phóng tên lửa theo nhiều hướng khác nhau và rất có khả năng một trong những tên lửa này đã không may rơi xuống lãnh thổ Ba Lan. Không có gì, hoàn toàn không có gì để cho rằng đó là một cuộc tấn công có chủ ý nhằm vào Ba Lan”, ông Duda nói.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đưa ra đánh giá tương tự.
Cùng ngày vào thứ Tư tuần trước, AP đã phải rút lại tuyên bố sai và đưa ra lời đính chính rằng “các tên lửa do Nga sản xuất và rất có thể được Ukraine bắn để phòng thủ trước một cuộc tấn công của Nga”.
Khi Daily Beast yêu cầu bình luận về việc sa thải LaPorta, một phát ngôn viên của AP chỉ trả lời: “Các tiêu chuẩn biên tập nghiêm ngặt và thông lệ của Associated Press rất quan trọng đối với sứ mệnh của AP với tư cách là một tổ chức tin tức độc lập. Để đảm bảo báo cáo của chúng tôi là chính xác, công bằng và dựa trên thực tế, chúng tôi luôn tuân thủ và thực thi các tiêu chuẩn này, bao gồm cả việc sử dụng các nguồn ẩn danh".
Trước thông tin mới cho thấy tên lửa rơi vào lãnh thổ Ba Lan chỉ là hành động không cố ý, các nhà lãnh đạo thế giới đã giải tỏa được nỗi lo vụ việc có thể kéo NATO vào cuộc xung đột Nga-Ukraine.