"Nóng cùng World Cup 2022" có sự xuất hiện của 32 cô gái xinh đẹp, quyến rũ đại diện cho 32 đội tuyển quốc gia tham dự. Theo chia sẻ của nhà đài, những người đẹp này đã trải qua nhiều vòng casting, từ năng khiếu, kiến thức tới hình ảnh… Họ cũng được rèn luyện để đảm bảo khả năng thực hiện đúng lịch trình và luôn xuất hiện ấn tượng nhất trước ống kính.
Format của chương trình không có gì mới lạ khi đã từng xuất hiện vào mùa World Cup trước đó, năm 2018. Tuy nhận được một số ý kiến trái chiều, những lùm xùm của "Nóng cùng World Cup 2018" nhanh chóng đi vào quên lãng. Tuy vậy, ở giải đấu năm nay, sự phản đối của khán giả truyền hình có phần mạnh mẽ và quyết liệt hơn.
Trên trang cá nhân, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ rằng, World Cup chỉ nên là nơi mà các chuyên gia xuất hiện. Ông viết:
"Trong mọi trận đấu bóng đá, bình luận viên là phần vô cùng hấp dẫn và quan trọng. Đặc biệt trong giải đấu lớn nhất hành tinh là World Cup.
Tôi rất cần và rất thích nghe các bình luận viên chuyên nghiệp thấu hiểu bóng đá bình luận trước, trong và sau trận đấu. Bình luận chuyên nghiệp sẽ làm cho người hâm mộ hiểu thêm về bóng đá, về đấu pháp trận đấu, về những diễn biến trận đấu và những thông tin mới mẻ về huấn luyện viên và cầu thủ.
Khi vừa xem một trận hấp dẫn lại thêm phần bình luận có nghề và hay thì thật thoả mãn. Lúc đó dư âm trận đấu và bình luận quyện vào nhau tạo nên sự "hưởng thụ" thú vị cho người xem.
Thế nhưng ở ta lại rất thích dùng các cô gái đẹp tham gia vào các chương trình bình luận. Các bạn ấy được phân công sắm vai là fan của đội này, đội kia và chiếm một thời lượng phát sóng nhất định. Các bạn ấy thế nào cũng sẽ hô lên một câu, đại loại "Argentia cố lên, Qatar cố lên, Việt Nam cố lên...". Và đương nhiên khi được hỏi dự đoán tỉ số thì họ đoán đội họ đang là fan sẽ giành chiến thắng cho dù rất khó khăn".
Cũng theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, nhà Đài đang không đặt những nhan sắc này vào một không gian phù hợp: "Các bạn gái đó quả thật xinh đẹp. Nhan sắc là một tài sản. Nhưng có lẽ tài sản trời cho ấy phải được đặt vào một không gian khác. Còn khi đang xem các trận đấu 4 năm mới có một lần thì tôi cần nghe các chuyên gia giỏi bình luận".
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Phương Mai – người giảng dạy và nghiên cứu ngành Giao tiếp và Quản trị đa văn hoá cho rằng, thay vì chọn 32 cô gái xinh đẹp đại diện cho 32 quốc gia, VTV hoàn toàn có thể mời 32 nữ tuyển thủ Việt Nam – rồi thiết kế những nội dung tương tác phù hợp với tài năng của họ.
"Từ những thế hệ đầu tiên, họ đã luôn là những cô gái vàng, những chiến binh thực sự trên sân cỏ. Họ đã đem vinh quang về cho bản thân, đội tuyển và quê hương. Cùng với những đôi chân vẫn ngày ngày cày sân cỏ, nhiều người tuy đã rời cuộc chiến, nhưng kinh nghiệm, máu lửa và đam mê vẫn còn rực cháy.
Đưa họ lên chương trình quốc gia vừa văn minh, vừa có ý nghĩa, vừa tôn vinh tài năng của các tuyển thủ, vừa góp phần phá bỏ khuôn mẫu định kiến về phụ nữ và thể thao, vừa tạo niềm cảm hứng cho những cô gái nhỏ khác vươn lên theo đuổi đam mê sở thích của bản thân".
PGS.TS Nguyễn Phương Mai cũng bày tỏ sự phản đối khi thông tin cá nhân và đời tư của các cô gái được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội, cùng nhiều hình ảnh, bình luận dung tục: "Việc sử dụng một format khác giúp chương trình bình luận của VTV không vô tình coi sắc đẹp phụ nữ như một thứ để trang trí cho bóng đá và hấp dẫn đàn ông. Một cách gián tiếp, nó từ chối việc coi thường đàn ông, cho rằng họ cần phải có bản năng dục tính làm mồi nhử".
Nhiều khán giả của VTV đồng ý với nhận định của những nhà văn hoá kể trên.
Theo anh Chiến Nguyễn (38 tuổi, Mỹ Đình, Hà Nội), sự xuất hiện của các cô gái xinh đẹp trong chương trình với những phát ngôn ngô nghê khiến người hâm mộ bóng đá thấy khó chịu hơn là hào hứng.
"Trên thế giới, các buổi bình luận trước và sau trận đấu đều mang tính chuyên môn rất cao, thoả mãn những câu hỏi, thắc mắc của khán giả về hai đội bóng. Việc VTV hỏi các cô gái về trang phục, vẻ ngoài không mang lại giá trị gì về nội dung cho chương trình", người này nói.
Trong khi đó, khán giả Nguyễn Mai (41 tuổi, Thái Nguyên) bày tỏ sự tiếc nuối khi "những người đẹp được đặt không đúng chỗ, không đúng mục tiêu. Điều này không chỉ gây ra sự phản cảm đối với người xem, mà còn khiến những cô gái này bị xúc phạm, bàn tán. Chương trình này có thể phát sóng trên Youtube, Facebook, chứ không hề xứng với tầm cỡ đài truyền hình quốc gia".
Một số ý kiến khán giả cũng cho rằng không nên quá khắt khe với "Nóng cùng World Cup": "Những cô gái tham gia chương trình cũng tạo ra sự sôi động và đa dạng. Việc bình luận chuyên sâu đã có những chuyên gia, chúng ta không nên đòi hỏi quá nhiều ở họ" - Trần Minh (28 tuổi, Hà Nội) nhận định.
Trước những phản hồi của khán giả, PV Dân Việt đã liên hệ với các bình luận viên của VTV và một số hot girl của "Nóng cùng World Cup 2022", tuy vậy họ cho biết hiện tại chưa được phép trả lời trước truyền thông. Những người đẹp này khẳng định họ dành nhiều tâm huyết cho chương trình và mong có một mùa World Cup thành công.