Dân Việt

Thế giới có thể tránh được suy thoái nhờ... châu Á?

Theo Quốc tế 23/11/2022 21:40 GMT+7
Tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại trong năm tới nhưng thế giới có thể sẽ tránh được suy thoái nhờ các nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Thế giới có thể tránh được suy thoái nhờ... châu Á? - Ảnh 1.

Theo dự báo mới nhất từ Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu được dự đoán sẽ tăng 3,1% trong năm nay và chỉ tăng 2,2% vào năm 2023.

Mặc dù OECD không dự đoán kinh tế thế giới sẽ suy thoái, nhưng dự báo của tổ chức này bi quan hơn so với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Tháng trước, IMF cho biết, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay và 2,7% trong năm tới.

OECD cho hay, triển vọng mong manh đối với nền kinh tế toàn cầu là kết quả trực tiếp của chiến dịch quân sự đặc biệt do Nga khởi xướng tại Ukraine. Chiến dịch này đã gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng và thúc đẩy lạm phát trên toàn thế giới.

Bên cạnh đó, lạm phát dai dẳng, giá năng lượng cao, tăng trưởng thu nhập hộ gia đình thực tế yếu, niềm tin giảm sút và các điều kiện tài chính thắt chặt hơn cũng là những yếu tố góp phần làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới.

"Nếu giá năng lượng tiếp tục tăng hoặc nguồn cung năng lượng bị gián đoạn, tăng trưởng có thể còn yếu hơn dự kiến", tổ chức này cho biết thêm.

Cũng theo OECD, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm tới phụ thuộc rất nhiều vào các nền kinh tế lớn của châu Á, vốn sẽ chiếm gần 3/4 mức tăng trưởng GDP toàn cầu.

Ấn Độ được dự đoán là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao thứ hai thế giới, ở mức 6,6% vào năm 2022 và 5,7% vào năm 2023. Nền kinh tế Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm nay và 4,6% vào năm 2023.

Ngược lại, Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - dự kiến chỉ tăng trưởng 1,8% vào năm 2022 và 0,5% vào năm 2023.

Tăng trưởng của 19 quốc gia sử dụng đồng Euro (Eurozone) cũng được dự đoán sẽ giảm mạnh trong hai năm tới, từ mức 3,3% vào năm 2022, xuống 0,5% vào năm 2023.

Tổng thư ký OECD Matthias Cormann cho hay, các nền kinh tế châu Âu và Mỹ tăng trưởng một phần là do chính phủ chi tiêu cho trợ cấp năng lượng và các chính sách thúc đẩy đầu tư. Song song với đó, các khoản tiết kiệm tích lũy của các hộ gia đình và doanh nghiệp trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19 cũng sẽ góp phần hỗ trợ chi tiêu.