Trong đó, xuất khẩu giảm nhẹ 7,8% so với nửa đầu tháng 10, xuống mức 208.000 tấn, trong khi nhập khẩu tăng khá mạnh gần 29% lên mức hơn 572.000 tấn. Như vậy, luỹ kế từ đầu năm cho tới hết ngày 15/11, Việt Nam đã nhập siêu hơn 3,1 triệu tấn sắt thép các loại, trái ngược với cùng kỳ năm ngoái khi nước ta xuất siêu hơn 700.000 tấn.
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), tình hình tiêu thụ sắt thép trên thế giới tại nhiều nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, hay khu vực châu Âu đều vẫn còn khá yếu trước sức ép lãi suất cao hạn chế hoạt động bất động sản và xây dựng. Đây đều là các thị trường nhập khẩu thép hàng đầu của nước ta, chỉ sau khu vực ASEAN. Điều này khiến cho hoạt động xuất khẩu sắt thép của Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn so với sự bùng nổ vào năm ngoái. Sản lượng xuất khẩu suy giảm dẫn đến tăng nguồn cung trong nước và tình trạng cạnh tranh gay gắt trên thị trường nội địa.
Trong quý III năm nay, các doanh nghiệp thép như Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG), Thép Nam Kim (Mã: NKG) hay Tổng Công ty Thép Việt Nam (Mã: TVN), … đều ghi nhận thua lỗ cao kỷ lục do nhu cầu yếu, giá bán giảm, nguyên liệu đắt đỏ, và chi phí tài chính lên cao.
Các tổ chức lớn cho rằng tình hình sẽ không sớm cải thiện. Theo Hiệp hội Thép Thế giới (WSA), nhu cầu thép toàn cầu năm 2022 dự kiến giảm 2,3% xuống còn 1.797 triệu tấn, sau đó phục hồi nhẹ 1% vào năm 2023 lên gần 1.815 triệu tấn.
Nhu cầu tại thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam là Liên minh châu Âu (EU) ước tính giảm 3,5% trong năm 2022 và có thể xuống thêm 1,3% vào năm 2023. Trong khi đó, tăng trưởng nhu cầu của thị trường Mỹ dự kiến sẽ giảm từ mức 2,1% vào năm 2022 xuống 1,6% trong năm sau.
Trong ba quý đầu năm, sản lượng thép của 8/10 quốc gia chủ lực ngành thép suy giảm so với cùng kỳ 2021, chỉ có Iran và Ấn Độ ghi nhận tăng trưởng dưới 10%.
Chứng khoán SSI cho biết tại thị trường trong nước, nhu cầu thép dẹt ít phụ thuộc vào ngành bất động sản hơn so với thép xây dựng do tỷ trọng tiêu thụ thép dẹt từ kênh dân dụng nhiều hơn.
Tuy nhiên, nhu cầu tại thị trường dân dụng trong ngắn hạn vẫn có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lãi suất cao hơn và suy thoái kinh tế nói chung. Vì vậy, các doanh nghiệp tập trung vào mảng tôn mạ và ống thép như Hoa Sen và Nam Kim có khả năng vẫn gặp khó khăn.
Giá thép tại Việt Nam có thể sẽ ổn định khi giá thép trung bình tại Trung Quốc gần đây đã phục hồi khoảng 10% so với mức đáy vào cuối tháng 10 nhờ Bắc Kinh công bố giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản. Sản lượng thép tồn kho của Trung Quốc cũng đã giảm 50% so với mức đỉnh hồi tháng 3.
Tuy nhiên, SSI cho rằng giá thép khó có thể tiếp tục phục hồi đáng kể vì nhu cầu toàn thế giới còn yếu. Ngoài ra, nhu cầu thấp và mức dư cung lớn ở thị trường trong nước có thể gây áp lực lên giá bán của các nhà sản xuất Việt Nam.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng sản lượng tiêu thụ trong quý cuối năm nay sẽ còn thấp hơn quý III do triển vọng bức tranh kinh tế vĩ mô toàn cầu ảm đạm và cạnh tranh cao hơn với thép giá rẻ của Trung Quốc cũng như các nhà sản xuất thép khác của Việt Nam. Diễn biến này có thể kéo dài ít nhất đến giữa năm 2023. Giá HRC đã giảm nhanh từ giữa tháng 10 nhưng xu hướng giảm sẽ chậm lại do nguồn cung trên toàn cầu bị hạn chế.